Con đường anh đi

TS Bế Trường Thành 06/10/2019 06:52

Cuốn sách “Con đường anh đi - Tèo tàng có phjải” - của tác giả Hoàng Choóng, tập thơ theo thể hát Sli của người Nùng Cháo - được NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành lần đầu tháng 9/2009. Tác phẩm đã được giải Khuyến khích năm 2010 của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam và tháng 5/2011 được trao giải A tác phẩm xuất sắc của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Bế Chấn Hưng (30/10/1919 – 30/10/2019), NXB Hồng Đức đã tái bản có bổ sung cuốn sách này.

Con đường anh đi

Ông Bế Chấn Hưng (1919-1988).

Ấn phẩm là tập truyện thơ song ngữ Việt - Nùng viết về những năm tháng đầu tham gia hoạt động cách mạng của ông Bế Chấn Hưng (1919-1988) - Khu ủy viên Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn.

Sau này, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Bế Chấn Hưng (30/10/1919 – 30/10/2019) dựa theo phần cơ bản là tập thơ “Con đường anh đi – Tèo tàng có phjải” của NXB Văn hóa Dân tộc, NXB Hồng Đức và gia đình có bổ sung một số thông tin về ông Bế Chấn Hưng – nguyên mẫu mà tác giả Hoàng Choóng đã sáng tác tập thơ theo thể hát Sli của người Nùng Cháo.

Trong bài phát biểu của ông Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn tại Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Bế Chấn Hưng ngày 28/6/2011 với tiêu đề: “Bế Chấn Hưng – Tấm gương cách mạng trong sáng mẫu mực” đã nêu quá trình hoạt động cách mạng của ông Bế Chấn Hưng từ đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Nhớ ngày gió thổi ngọn cây lim / Một nghìn chín trăm bốn mươi / Chứ vằn lùm pặt quá nó lim / Ất xiên cẩu pác slí slip nìn…

Ông Bế Chấn Hưng, tên thật là Bế Hữu Khiên, dân tộc Nùng, sinh ngày 30/10/1919 tại xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn - vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Tiếp nối truyền thống yêu nước của các thế hệ cha anh, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia nhóm thanh niên yêu nước và được cử đi học lớp huấn luyện tại Long Châu (Trung Quốc) do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Với những hoạt động tích cực của mình, năm 1945 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; được cử phụ trách Đội Giải phóng quân kiêm Chủ nhiệm Việt Minh huyện Thoát Lãng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám 1945 ở địa phương, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, củng cố và phát triển vững chắc phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn trong những ngày tháng đầu tiên đầy khó khăn gian khổ. Năm 1946, tổ chức điều động ông đi tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) làm Ủy viên Việt Minh tỉnh, phụ trách hai huyện Bình Liêu và Đình Lập. Cuối năm 1947, ông trở lại Lạng Sơn làm Bí thư Huyện ủy Thoát Lãng.

Con đường anh đi - 1

Bìa cuốn sách “Con đường anh đi- Tèo tàng có phjải”.

Tại Đại hội tỉnh Đảng bộ Lạng Sơn lần thứ nhất (tháng 6/1948) ông Bế Chấn Hưng được bầu vào Tỉnh ủy, được phân công phụ trách công tác Kiểm tra Đảng và sau đó làm Trưởng ban Công tác đường số 4 trong Chiến dịch Biên giới. Từ 1950-1955 ông tham gia quân đội; làm Binh trạm phó Binh trạm Biên giới thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ nhân dân ta kháng chiến (trong thời gian này ông có bí danh là Bế Trấn Biên). Sau ngày hòa bình lập lại, ông được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Ngày 19/12/1956, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Lạng Sơn bầu ông Bế Chấn Hưng làm Bí thư Tỉnh ủy; từ 1957-1963 ông là Khu ủy viên Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn; từ 1963-1976 ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; từ 1976-1978 ông là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Lạng…

Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ một thanh niên yêu nước được giác ngộ cách mạng nguyện chấp nhận gian khổ, hy sinh, dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng, ông Bế Chấn Hưng trở thành một người Cộng sản, một nhà lãnh đạo uy tín của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Được Đảng, Nhà nước giao bất cứ nhiệm vụ gì, ở bất cứ cương vị công tác nào, dù thuận lợi hay khó khăn, ông Bế Chấn Hưng luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người cán bộ, đảng viên suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, đem hết nhiệt tình trí tuệ và sức lực của mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn tin yêu và quý trọng. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông Bế Chấn Hưng mãi mãi là tấm gương sáng về ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Bế Chấn Hưng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh… vì “Đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.

- Năm 2011, Chủ tịch nước có Quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cha tôi. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ Truy tặng vào ngày 28/6 – Ngày Gia đình Việt Nam. Gia đình là tế bào của xã hội, tổ ấm của mọi con người, nơi nuôi dưỡng ước mơ, nuôi dưỡng lòng tin - cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu không còn niềm tin. Cha chúng tôi luôn khuyên nhủ phải giữ gìn niềm tin vào tương lai…

- Mười lăm ngày trước lúc mãi mãi ra đi về với Tổ tiên, ông Bế Chấn Hưng viết thư gửi tôi. Đó là bức thư cuối cùng của cha tôi viết trong bối cảnh đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới 2 năm sau Đại hội VI của Đảng. Ông tin rằng công cuộc Đổi mới sẽ thành công, thế hệ con cháu sẽ trưởng thành, sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường anh đi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO