Độc hành trong cõi viết và những sáng tạo văn chương

An Vũ (Còn nữa) 12/04/2016 10:05

Với sứ mệnh đã định trước, các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư đã và đang sống song hành cùng những tác phẩm văn chương đời mình.

Độc hành trong cõi viết và những sáng tạo văn chương

1. Năm 1986, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn. Năm 1987, đông đảo bạn đọc biết tới ông qua truyện ngắn “Tướng về hưu”.

Cho đến nay, sau 30 năm, ông vẫn ngồi trên đỉnh cô đơn, khi vẫn là một ông “vua” không ngai, về truyện ngắn. Đối với những tiểu luận văn chương của ông, khi đã đọc, là phải nhớ.

Đó là những lời động viên tinh thần sâu sắc cho những người còn đam mê hương thơm của văn chương, tạm quên những nhọc nhằn gian khó trên con đường phủ đầy gai nhọn của nghiệp chướng.

Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dù ban đầu sẽ loanh quanh về sống, những lời dặn dò thực tế mà thâm thuý khi nhắc nhở đừng lơ là những trách nhiệm đời liên quan đến cơm áo gạo tiền, rồi thể nào cũng dẫn tới chuyện văn chương.

Bên Nguyễn Huy Thiệp, đằng sau nụ cười nhẹ nhõm dần an nhiên, còn đó nỗi niềm đau đáu về sự băng hoại về việc đọc, mà sức mạnh đám đông đang dần chi phối tư tưởng nhà văn.

Ông viết những tiểu thuyết “ba xu” như “Tiểu long nữ”, “Gạ tình lấy điểm”, xuất phát từ ý nghĩ: “Độc giả văn học nhiều khi cũng nhầm lẫn, cũng tệ, chẳng ra quái gì! Độc giả thế nào sẽ có nhà văn thế ấy”.

Độc hành trong cõi viết và những sáng tạo văn chương - 1

2. Từ năm 1985 đến 2016, nhà văn Hồ Anh Thái đã viết và xuất bản gần 40 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, du kí (phần lớn đã dịch sang khoảng 10 thứ tiếng) trong 31 năm.

Bên cạnh đó, ông từng phụ trách mục sáng tác cho một số tờ báo, viết lời giới thiệu tác giả trẻ có tài, thỉnh giảng ở một số đại học nước ngoài, là chủ tịch hai nhiệm kì (từ năm 2000 đến 2010) của Hội Nhà văn Hà Nội.

Ông là người chủ biên bộ sách Văn Mới cùng Công ty Đông A, giới thiệu đến bạn đọc những trang viết lạ trong 15 năm (2000 đến 2015), đã mang lại đóng góp giá trị về sáng tạo văn chương, cổ vũ người viết trên con đường tìm tòi sức mạnh biểu đạt của ngôn từ.

Là người không chọn việc xuất hiện trên truyền thông, từ chối các cuộc phỏng vấn, thậm chí, những buổi ra mắt sách của chính mình, cũng không thể xuất hiện, nhà văn Hồ Anh Thái đến với bạn đọc qua mỗi con chữ ông viết.

Là người nhẹ nhõm, hiền hoà, tinh tường, dành sự quan tâm ý nhị mà ấm áp đến bạn bè người thân, nhà văn Hồ Anh Thái thường chọn xuất hiện rất kín đáo, chừng mực, thế nhưng, sự dí dỏm, hài hước, thân tình, gần gũi của ông lại làm người khác khi đã một lần tiếp xúc thì nhớ mãi.

Nhà văn Hồ Anh Thái là người trọng tình và trọng tài. Vì vậy, dù không ở Việt Nam, chỉ thông qua email, ông vẫn nắm bắt được mọi sự vui buồn khổ đau hạnh phúc thành công thấy bại của người quen, dành lời động viên quan tâm khi thấy cần. Khi biên tập các sáng tác, ngay cả với sáng tác đầu tay của một người viết trẻ, ông thường gợi ý khơi gợi những phần cần sửa chữa đầy tôn trọng đến tác giả thay vì “viết thay”.

“Mỗi năm xuất bản một đến 2 cuốn sách” là tiêu chí văn chương mà ông chọn lựa. Duy trì được điều đó hoàn hảo trong suốt 31 năm, có thể nhìn thấy sự chăm chỉ cần mẫn của một người viết đi theo con đường văn chương một cách chuyên nghiệp. Luôn thấy ông đang viết dang dở một tác phẩm nào đó, trong khi cuốn sách khác vừa được xuất bản.

Điều đó, giúp ông duy trì được nhịp viết. Viết là sự sống, hơi thở, thói quen, bản năng, hành động từ tự ra cho bản thân các điều kiện để trở thành lẽ tự nhiên.

Độc hành trong cõi viết và những sáng tạo văn chương - 2

3. Dù nói đơn giản là kiếm tiền bằng viết trên những trang báo “xanh đỏ” (cách gọi dí dỏm của nhà văn Nguyễn Việt Hà về một số tạp chí mà anh giữ mục), nhưng phong cách viết riêng biệt trên những bài tạp văn, tạp bút của anh đã ảnh hưởng sâu sắc tới một số tác giả trẻ.

Gần nhà văn Nguyễn Việt Hà, mọi nỗi buồn tiêu tan, bởi anh nhìn đời đơn giản, diễn tả vạn sự từ rắc rối trở về không bên cách cư xử nồng nàn, nhiệt tình, thẳng thắn.

Với Nguyễn Việt Hà, nhà văn thì chơi với ai (nếu không thể ngồi cùng nhau), thì sẽ có rượu. Từ khi biết anh đến nay, khi gặp, bao giờ giữa anh và bạn, hoặc chai rượu, hoặc cốc bia.

Chưa bao giờ được thấy anh đạt cữ thực say vì hơi men, chỉ thấy anh say người hoặc say tài của người. Bất cứ đâu, cũng thấy được tiếng anh dõng dạc, oang oang, đầy phấn khích.

Với Nguyễn Việt Hà, không bao giờ tự nói về sáng tác của mình, cũng chẳng chịu trả lời phỏng vấn báo chí, ngược lại sự náo nhiệt trong đám đông, anh vùi mình lặng lẽ đọc và viết. Nguyễn Việt Hà là một trong số ít nhà văn chăm đọc.

Thậm chí, bản thảo nào đó của một tác giả không quen cũng làm anh chú ý. Nếu nói về “thời sự” văn chương, nắm thật rõ và chắc, nhà văn Nguyễn Việt Hà nằm trong số hiếm hoi.

Anh thích bàn luận về phong cách, khả năng viết của những tác giả mới một cách tường minh, mà vô cùng rộng lượng. Như với Nguyễn Việt Hà, chịu viết (chưa kể chấp nhận đi sâu vào nghề viết) cũng đủ đáng trọng xen lẫn đáng thương.

Độc hành trong cõi viết và những sáng tạo văn chương - 3

4. Bất cứ ai từng tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đều thấy sự thông minh toát lên từ chị, kể cả khi trong suốt buổi gặp mặt, Nguyễn Ngọc Tư chẳng nói bất cứ câu gì.

Đã xuất bản hơn 25 tựa sách thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… có thể thấy Nguyễn Ngọc Tư không hạn chế sức viết của mình ở bất cứ thể loại nào.

Xuất hiện trên văn đàn năm 2000 với tập truyện ngắn “Ngọn đèn không tắt”, Nguyễn Ngọc Tư đã đạt giải nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II do NXB Trẻ tổ chức.

Năm 2005, với tập “Cánh đồng bất tận”, cùng truyện ngắn đồng tên, Nguyễn Ngọc Tư đã làm nên hiện tượng xuất bản, phát hành 108.000 bản trong vòng 5 năm.

Nguyễn Ngọc Tư trong suốt 15 năm, văn chương không chỉ mang tới cho chị danh tiếng, mà giúp chị sống thoải mái với nghề...

Một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được chuyển thể thành phim như “Cải ơi”, “Biển người mênh mông”, “Cánh đồng bất tận”.

Tuy nhiên, giữa đời thường, vẫn là nụ cười hiền hoà thay cho việc kiệm lời, ăn vận giản dị, đôi khi xuề xoà với chiếc ba lô nhỏ bùi bụi sau lưng, Nguyễn Ngọc Tư mãi trong dáng vẻ của một cô gái nhỏ Cà Mau.

Rất ít xuất hiện nơi đám đông, không ở nơi đình đám hội hè văn học, Nguyễn Ngọc Tư gắn bó với miền sông nước của mình, lặng lẽ sống với nhịp thở của từng gốc cây, mảnh đất, triền sóng, cuộc sống bình dị của người dân.

Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư mang hơi vị miền Tây đậm đà, mang chất suy tư sâu lắng, chiêm nghiệm sâu sắc, cùng sự nhẹ nhàng đầy chất nữ, thế nên, dễ chạm vào trái tim người đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc hành trong cõi viết và những sáng tạo văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO