Đại diện Bộ Văn hóa thông tin về cổ phần hóa hãng phim truyện

Hoàng Minh (ghi) 21/09/2017 14:40

Sáng ngày 21/9, thay mặt lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi gặp mặt báo chí để làm rõ những vấn đề tại hãng phim truyện Việt Nam.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (trái) trả lời báo chí về cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam sáng 21/9.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng cho biết sau cuộc họp chiều ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL kết luận: Việc xảy ra trong hai tháng tại Hãng phim chưa thể kết luận đầy đủ, chính xác về đường hướng phát triển của Hãng phim hay việc cổ phần hóa.

Nhưng dù sao việc xảy ra như vậy cũng là đáng tiếc. Nhà đầu tư chiến lược đã nhận lỗi trước lãnh đạo Bộ về cách quản lý, làm việc … và hứa sẽ sửa và thực hiện đúng cam kết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Hãng phim phải thực hiện tốt quy chế làm việc, trong đó phải phân công cán bộ cho rõ ràng, người nào việc nấy. Sắp xếp phòng ban cho hợp lý cũng như sửa chữa nơi làm việc.

Đề nghị không được cho thuê bất cứ cái gì ở hãng phim mà phải tập trung vào việc xây dựng hãng phim sao cho tốt, làm vệ sinh, trang trí lại trụ sở làm việc.

Nhiều cơ quan báo chí, thông tấn tham dự buổi gặp mặt.

Trước mắt là trả lương tháng 7, 8, 9 như là tháng 6 trước khi cổ phần. Sau đó thì phải tính toán lại trả lương như thế nào theo điều lệ công ty và theo luật pháp quy định.

Thứ trưởng Ái cũng cho biết, nhà đầu tư chiến lược đồng ý và hứa sẽ thực hiện tốt làm sao đưa ra được những sản phẩm đầu tiên khi mà cổ phần hóa.

Hãng phim cũng đã hứa cố gắng làm sao đưa những tác phẩm có giá trị để chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam.

Đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị 2 người đại diện phần vốn của nhà nước phải giám sát việc thực hiện chủ trương này. Có điều gì phải kiến nghị ban giám đốc và lãnh đạo Bộ xung quanh những vướng mắc.

Liên quan đến việc thua lỗ của Hãng phim, Thứ trưởng Ái cho biết, năm 2010, Hãng phim chuyển thành công ty TNHH MTV hoạt động theo luật doanh nghiệp.

"Sau đó, dù Chính phủ có chủ trương tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhưng chúng tôi thấy càng khó khăn bởi vì công ty nợ và thua lỗ rất nhiều".

Theo Thứ trưởng Ái, việc cổ phần hóa hãng phim vẫn chưa hoàn tất do chưa xác định được giá trị doanh nghiệp lần 2.

Trước mắt DN phải có đầy đủ hồ sơ mới đưa vào xác định giá trị lần 2, từ đó chính thức trở thành công ty cổ phần hóa.

Cũng theo Thứ trưởng thì vị trí của Hãng phim hiện nay được coi là mảnh đất vàng. Dẫn tới nhiều người còn suy ra rằng nhà đầu tư khi sở hữu thể quy ra làm nhà hàng, khách sạn...

Vấn đề này theo quy định của luật, khi cổ phần hóa, Hãng phim phải trình phương án sử dụng đất đai phù hợp với phương án cổ phần hóa. Phải có ý kiến của Bộ Tài chính thì Bộ VH-TT&DL mới trình qua UBND TP Hà Nội để xác định chỗ này có đúng theo quy hoạch hay không? Có đúng phương án cổ phần hóa hay không?

Theo Thứ trưởng, trong phương án cổ phần hóa thì đất này là hoàn toàn đi thuê, nhưng đi thuê thì phải làm theo quy hoạch của địa phương. Tức là địa điểm này chỉ để làm phim chứ không phải làm khách sạn.

Cùng với đó, sau khi làm xong thì Bộ sẽ không được chỉ đạo trực tiếp Hãng phim như trước nữa mà thông qua hai người đại diện Bộ. Hai người này sẽ chịu trách giám sát nhà đầu tư. Đó là với Hãng phim là sẽ làm phim, thị trường phim, xây dựng để làm phim.

Nếu làm thứ khác thì sẽ có kiến nghị lên Bộ dừng ngay. Nếu không dừng Bộ sẽ đề nghị UBND Hà Nội thu hồi giấy phép thi công hoặc thu hồi đất. Cao hơn nữa là đề nghị đưa ra Toà án để giái quyết vụ việc này.

“Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, dân chủ trong cách quản trị của doanh nghiệp mình. Lấy ý kiến của tập thể, cán bộ của cơ quan, lương, công việc, chỉ tiêu. Nhà đầu tư cũng đã hứa với Bộ VH-TT&DL là sẽ làm tốt, cố gắng làm sao làm tốt được các bộ phim đặt hàng của nhà nước. Cùng chung sức để để giữ được truyền thống của hãng phim sau bao nhiều năm gây dựng” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại diện Bộ Văn hóa thông tin về cổ phần hóa hãng phim truyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO