Đi tìm giá trị thật của giải thưởng văn chương

Hà Anh 28/02/2016 09:10

Giải thưởng là ghi nhận của một ban giám khảo, một tổ chức văn học đối với tác phẩm, cũng là khuyến khích động viên người sáng tác; nhưng đôi khi sức sống của tác phẩm lại... nằm ngoài giải thưởng.

Đi tìm giá trị thật của giải thưởng văn chương

Lễ trao giải thưởng văn học 2015.

Giải thưởng văn chương là một hoạt động tôn vinh có tính chất định kỳ. Chẳng thế mà mỗi dịp giải thưởng được xướng tên chủ nhân đã khiến không ít những người trong và ngoài cuộc cùng nhìn nhận, đánh giá, thậm chí “phán xét” tình hình văn chương nước nhà. Thế nhưng, chỉ cần so sánh cùng một tác phẩm mà chỗ này được giải cao, chỗ kia thấp thì mới thấy mọi đánh giá cũng… không mấy đồng nhất!

Băn khoăn giải thưởng

Mới đây, giải tiểu thuyết lần thứ VI của Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc tổng kết đánh giá và trao giải. Theo đó, thay vì công bố đúng như dự kiến, cuộc thi đã phải kéo dài hơn, vắt sang hai nhiệm kỳ cũ và mới nhưng số lượng tác phẩm dự thi cũng ít hơn so với cuộc thi tiểu thuyết trước đó.

Theo một số ý kiến đánh giá của giới văn chương thì tiểu thuyết “Miền hoang” của Sương Nguyệt Minh khá được kỳ vọng. Tuy nhiên, khi kết quả công bố, không những không có giải A mà tiểu thuyết của Sương Nguyệt Minh còn không được giải gì.

Tại buổi lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Trí Huân- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Một cuộc thi không thể coi là thành công trọn vẹn khi không tìm được giải cao nhất”. Nhìn rộng hơn có thể thấy, không đơn thuần là cuộc thi không tìm thấy giải cao nhất mà là hành trình sáng tác trong khoảng thời gian 4, 5 năm chưa có tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn nào vượt hẳn lên.

Cách nhìn nhận này cũng có nét tương đồng khi nhìn lại giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam khoảng năm năm qua, từ 2011 - 2015, giải thưởng chính thức dành cho tiểu thuyết chỉ có năm 2011 với “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh và “Thông reo ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang mới đây nhất.

Điểm đáng chú ý trong bài phát biểu tổng kết là chia sẻ của nhà văn Nguyễn Trí Huân về tiểu thuyết “Miền hoang” của Sương Nguyệt Minh là do một phần… phạm quy.

Ông Huân tỏ ra tiếc rẻ: “Giá như “Miền hoang” không tham dự một giải thưởng khác”. Được biết, trước đấy “Miền hoang” đã được trao giải thưởng Sách hay, giải thưởng của Viện IRED. Thực tế thì giải thưởng này nhà văn không mang sách tham dự mà tự đơn vị tổ chức giải Sách hay hằng năm tự chọn và trao cho các tác phẩm lọt vào “mắt xanh” của họ.

Nhắc đến lý luận phê bình văn học nước nhà mấy năm gần đây dường như đều có chung nhận định nào là vừa yếu, vừa thiếu, còn nghiệp dư, chưa đồng hành, bắt kịp với sáng tác… Thế nhưng, nếu nhìn lại giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam trong khoảng dăm năm trở lại đây ở mảng lý luận phê bình thì thấy không đến mức bi quan như vậy.

Bằng chứng là từ năm 2011 đến 2015, giải thưởng dành cho lý luận phê bình chỉ có một năm khuyết, bù lại năm 2015 lại có đến hai tác phẩm cùng được giải. Nếu làm tính trung bình thì mỗi năm cũng có đến một cuốn.

Cụ thể: năm 2011 có “Bàn về minh triết và Minh triết Việt” của Hoàng Ngọc Hiến, năm 2012 có “Đa cực và điểm đến” Văn Chinh, năm 2013 không có, năm 2014 có “Trăm năm trong cõi” của Phong Lê, năm 2015 có “Các lý thuyết nghiên cứu văn học Ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay” cùng với tác phẩm “Âm thanh của tưởng tượng” của Lê Hồ Quang.

Chuyện chéo ngoe về giải thưởng còn nhìn thấy khá rõ giữa giải của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Theo tổng kết của Hội Liên hiệp VHNT thì mảng văn xuôi không được đánh giá cao, không có giải A, B, chỉ có giải C. Giải cao chỉ có ở lĩnh vực thơ và lý luận phê bình. Vậy nhưng tác giả được giải C của Hội Liên hiệp VHNT lại chuyển thành giải chính thức cao nhất cùng năm của Hội Nhà văn Việt Nam như trường hợp của tác giả Trần Thanh Cảnh.

Tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa người từng được trao giải cao nhất trong cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội vượt lên hàng trăm cây bút cả chuyên nghiệp, cả trẻ và được các nhà văn là thành viên ban giám khảo nổi tiếng như Chu Lai, Bảo Ninh đánh giá chắc tay, đều tay mà tập truyện ngắn có in lại chùm truyện từng được giải lại chỉ được giải C của Hội Liên hiệp VHNT.

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, giải của Hội Liên hiệp VHNT mang tính phong trào còn giải của Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ Quân đội là giải chuyên môn và đương nhiên độ “oách” dĩ nhiên là hơn rất nhiều. Vậy nhưng, từ kết quả này thì thấy… không hẳn vậy!

Ban giám khảo nào… kết quả nấy

Nhiều nhà văn cho rằng, uy tín của giải thưởng là rất quan trọng. Uy tín của giải thưởng được xác lập từ nhiều lý do, trong đó có sự xác lập về thẩm mĩ văn chương và thời gian thử thách. Giải thưởng nào càng uy tín thì mức độ quan tâm, phổ quát càng lớn. Để tạo lập được uy tín giải thưởng không phải như việc xây một ngôi nhà, bao năm cố gắng, chắt bóp xây cho xong rồi cứ yên tâm mà ở.

Uy tín giải thưởng phải được xem như một thương hiệu văn chương, để có được đã khó, nhưng giữ được còn khó hơn. Phải biết phát huy, chăm chút, giữ gìn, lắng nghe… thì uy tín giải thưởng mới lâu bền. Thật đáng tiếc nếu những giải thưởng đã xây dựng được uy tín mà cứ mặc định cho rằng không phải làm gì thêm nữa.

Đi tìm giá trị thật của giải thưởng văn chương - 1

Quá phụ thuộc vào sự đánh giá của cuộc thi- yếu tố khách quan mà không có chính kiến của bản thân. Việc giải thưởng này được mùa hay mất mùa ở lĩnh vực nào thì chỉ trong khuôn khổ giải thưởng đó, chưa chắc đã là bức tranh văn học toàn cảnh. Trong khi những nhận định của công chúng lại chỉ nhăm nhăm nhìn vào giải thưởng để khái quát văn học.

Và một phần không thể không nhắc tới đó là thành phần Ban giám khảo. Nhà văn Sương Nguyệt Minh- người có duyên với việc cầm cân nảy mực văn chương cho biết: “Tôi cũng đã nhiều lần tham gia chấm giải các cuộc thi văn chương và nhận ra rằng: Ban giám khảo nào thì… kết quả nấy. Thậm chí, chỉ cần thay một thành viên ban giám khảo này bằng một người khác, kết quả cũng thay đổi. Giải thưởng là ghi nhận của một ban giám khảo, một tổ chức văn học đối với tác phẩm, cũng là khuyến khích động viên người sáng tác; nhưng đôi khi sức sống của tác phẩm lại... nằm ngoài giải thưởng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm giá trị thật của giải thưởng văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO