Gian nan đãi cát, tìm vàng

Minh Quân 03/08/2019 08:00

Các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật (VHNT) được ví là nơi “đãi cát, tìm vàng” với tiêu chí hàng đầu là các thí sinh dự thi phải có năng khiếu. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay cứ vào mỗi dịp tuyển sinh hầu hết các cơ sở đào tạo VHNT lại đau đầu với việc thiếu thí sinh dự thi.

Gian nan đãi cát, tìm vàng

Đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang khó ngay từ khâu đầu vào.

Thầy đi tìm trò

Hiện Bộ VHTTDL đang quản lý trực tiếp 28 cơ sở đào tạo, trong đó có 16 cơ sở đào tạo VHNT gồm 11 trường đại học, 1 học viện, 1 viện nghiên cứu, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp. Thế nhưng, dù có đầy đủ các cơ sở đào tạo các chuyên ngành VHNT nhưng cứ vào mỗi mùa tuyển sinh thì các trường lại “phát sốt” với nghịch cảnh “thầy đi tìm trò”. Đặc biệt là những ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống, đạo diễn, biên kịch năm nào cũng rơi vào tình trạng “khát” thí sinh. Theo báo cáo năm học 2018 - 2019 thì các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTDL được giao trên 16.600 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển sinh được hơn 13.600 thí sinh, chiếm 82%. Trong đó, khối VHNT chỉ đạt 74%. Đơn cử như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đơn vị đào tạo chủ lực nguồn nhân lực cho các bộ môn chèo, tuồng, cải lương, rối, kịch hát dân tộc trong nhiều năm nay, trường đã không còn tuyển sinh và đào tạo diễn viên tuồng. Với lý do là không có thí sinh nào đăng ký dự thi. Còn bộ môn chèo dù “đông đảo” hơn nhưng số lượng thí sinh đăng ký cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cùng với đó, nguyên nhân dẫn đến công tác tuyển sinh đầu vào gặp khó khăn là nhiều học sinh thực sự có năng khiếu nhưng không theo học hoặc không thể theo học là chuyện xảy ra thường xuyên. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo năng khiếu nghệ thuật, nhiều học sinh không thể theo hết khóa học, vì vậy chênh lệch giữa tổng số tuyển sinh và tốt nghiệp khá lớn. Mặt khác do công tác phân luồng đào tạo giữa các trình độ đào tạo còn nhiều bất cập, người học và gia đình chưa xác định rõ mục đích học tập, tâm lý chung còn nặng về bằng cấp dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Đây cũng là thực trạng chung dẫn đến hiện tượng thiếu hụt đầu vào, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng đào tạo. Chưa kể, đa số các cơ sở đào tạo VHNT hiện nay đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy. Nhiều cơ sở gặp vướng mắc trong việc đề nghị bổ sung quỹ đất để xây dựng giảng đường, ký túc xá, thư viện, khu giáo dục thể chất và cơ sở thực hành...

Bên cạnh đó, nếu như ở các thành phố lớn tình trạng “khát” thí sinh vẫn đang diễn từ năm này qua năm khác thì với các cơ sở đào tạo các tỉnh gần lại đang là một “nghịch lý”. Bởi trong khi có nhiều khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu lớn về đào tạo VHNT thì số lượng cơ sở đào tạo còn hạn chế. Thậm chí cá biệt có những tỉnh không có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp lĩnh vực văn hóa như Lai Châu, Bắc Kạn, Ninh Thuận...

Tạo hành lang thông thoáng

Có thể thấy, câu chuyện tuyển sinh đào tạo VHNT dù đã có nhiều chủ trương khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng, thậm chí là “kích cầu” nhưng đến nay vẫn “ngổn ngang” những trăn trở. Thậm chí để giải bài toán này, cứ vào mỗi mùa tuyển sinh nhiều trường đã phải chủ động “đi săn” tại các địa phương, thay vì thông báo tuyển sinh rồi chờ thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Đơn cử như Trường Múa TPHCM còn đến tận từng gia đình để giới thiệu về những ưu việt khi trúng tuyển vào trường, nhằm giúp gia đình và các thí sinh có sự hào hứng tham gia. Một số trường khác lại chủ động kết nối, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về sự tiện lợi khi tham gia đăng ký tuyển sinh… Mới đây, để “cứu” nghệ thuật truyền thống, Bộ VHTTDL cũng đã có hình thức đổi mới đào tạo. Theo tinh thần dự án đào tạo thí điểm diễn viên của 4 nhà hát (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), không chỉ tham gia công tác tuyển sinh, những nhà hát này còn phối hợp với các trường nghệ thuật tham gia giảng dạy, đào tạo. Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng dường như cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Bộ VHTTDL với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù dường như những “nút thắt” đang dần được tháo gỡ. Vụ trưởng Vụ Đào tạo Nguyễn Thế Hùng dẫn chứng “bất cập” hiện 2 Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH cùng quản lý nhà nước đối với một cơ sở giáo dục như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TPHCM, ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội… Thực trạng này dễ dẫn đến sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, về đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp...

Cũng tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng để khắc phục tình trạng này cần phải xác định quy mô tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của xã hội để không chỉ nâng cao chất lượng nguồn tuyển mà còn nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Đặc biệt, đối với các ngành nghề đào tạo năng khiếu, đặc thù không có tính phổ cập như các ngành đào tạo đại trà khác, vì vậy, những ngành này phải có quy định rõ ràng chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra đối với mỗi ngành nghề đào tạo. Ngoài ra, cần phải chú trọng đào tạo tài năng đỉnh cao, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đặt hàng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan đãi cát, tìm vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO