Điểm đến Nhà hát Lớn: Gắn kết các giá trị văn hóa

Minh Quân 17/02/2017 09:05

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã lên kế hoạch ra mắt chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật trong năm 2017. Theo đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật, Nhà hát Lớn sẽ vừa là điểm đến văn hóa, vừa là cầu nối trong việc tạo nên “tour” du lịch thưởng thức nghệ thuật.

Nhà hát Lớn sẽ là địa điểm gắn kết các chương trình nghệ thuật
chất lượng cao với các hoạt động du lịch. (Ảnh: Minh Khánh).

Gắn kết nghệ thuật với du lịch

Cụ thể, trong năm 2017, dự kiến sẽ có 12 tác phẩm kịch nói xuất sắc nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn kịch nói Công an nhân dân được lựa chọn diễn trong chuyên đề “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Thời gian diễn ra vào khoảng tháng 8/2017. Những tác phẩm được diễn trong chuyên đề này sẽ là những vở xuất sắc nhất của các đơn vị, có thể sẽ có những vở diễn hay nổi tiếng một thời gồm cả kịch kinh điển thế giới và kịch của Việt Nam sẽ được BộVHTT&DL cho tiến hành phục dựng lại.

Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cần đưa danh sách các vở diễn để Hội đồng lựa chọn. Thời gian biểu diễn các tác phẩm cũng sẽ linh hoạt không nhất thiết phải vào cuối tuần để đáp ứng được yêu cầu của đông đảo mọi tầng lớp khán giả. Đặc biệt, tháng /2017, chuỗi chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ được tiếp nối với việc ưu tiên bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Trong đó, các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối sẽ được tiếp tục đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Bộ sẽ mời các nhà hát ở các tỉnh đưa những loại hình đặc trưng của địa phương biểu diễn tại Nhà hát Lớn và các chương trình biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận như quan họ, ca trù, dân ca ví giặm, đờn ca tài tử...

Bộ VHTT&DL cũng đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng xây kế hoạch xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn. Phía Bộ cũng yêu cầu, các sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch cần ngắn gọn, đảm bảo mang bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời vừa có tính giải trí, nhẹ nhàng, để giúp du khách có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi lưu lại Thủ đô.

Phát huy biểu tượng văn hóa

Có thể thấy, với kế hoạch biểu diễn đã lên sẵn về thời gian, địa điểm, điều này cũng đòi hỏi các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật không những phải rất cân nhắc khi lựa chọn tác phẩm biểu diễn tại Nhà hát Lớn mà còn có phương án kế hoạch tổ chức biểu diễn, tiếp cận thị trường và khán giả.

Dưới góc độ quản lý du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Hiện nay, phần đông người dân vẫn có tâm lý rằng Nhà hát Lớn là “Thánh đường nghệ thuật”, là chốn xa xỉ, người bình thường khó có cơ hội tiếp cận. Nhưng khi xây dựng thành tour nghệ thuật dành cho du khách thì bất kỳ ai có nguyện vọng đều có cơ hội đặt chân đến Nhà hát Lớn”.

Ông Tuấn cũng đề xuất hai gói sản phẩm nghệ thuật dành cho khách du lịch tại Nhà hát Lớn: Gói thứ nhất là đến thăm quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn từ 45 phút đến 1 giờ. Gói thứ hai là tích hợp 3-4 sản phẩm kết nối các điểm đến khác, kéo dài khoảng 5-6 giờ, bao gồm: Đi thăm phố cổ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (tùy khách lựa chọn); đến ăn tại một nhà hàng đặc sắc tại Hà Nội, cuối cùng là tham quan Nhà hát và thưởng thức nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để thực hiện được những tour du lịch này cần xây dựng đề án về các chương trình tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn và Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong đó đưa ra nhiều phương án để du khách lựa chọn. Đồng thời chuẩn bị lực lượng thuyết minh viên tại điểm tham quan Nhà hát Lớn, bài giới thiệu, tập gấp, tờ rơi…; xây dựng và công bố sớm các chương trình nghệ thuật truyền thống sẽ diễn trong Nhà hát Lớn để các công ty lữ hành đưa vào chương trình tour, quảng bá đến du khách.

Sau khi có sản phẩm hoàn thiện, sẽ tổ chức cho đại diện các công ty lữ hành, cơ quan báo chí đến khảo sát sản phẩm, góp ý, quảng bá và đưa vào khai thác. “Khi thực hiện chương trình mới này cũng vậy, phải chấp nhận việc thời gian đầu có thể ít khách và phải tăng cường công tác marketing, quảng bá, truyền thông cho sản phẩm mới”, ông Tuấn cho hay.

Đồng quan điển, ông Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề xuất: “Nên xây dựng chương trình tour đa dạng, phong phú để du khách có thể lựa chọn theo nhu cầu và có phục vụ cả ăn uống nhẹ”. Ông Cường cho rằng, nên xem xét tổ chức chương trình tour thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn cả vào buổi sáng và buổi chiều để du khách có thể lựa chọn.

Trước những đề xuất của đại diện các đơn vị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng đề nghị các đơn vị liên quan sử dụng các nguồn lực, các chuyên gia trong ngành để thực hiện ý tưởng này. Theo kế hoạch, trong tháng 2/2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải xây dựng xong đề án về các chương trình nghệ thuật biểu diễn trong Nhà hát Lớn, những nội dung về sản phẩm văn hóa du lịch này và đề án thu hút khách du lịch và kêu gọi các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng chương trình này. Tháng 3/2017 tổ chức marketing, quảng bá truyền thông cho chương trình, sản phẩm mới; mời doanh nghiệp và báo chí đến khảo sát, lấy ý kiến về sản phẩm. Tháng 4/2017 đưa vào khai thác ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm đến Nhà hát Lớn: Gắn kết các giá trị văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO