Đừng biến lễ hội thành chiếu bạc

Uyên Nguyễn (thực hiện) 24/02/2019 07:30

Xu hướng thương mại hóa, trần tục đã khiến những giá trị và vẻ đẹp xưa trong lễ hội bị phai nhạt. Có ý kiến cho rằng, chính những điều đó đã biến sinh hoạt tâm linh thành “chiếu bạc”. Theo GS Trần Lâm Biền, việc biến các lễ hội thành nơi ăn thua chẳng khác gì trên “chiếu bạc” chính là sự biến tướng, trục lợi, là hành vi “buôn thần bán thánh”.

Đừng biến lễ hội thành chiếu bạc

Không ít nơi, lễ hội đã thành nơi kiếm chác.

Theo GS Trần Lâm Biền, sự hiện đại hóa, thương mại hóa, trần tục hóa ngày một khiến những giá trị và vẻ đẹp xưa trong lễ hội bị phai nhạt. Biến nó trở thành “chiếu bạc” cho những sinh hoạt tâm linh.

PV: Thưa Giáo sư! Cho đến hiện nay, kịch bản phổ biến của một lễ hội là chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Có nhiều người cho rằng đây là một quan điểm sai lầm. Ông nghĩ sao về việc này?

GS Trần Lâm Biền: Trước hết cần phải hiểu lễ không phải là cúng bái, cúng bái và tế chỉ là một phần của lễ mà thôi. Hội là gì? Hội không phải là trò chơi. Hội trước hết là sự tập hợp một cộng đồng người nhất định để thực hiện những điều về lễ. Cho nên lễ và hội là một cặp phạm trù tương hỗ, không thể tách rời. Vì rằng, các trò chơi cũng chỉ là một phần của lễ hội. Nhưng khi nó vào trong không gian thiêng, thời gian thiêng thì tự nhiên nó mang ý nghĩa thiêng liêng. Trong ý nghĩa thiêng liêng ấy nó mang giá trị biểu tượng.

Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy được chọi trâu Đồ Sơn có cả một tích mà người ta quên, nên người ta bịa ra là tinh thần thượng võ. Thượng võ gì ở chỗ ấy, không có! Ở đình Hiếu Giang, Đông Hà người ta có chọi bằng trâu đâu. Họ làm hai cái đầu trâu rồi chui vào đó diễn trò chọi nhau. Vậy ý nghĩa đằng sau là gì? Là ý thức hòa với thiên nhiên, vũ trụ để tồn tại, là tục thờ mặt trăng, mà mặt trăng gắn với thủy triều. Thờ như thế là để mong rằng giữa con người với thủy triều có thể cảm thông, hòa vào với nhau, không chống nhau. Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội nói về thủy triều, đâu có phải thượng võ. Hiện tượng chọi nhau là biểu hiện sự vận động của thủy triều. Đến lúc cuối cùng người ta đem con trâu chiến thắng mang ra ngoài khơi để tế thần biển. Người ta quan niệm phải tế thần biển để việc đi biển đánh cá được bình yên, tốt đẹp. Ngoài ra, mặt trăng cũng gắn với tâm thức của người làm nông nghiệp, mong ước mùa màng tốt tươi được mùa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Cũng có hiện tượng chọi trâu ít nhiều có giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau, song ước vọng đó nằm sâu bên trong. Cho nên nhìn vào lễ hội, trò chơi phải nhìn thấy đằng sau nó là cái gì.

Đừng biến lễ hội thành chiếu bạc - 1

GS Trần Lâm Biền.

Như con gà trống là biểu tượng mặt trời, gà chọi nhau là biểu tượng cho sự vận động của sinh lực vũ trụ. Còn bây giờ người ta nghĩ gì, chọi gà là chọi gà, nhưng chọi gà mà có ý nghĩa thiêng liêng sẽ khác. Khi đã mất đi tính chất thiêng liêng thì nó là trò chơi. Khi còn giữ được tính thiêng thì nó là biểu tượng. Và nó là thứ tư duy liên tưởng mênh mông, là ước vọng truyền đời của người xưa. Trong các trò ấy đã có lễ, có ẩn chứa mối ứng xử ngầm của con người với trời đất. Nhưng nay, do sự lười biếng trí tuệ và chối bỏ sự nghiên cứu về truyền thống mà gán ghép cho những vẻ đẹp văn hóa cha ông những ý nghĩa trần tục để phục vụ sự ồn ào tâm tưởng xã hội, gắn với cái vật chất lẫn tinh thần, làm cho vẻ đẹp của lễ hội bị tàn phai.

Theo ông, lễ hội liệu có vai trò gì trong việc gắn kết mối quan hệ giữa các cá nhân trong một tập thể cũng như giữa cá nhân với cá nhân?

- Lễ hội nhắc nhở con người phải yêu quý cộng đồng dân tộc, ít nhất là cộng đồng làng xã. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì người Việt Nam là cư dân lúa nước, phương thức sản xuất chung là “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Những yếu tố tiểu nông như vậy rất dễ “giằng” con người ra khỏi tập thể, thúc đẩy tính cá nhân của họ. Nếu điều ấy diễn ra, tính cộng đồng sẽ dần bị mất đi và đó là một điều nguy hiểm.

Các lễ hội hàng năm thường được tính và tổ chức vào những mốc thời gian thiêng và không gian thiêng. Niềm tin vào các đấng thần linh sẽ giúp kéo con người ra khỏi tính cá nhân và đề cao tính cộng đồng, giúp họ thoát khỏi sự tủn mủn, vụn vặt của tâm hồn cá thể. Hơn thế, từ thế kỷ 16, 17, nền kinh tế nước ta không chỉ dừng lại ở nền kinh tế nông nghiệp mà đã phát triển thành nền kinh tế thương mại hay thủ công nghiệp v.v...

Sự thay đổi về chất của nền kinh tế ấy đã thúc đẩy sự phát triển của xã hội, song mặt trái của nó lại ảnh hưởng khá tiêu cực tới mối quan hệ giữa người với người. Lễ hội có vai trò kéo người ta quay lại mối quan hệ hàng xóm láng giềng theo kiểu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Láng giềng gần ở đây được quy định bởi hương ước. Lễ hội, với những hương ước của nó, là dịp để người ta trở thành một cộng đồng thống nhất.

Vậy vì sao những biến tướng ở lễ hội lại tồn tại và diễn ra tràn lan như hiện nay?

- Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng hiện nay mới chỉ đưa ra những cơ chế lỏng lẻo, để ép buộc người ta làm theo, để cấm đoán người dân mà chưa giúp họ hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của các lễ hội.

Ngoài ra, việc đốt vàng mã, biến các lễ hội thành nơi ăn thua chẳng khác gì trên chiếu bạc chính là sự biến tướng, trục lợi, là hành vi “buôn thần bán thánh”. Số đông người dân đều mong muốn biết được ý nghĩa thực sự của nguyên bản lễ hội. Vì thế cần chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ những người thực hiện các nghi thức lễ hội. Nhiều người thực hành nghi lễ hiện nay không hiểu bản chất của lễ hội. Thực tế, không phải lễ hội bị phục dựng quá đà mà chính là việc thực hành nghi thức bị làm quá đà. Điều này cần đến sự quản lý của các cơ quan nhà nước cao nhất.

Đừng biến lễ hội thành chiếu bạc - 2

Lễ hội rước lợn La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Người dân không tự làm ra lễ hội mà chỉ là một bộ phận những người hành lễ. Cần chấn chỉnh từ việc hành lễ đầu tiên, sau đó mới bàn đến vấn đề “cuồng tín” của người dân. Nếu không hiểu được cặn kẽ ý nghĩa các lễ hội thì nên “đình” lại để tìm hiểu rồi mới tiếp tục cho tổ chức.

Giáo sư có nhận xét gì về những trò diễn đang được đưa vào lễ hội hiện nay, cũng như một số trò mê tín dị đoan rút xăm, xem quẻ bói... trong nhiều lễ hội?

- Rất nhiều trò diễn cổ xưa tưởng là trò vui nhưng đằng sau đó thể hiện những ước vọng, tín ngưỡng muôn đời, muôn thuở; đều gắn với những lối ứng xử đã đặt ra. Bây giờ, lễ hội thường có bóng chuyền hay bóng đá..., là những trò lúc nào cũng chơi được. Tôi thực sự không hiểu tại sao ghép những trò này vào lễ hội vì chúng đang làm nhạt nhòa những cái thiêng liêng...

Sự không hiểu thấu đáo về lễ hội đang là một phần lý do để mê tín dị đoan núp bóng tín ngưỡng. Đáng buồn là sự núp bóng ấy lại rất dễ tìm được cách thích ứng với những mặt trái trong nền kinh tế thị trường. Tôi nói nôm na thế này, khi đất nước thực hiện nền kinh tế thị trường, những trật tự và nhận thức cũ dần bị phá bỏ hoặc rơi vào lãng quên, trong khi những nhận thức và trật tự mới không dễ dàng hình thành ngay. Đó là thời điểm để nảy sinh những tiêu cực, mà chuyện mê tín dị đoan là một ví dụ.

Chúng ta có thể tìm một ranh giới xác định giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan?

- Rất nhiều nhà nghiên cứu của thế giới đều nhận xét rằng, tín ngưỡng và mê tín dị đoan là hai thế lực “bú” chung bầu sữa mẹ. Đó là hai cô gái đẹp, nếu đi đúng đường thì sẽ thuỳ mị, đoan trang; còn không là đỏng đảnh. Chúng ta phải hạn chế vai trò của cô gái đỏng đảnh và đề cao vai trò của cô gái đoan trang, thuỳ mị. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào chính mỗi con người, vào nhận thức mà trách nhiệm trước hết là ở ngành văn hoá và chính quyền địa phương. Nếu cô gái đỏng đảnh chiếm thế thượng phong thì sẽ gây nên tai hoạ, trong khi cô gái thuỳ mị sẽ là người đề cao trí tuệ, đề cao sự hiểu biết. Chỉ có hiểu biết thì mới đưa người khác đi đúng đường, đúng lối – không chỉ là bản sắc dân tộc, mà còn trên con đường tiến về phía trước.

Đừng biến lễ hội thành chiếu bạc - 3

Vậy chúng ta cần làm gì để trả lại giá trị của lễ hội?

- Theo tôi, để khắc phục lệch lạc, hạn chế trong lễ hội phải bắt đầu từ nhận thức của người đi lễ bởi sự cầu lợi chính là nền tảng của mê tín dị đoan. Nhận thức rằng, việc đi lễ nhiều, hết chùa này đền khác, đi đền chùa nhiều kiểu chạy sô, càng đi nhiều và càng lễ vật mâm cao cỗ đầy càng đắc lợi là không đúng. Mỗi người cần trước hết tin vào “ngôi chùa” ở ngay trong tâm hồn mình, đi lễ hội là để xác nhận mình trong không gian tâm linh trời đất, trong cộng đồng.

Tất nhiên, trách nhiệm này là cả những nhà chức trách nữa. Tôi cho rằng, trách nhiệm của ngành văn hóa chỉ một phần mà cần có sự đồng bộ.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng biến lễ hội thành chiếu bạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO