Điểm đến kiến trúc: Tại sao không?

Minh Hà 15/05/2017 08:35

Theo dự kiến, từ tháng 6/2017, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật của du khách. Nếu thực sự thành công, đây là sẽ là tiền đề để những công trình kiến trúc khác trở thành điểm đến.

Nhà hát Lớn Hà Nội.

Theo kế hoạch, việc mở cửa đón khách tham quan tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ có tần suất 2 buổi/tuần, với 2 gói sản phẩm du lịch gồm: Dành cho khách vào tham quan kiến trúc với mức giá 120.000 đồng/người và gói 400.000 đồng – dành cho khách vừa tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật. Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch, khai thác chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn” do các đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức mới đây, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng sản phẩm du lịch này, đại diện nhiều công tu lữ hành cho rằng: giá vé 400.000 đồng/người cho việc xem và tham quan tại Nhà hát Lớn là quá cao so với mặt bằng giá một số chương trình nghệ thuật tiêu biểu như múa rối nước hay show giải trí tổng hợp hiện nay chỉ có giá từ từ 80.000-120.000 đồng.

Việc đưa 2 gói sản phẩm du lịch tại Nhà hát Lớn- tất nhiên để các đơn vị lữ hành có nhiều hơn một sự lựa chọn để quảng bá tới du khách. Nhưng trên thực tế trong vòng 1 năm qua, mục tiêu xây dựng Nhà hát Lớn thành điểm đến nghệ thuật chất lượng cao cũng chưa được như kỳ vọng. Đồng tình với việc đưa chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát lớn biểu diễn, nhưng ông Đỗ Mạnh Hà- Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cũng cho rằng, các chương trình tại Nhà hát lớn năm 2016 lượng khách tuy đông nhưng chủ yếu là vé mời, lượng vé bán được trực tiếp rất thấp mặc dù công tác truyền thông quảng bá rất mạnh.

Xét trong tương quan ấy, có lẽ khai thác gói sản phẩm tham quan lịch sử kiến trúc Nhà hát Lớn xem ra khả quan hơn cả. Theo KTS Trần Quốc Bảo (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội)- Nhà hát Lớn Hà Nội chính là một kiến tác kiến trúc, điêu khắc và âm thanh.

Vậy sau Nhà hát Lớn Hà Nội, di sản kiến trúc nào sẽ trở thành điểm đến tiếp theo? Trước đó, trong năm 2016 khi bảo tàng khảo cổ ngầm dưới tòa nhà Quốc hội được giới thiệu ở phạm vi hẹp, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên có tour thăm quan nhà Quốc hội. Cho đến thời điểm hiện tại, công trình này vẫn tạm thời được gọi bằng cụm từ “khu trưng bày”.

Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Văn Huy: Việc sử dụng khái niệm “bảo tàng” sẽ hợp lý hơn về bản chất. Đó là là biểu tượng tuyệt vời của một sự kế thừa, kết nối và cả trách nhiệm với lịch sử khi hội trường phía trên là nơi các đại biểu của nhân dân thảo luận những vấn đề của quốc gia - trong khi tầng hầm phía dưới lại là nơi lưu giữ và giới thiệu những di sản lịch sử và văn hoá của gần 1.300 năm liên tục. Do đó, không gian này nên được định hướng khai thác phục vụ cho người dân và du khách vào tham quan.

Theo PGS Nguyễn Văn Huy, ở các nước phát triển, các tòa thị chính hay tòa nhà Quốc hội có chương trình mở cửa cho công chúng vào xem. Thậm chí, trong những ngày Quốc hội họp, công chúng vẫn có thể vào xem. Nếu chưa thể thực hiện được mô hình này, ít nhất cũng nên tạo điều kiện cho nhân dân vào tham quan toàn bộ khu Nhà Quốc hội trong những dịp không diễn ra phiên họp nào. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia nghiên cứu cũng cho rằng trước mắt, việc tổ chức tham quan có thể được tiến hành theo hình thức phục vụ từng đoàn khách, thay vì mở cửa tự do như các bảo tàng khác.
Như thế, trong tương lai nếu Nhà quốc hội trở thành điểm đến, du khách sẽ vừa được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo, vừa được tìm hiểu thêm về không gian Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long thông qua bảo tàng ngầm trong lòng đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm đến kiến trúc: Tại sao không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO