Giáo dục di sản: Chưa được như kỳ vọng

Minh Quân 29/06/2017 07:30

Vài năm trở lại đây, công tác nâng cao hiệu quả giáo dục di sản đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đưa di sản vào nhà trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác giáo dục di sản dường như chưa đạt được kết quả mong muốn.

Học sinh THCS Hà Nội tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Cách làm xưa cũ

Cụ thể, xét trên bình diện chung về cách vận hành hệ thống di tích, bảo tàng trong nhiều năm qua việc giáo dục cho giới trẻ đang đi theo lối mòn.

Hầu hết, các di tích hay bảo tàng tại Việt Nam chưa có những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, đủ để lại những bài học ấn tượng sâu sắc cho khối kiến thức mà các em tiếp thu trên giảng đường.

Phần lớn, khi đi tham quan các di tích, học sinh chỉ được xem, nghe, nhìn một cách đơn thuần. Điều này không giúp học sinh chủ động khám phá, chắt lọc thông tin, kiến thức về các di tích.

Ngoài ra, học sinh còn bị hạn chế sự sáng tạo do thực hiện thụ động theo hướng dẫn viên nghe những bản thuyết minh chung chung. Và điều đáng nói là việc tổ chức các tour trải nghiệm di sản cho các học sinh hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức, phong trào.

Đơn cử, với hệ thống bảo tàng sau nhiều năm “cải tiến” vẫn đi theo cách trưng bày truyền thống thường dễ tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho người xem.

Mặc dù, hệ thống bảo tàng tại nước ta rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên, số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các bảo tàng mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày các mẫu vật, mô hình, hình ảnh, video mà thiếu đi sự tương tác.

Bà Phạm Thị Mai Thủy- Phòng Giáo dục, Truyền thông Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận định: “Từ thực tế các công việc đang thực hiện cho thấy rằng bản thân chúng tôi cũng chưa có sự đổi mới thường xuyên nên các hoạt động cho đến giờ phút này vẫn đi theo lối mòn và nếu như có sự đầu tư cũng như sự kết hợp của các chuyên gia giáo dục thì chương trình sẽ tốt hơn”.

Cũng theo theo bà Thủy thì những cái khó với cả giáo viên cũng như cán bộ di tích, bảo tàng là mỗi đối tượng học sinh lại có nhận thức và sự hiểu biết khác nhau, tùy thuộc vào lứa tuổi.

Vì vậy nội dung truyền tải cần phải đi sâu vào từng chuyên đề và có sự liên hệ theo đối tượng nhất định.

“Cần mở rộng và đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu như: sách, phim ảnh... để cung cấp thêm tư liệu và tăng thêm sự hấp dẫn đối với mỗi chuyến trải nghiệm thực tế”- bà Thủy cho hay.

Một lý do nữa khiến công tác giáo dục di sản tại các di tích, bảo tàng mặc dù đem lại hiệu quả nhưng còn gặp khó khăn là ở kinh phí và thời gian tổ chức khiến cho các nhà trường không thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho các “trải nghiệm ở bảo tàng hay di tích.

“Phá rào” để thành công

Một trong những nguyên nhân “sâu xa” đến việc giáo dục di sản vẫn chưa thoát khỏi những “bất cập” đó chính là căn bệnh thành tích cố hữu.

Bởi nhiều trường cho học sinh đến các điểm di tích chỉ để cho đủ hoạt động ngoại khóa thường niên trong báo cáo tổng kết cuối năm học.

Để gỡ được “nút thắt” này phía ban giám hiệu các nhà trường cần phải xây dựng một kế hoạch cụ thể dựa trên điều kiện, hoàn cảnh của từng trường, xác định thời gian cũng như số lượng học sinh đến tham quan thực tế.

Còn với các di tích và bảo tàng cần có những quy định, quy chế tham quan để hướng dẫn, phổ biến cho các nhà trường, nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác phối hợp tổ chức nội dung học tập thực tế cho các em tại đây.

Theo PGS TS Bùi Thị Thanh Mai- Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giáo dục nghệ thuật trước hết phải mang đến niềm vui cho con người.

Với hệ thống các bảo tàng, trường học, di tích, các giáo viên cũng như các nhà nghiên cứu khi xây dựng chương trình phải đề cao công tác chuẩn bị và hướng đến mục tiêu, nội dung triển khai phục vụ là các đối tượng, lứa tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, khách quan mà nói hiện nay có rất nhiều bảo tàng, di tích đã triển khai thành công công tác giáo dục di sản. Đơn cử như Bảo tàng Lịch sử quốc gia với chương trình giáo dục dành cho học sinh, đó là Câu lạc bộ Em yêu lịch sử và gần đây là Giờ học lịch sử tại bảo tàng.

Mô hình này được hình thành từ năm 2007 và cho đến nay vẫn duy trì rất tốt và còn mở rộng ra một số di tích và bảo tàng trên cả nước.

Câu lạc bộ này đã trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo cho các em chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của giáo viên từ những hiện vật di sản cụ thể sinh động.

Hay xuất phát từ thực tế về sự “đơn điệu” trong trưng bày tại các bảo tàng, mới đây một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM đã hình thành ý tưởng để phát triển một hệ thống bảo tàng tương tác thông minh. Hệ thống này cho phép người dùng có thể tương tác đa chạm trên một bề mặt hiển thị nội dung.

Trong đó, thông tin được trình chiếu trên bề mặt tương tác dưới dạng video tự nhiên. Người dùng có thể chạm vào các đối tượng đang được hiển thị trên màn hình để tìm hiểu dữ liệu gắn liền với một danh nhân, một hiện tượng, hay một cổ vật, một di tích…

Mới đây, một số bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D trong trưng bày mà tiên phong là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hay tiếp đó là Bảo tàng Dân tộc học.

Gần đây nhất là Khu trưng bày khảo cổ dưới lòng tòa nhà Quốc hội được xem là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ 3D trong việc trưng bày và triển lãm các hiện vật…

Có thể nói rằng, giáo dục di sản đã góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Tuy nhiên làm thế nào để công tác giáo dục di sản hiệu quả hơn lại là bài toán khó cần có sự chung tay từ nhiều phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục di sản: Chưa được như kỳ vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO