Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Từ Khôi 01/06/2019 08:00

Ngày 31/5, tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Tại hội thảo, ghi nhận nhiều ý kiến trăn trở về cách quản lý, tác động của chính sách đối với văn hóa các dân tộc thiểu số đã và đang được triển khai.

Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc trình diễn tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

TS. Trần Hữu Sơn cho biết: Từ kinh nghiệm quản lý khi còn làm Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, tôi thấy rằng nếu không tìm hiểu kỹ về đời sống, tập tục, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ dẫn tới việc đề ra các chính sách sai lầm. Ví như có cán bộ văn hóa xã, huyện, khi xây dựng hương ước để người dân thực hiện lại không để người dân tự xây dựng và thực hiện mà lại tham khảo các quy định pháp luật rồi áp đặt vào rồi trình lên trên. Cứ như thế nếu cấp thẩm quyền không xem xét kỹ sẽ hình thành một luật thứ hai. Hệ thống tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền của các dân tộc ở Tây Bắc rất phong phú, đậm bản sắc, thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan, tạo nên hệ thống giá trị văn hóa như Hồn linh giáo, Tô tem giáo, Bái vật giáo, Shaman giáo, Thờ cúng tổ tiên… Họ thiêng hóa rừng, khai thác rừng theo mùa chứ không tận diệt. Do đó, họ không bị rừng “trả thù” như hiện nay. Theo thống kê của TS. Trần Hữu Sơn, chỉ tính riêng 2 huyện Bát Xát và Sapa của Lào Cai từ năm 1971 tới 2016 đã có tới 48 trận lở núi, lũ quét, lũ ống nghiêm trọng.

Về phát triển du lịch, TS. Trần Hữu Sơn cho biết: Sau khi mở cửa phát triển kinh tế, khách du lịch đến Tây Bắc tăng nhanh, nhưng gần đây, lượng khách đến rồi trở lại ít. Nhiều bản đồng bào khác nhau nhưng mô hình khai thác du lịch lại giống nhau. Vì vậy, cần phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng bằng cách tôn trọng cộng đồng, để cộng đồng là chủ thể được hưởng lợi. Tôn trọng người dân làm du lịch, không nhất thiết người dân phải bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà tiến hành song song hai hoạt động. Tiến hành làm du lịch theo hướng trải nghiệm (trải nghiệm thêu dệt thổ cẩm, trải nghiệm canh tác ruộng bậc thang, đánh bắt cá dưới ruộng hay dưới suối…) và xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài việc sửa đổi các bộ luật liên quan như Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp, TS. Trần Hữu Sơn còn đề nghị Bộ VHTTDL thay đổi cách làm dự án theo kiểu “giải ngân cho nhanh” khi chỉ tập trung xây dựng một vài nhà truyền thống cho hết số tiền vài ba tỷ đồng, mà hãy lựa chọn đầu tư cho các làng bản, có tài nguyên gắn với phát triển du lịch. Trong dự án cần chú trọng tới bảo vệ các di sản kiến trúc cổ và các di sản văn hóa phi vật thể…

Việc xác định, xếp loại nhóm dân tộc cũng rất phức tạp. PGS.TS Trần Bình (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nói: Từ năm 1979, người Pa Cô được chính thức xác định là một nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi. Tuy vậy, đa số người dân Pa Cô không chấp nhận tộc danh Tà Ôi. Tuy cùng sinh sống trên một số vùng đất ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, vùng đất giáp Lào, và phía Tây thành Huế nhưng về đặc điểm hai dân tộc này có những sự khác biệt. Ý kiến của Phòng Dân tộc huyện A Lưới và Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số cán bộ giảng dạy ở Đại học Huế cũng gần như thống nhất: Việc xếp hai nhóm người Pa Cô Và Tà Ôi vào một dân tộc dường như tồn tại trong tài liệu khoa học, thực tế ở địa phương hai nhóm người này tự tách thành hai nhóm người riêng biệt. Vì vậy, nếu không có quyết định sớm về tộc người thì các chính sách liên quan đến kinh tế, văn hóa sẽ không đến được với người Pa Cô.

TS. Bàn Thị Quỳnh Dao (Viện Văn học) là nữ tiến sĩ đầu tiên của người Dao, là con của TS. Bàn Tiến Tân (1945-1994) nói: Cha tôi là người Dao ở Cao Bằng, mẹ tôi là người Kinh. Mỗi khi về quê, bố tôi đều dùng tiếng Dao Tiền để nói chuyện với những người thân và bà con trong bản. Thế nhưng đáng buồn là ba anh em chúng tôi lại không sử dụng được bất cứ một loại tiếng Dao nào. Khi nghiên cứu, tôi thấy để có thể gìn giữ được ngôn ngữ của mình, người Dao cần có điều kiện cơ bản. Thứ nhất: Về điều kiện tự nhiên, đồng bào Dao sinh sống xen kẽ với các tộc người khác cần giữ ngôn ngữ của mình, tránh để ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ dân tộc khác chi phối hết. Thứ hai, điều kiện xã hội: Ngôn ngữ dân tộc Dao cần được đưa vào giảng dạy ở các trường PTDT nội trú. Thứ ba, điều kiện trong môi trường gia đình phải là nơi gìn giữ phát triển. Cha mẹ mà không dạy con thì ai sẽ dạy đầu tiên? Theo TS. Bàn Thị Quỳnh Dao: Nhà nước ta coi trọng ngôn ngữ các dân tộc, coi đó là di sản văn hóa, là vốn quý, tuy nhiên đến nay Viện Ngôn ngữ chưa xuất bản cuốn sách nào về từ điển ngôn ngữ người Dao.

Kết thúc hội thảo, bà Trịnh Thị Thủy- Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói: Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ có những tham vấn với lãnh đạo Bộ để xây dựng và đề nghị sửa đổi những chính sách chưa phù hợp trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO