Góc nhìn về triển lãm cơ thể người

Thành Luân 12/07/2018 08:30

Việc triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body) dự kiến trưng bày tại Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM từ ngày 21/6 đến 31/12 vừa bị Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) “tuýt còi” vì phản cảm đã cho thấy nhiều hạn chế, bất cập trong công tác cấp phép triển lãm. Không những vậy, nhìn từ lăng kính văn hóa, triển lãm này còn đưa đến nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm…

Triển lãm diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM, lâu nay được coi là trung tâm sinh hoạt, vui chơi của thanh thiếu nhi, sinh viên, học sinh của thành phố đông dân nhất nước. Đặc điểm của những đối tượng người trẻ vốn rất nhạy cảm khi tiếp nhận những thông tin, sự kiện diễn ra hàng ngày. Nhất là, đây lại là chủ đề triển lãm thuộc vào nhóm “nhạy cảm”, chưa từng được tổ chức ở quy mô và cấp độ công khai.

Chính vì vậy, ngay khi triển lãm diễn ra chưa đến một tuần thì trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội đã có luồng ý kiến cho rằng những hiện vật trưng bày tại triển lãm đưa đến cảm nhận rùng rợn, phản cảm đối với các công chúng.

Tiếp đó, khi các cơ quan báo chí, truyền thông vào cuộc, sự việc được mô tả, giải thích ở nhiều khía cạnh. Thế nhưng ngay cả đứng trên lập trường lĩnh vực nghề nghiệp thì các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng quy mô, phạm vi của triển lãm chỉ nên dừng lại ở góc độ một triển lãm chuyên ngành về y học.

Và, tốt hơn hết triển lãm chỉ nên được trưng bày trong một phạm vi hẹp, chẳng hạn đối với các sinh viên, nghiên cứu viên, y bác sĩ công tác trong ngành y học thì sẽ không có vấn đề gì phải bàn cãi.

Vậy nhưng, khi các cơ quan cấp phép triển lãm, mà trách nhiệm chính thuộc về Sở VH-TT TP HCM đã không đánh giá được phản ứng của công chúng ngay từ đầu, “tiền kiểm” qua quýt đã dẫn đến một thông điệp mang “hiệu quả ngược” mà chính Ban Tổ chức triển lãm cũng không mong muốn phải đón nhận.

Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” cũng vậy, những thông điệp mà Ban Tổ chức triển lãm này mong đợi đưa đến công chúng cũng sẽ phải chịu sự “lắng nghe và thấu hiểu” của chính thuần phong, mỹ tục truyền thống của người Việt. Tất nhiên, Ban Tổ chức triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã đi ngược lại quy luật khách quan ấy.

Chính nhìn từ lăng kính văn hóa truyền thống, mà chúng ta nhìn nhận hành động của đoàn công tác do Cục trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đến “vi hành” triển lãm như một động thái tượng trưng cho số đông quan niệm truyền thống, để rồi ngay sau đó Cục này phải ban hành một văn bản, trong đó khẳng định triển lãm nếu trưng bày đại chúng thì sẽ là vấn đề văn hóa tâm linh không phù hợp với văn hóa Việt Nam, gây phản cảm, bởi những hiện vật mổ bụng xác phụ nữ để nhìn thấy bào thai và các cơ quan nội tạng.

Nói cách khác, đây không phải là góc nhìn thiên kiến của cơ quan quản lý văn hóa sau khi tiến hành “hậu kiểm”, mà suy rộng ra là “lăng kính” sàng lọc của văn hóa truyền thống người Việt. Và, để được người Việt chấp nhận, thì trước hết triển lãm phải đáp ứng được các nhu cầu và giá trị thụ hưởng về chân – thiện – mỹ, vốn được tích lũy qua hơn 4.000 năm lịch sử.

Qua sự kiện triển lãm rất cụ thể là triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”, chúng ta thêm khẳng định về chiều sâu trong văn hóa Việt luôn trải qua quy luật “lắng nghe và thấu hiểu”. Chỉ các sự vật, hiện tượng đưa đến những giá trị chân – thiện – mỹ của người Việt, mới được chấp nhận và công nhận như một sản phẩm đương đại của đại chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc nhìn về triển lãm cơ thể người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO