Góp ý dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả

Minh Quân 12/08/2017 08:40

Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến khu vực phía Bắc về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Với sự tham gia của của đại diện các Sở VHTT, Sở VHTT&DL các tỉnh phía Bắc một lần nữa những thắc mắc trong quy định về quyền tác giả đã được phân tích, làm rõ.

Cụ thể, Dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan” gồm 8 chương và 63 điều. Trong đó, chương V về Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan là chương có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành như: Bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”; Bổ sung điều khoản quy định về “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan”; Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó cũng tại Hội nghị đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL đã báo cáo hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thời gian qua. Theo đó, riêng 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 34 doanh nghiệp, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Bộ VHTT&DL tiếp tục nâng cao công tác quản lý và hoạt động thực thi để bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.

Tuy nhiên bên cạnh những góp ý chung xung quanh việc những quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan vẫn còn đó những băn khoăn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn (Sở VHTT&DL Hải Dương) băn khoăn là hiện nay, trong các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ca sĩ, nhạc công... đều được trả tiền, nhưng tác giả bài hát thì lại không được trả tiền. Khi cơ quan nhà nước muốn thanh toán thì không có căn cứ. Khi chúng tôi thanh toán thì tài chính nói các ông căn cứ vào đâu để trả tiền tác giả, chưa có căn cứ để trả tiền. Ở mỗi tỉnh có đến hàng trăm điểm với hàng nghìn phòng karaoke nhưng việc thu tiền bản quyền rất khó, bởi các đơn vị sử dụng đều nói rằng họ không chấp nhận mức biểu phí của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). “Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan nhà nước cần có quy định khung giá bản quyền cơ bản để các địa phương áp dụng”- ông Tuấn đề nghị.

Xung quanh vấn đề này ông Bùi Nguyên Hùng- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết trong một số vụ việc lùm xùm thời gian qua, việc thu phí bản quyền âm nhạc có phần mang tính áp đặt từ VCPMC khi đưa ra văn bản yêu cầu đóng tiền. Vấn đề này sẽ được giải quyết trong nghị định khi quy định chi tiết trách nhiệm của cả bên sử dụng và bên thu phí bản quyền trong vấn đề đàm phán, thương lượng.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh lại, phải xác định được rõ những tác phẩm, tác giả nào đã uỷ quyền và trình uỷ quyền thì mới được thu phí bản quyền, kể cả trong trường hợp thu trên đầu tivi trong khách sạn. Để làm được điều này, cần áp dụng công nghệ thông tin chứ không thể duy trì cách làm như hiện nay. Thậm chí việc thu bản quyền ở các quán karaoke cũng phải áp dụng công nghệ thông tin để đo đếm số lần sử dụng bài hát bao nhiêu thì thu tiền bấy nhiêu. Nếu không hát thì không thu tiền. Với các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, đề nghị nếu có trả tiền cho ca sĩ, nhạc công... thì phải dự toán cả tiền chi trả cho tác giả.

Trước những ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh, thực tế hiện nay mới thấy nổi lên một phần nhỏ của lĩnh vực bản quyền là bản quyền cho tác giả âm nhạc. Vấn đề cốt lõi ở đây là quan hệ dân sự cho nên nhà nước không can thiệp. Chúng ta dần phải quen với việc là những quan hệ dân sự mà không giải quyết được thì phải ra tòa. Nhà nước không can thiệp vào quy định tiền tác giả này là bao nhiêu tiền, khi sai phạm nhà nước mới can thiệp. Nhà nước pháp quyền là thế và tất cả chúng ta phải quen dần với điều ấy.

Tinh thần góp ý dự thảo nghị định này, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải đảm bảo hài hoà, vừa bảo vệ được quyền tác giả và quyền liên quan, quyền lợi của công chúng hưởng thụ tác phẩm và nhà tổ chức chương trình. Về vấn đề thoả thuận giữa các bên để đưa ra mức giá thu tiền tác quyền. Đây là quan hệ dân sự nên nhà nước không can thiệp. Chúng ta cũng dần quen với việc là những quan hệ dân sự mà không giải quyết được với nhau thì ra toà. Chứ Nhà nước không can thiệp vào tiền tác giả phải là bao nhiêu tiền.

Ông Biên cũng nói, lâu nay cách “thu khoán” là cách thu không chính xác. Như cách thu khoán ở quán karaoke, quán cafe, thu đầu tivi trong khách sạn... tôi cho rằng không đúng. Tôi vào uống cafe, có thể không có nhu cầu nghe nhạc, hoặc vào khách sạn chỉ để nghỉ, không có nhu cầu xem tivi. Hơn nữa, thu khoán như vậy thì việc chi trả cho các tác giả sẽ thế nào? Đơn vị thu tác quyền cho các tác giả, mỗi thu được bao nhiêu, chi trả cho tác giả bao nhiêu thì phải công bố để giải toả băn khoăn của dư luận. “Tôi nghĩ cần thiết phải có một vài phiên tòa xét xử về vấn đề này để làm tiền đề giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực bản quyền bởi đây là lĩnh vực mới với công chúng”- Thứ trưởng góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp ý dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO