Hà Nội chưa cần thêm nhà hát

Minh Quân (thực hiện) 03/08/2017 07:45

TP Hà Nội vừa đề xuất xây dựng Nhà hát Hoa Sen với công suất 2.000 chỗ ngồi và xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi. Tuy nhiên, ngay sau khi ý tưởng phác thảo được công bố rất nhiều chuyên gia kiến trúc đã lên tiếng phản đối về thiết kế của công trình.

KTS Ngô Doãn Đức- Chủ tịch Liên đoàn Tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

KTS Ngô Doãn Đức.

PV:Thưa KTS, quan điểm của ông như thế nào trước phác thảo nhà hát theo hình ảnh hoa sen tả thực?

KTS Ngô Doãn Đức: Quan điểm của tôi là phác thảo xây dựng Nhà hát hoa Sen có 4 điểm không hợp lý.

Thứ nhất, ý tưởng kiến trúc và cách tư duy quá cũ kỹ. Thứ hai, hình ảnh bản phác thảo công trình thiếu tinh thần của thời đại, của công nghệ và sự tiên tiến trong hình ảnh vật liệu kiến trúc. Thứ ba, giải pháp xây dựng Nhà hát Hoa Sen rất nặng nề. Bởi việc xây dựng Nhà hát phải phụ thuộc vào hình tượng hoa sen dẫn tới các công đoạn sau đó phải hợp lý hóa rất nhiều từ đó dẫn tới những tốn kém không cần thiết. Thứ tư, chúng ta cứ chọn xây dựng các công trình theo biểu tượng thì sẽ tạo sự dập khuôn.

Hoa sen được nhiều người coi là biểu tượng “quốc hoa” của Việt Nam. Vì thế nhiều công trình kiến trúc chọn đây là giải pháp kiến trúc cũng là điều dễ hiểu?

- Tôi xin nhấn mạnh là chúng ta không nên cổ súy cho lối tư duy kiến trúc kiểu này. Tại sao cứ lúc nào cũng phải hoa sen. Sân bay cũng hoa sen, đền chùa cũng hoa sen, nhà hát cũng hoa sen…

Với trường hợp Nhà hát Hoa Sen tôi cũng đề nghị các cấp lãnh đạo cần mở rộng thêm cho các ý tưởng để có được phương án hợp lý hơn. Hà Nội đang rất thiếu nhà hát nhưng không vì thế chúng ta dừng tìm kiếm một ý tưởng hợp lý.

Nếu quyết tâm phải xây bằng được nhà hát, chúng ta phải cẩn trọng tìm kiếm phương án mới, nó phải có tính tích cực hơn. Tôi nghĩ, xây dựng ở đâu cũng phải nghiên cứu về không gian, bán kính hoạt động, tính tương thích.

Đề xuất xây dựng Nhà hát Hoa Sen nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kiến trúc.

Có ý kiến cho rằng phác thảo công trình này giống tạo hình một công trình tại Quảng Châu (Trung Quốc). Nếu đúng vậy theo ông có vi phạm bản quyền?

- Trong kiến trúc những thiết kế là có thể tham khảo. Nhưng so sánh như ý kiến Nhà hát Hoa Sen giống công trình ở Quảng Châu (Trung Quốc) thì cần phải đưa ra những thông số cụ thể.

Bởi nếu như nhìn so sánh trực quan thì đã có nhiều quan điểm khác nhau. Người bảo hoàn toàn giống, người bảo gần giống hay chỉ giống một vài hạng mục...

Tuy nhiên, ở trường hợp bản vẽ phác thảo Nhà hát Hoa Sen theo quan điểm của tôi rất khó để nói công trình đã vi phạm bản quyền.

Nếu có thì gọi là “bắt chước” lại ý tưởng. Còn kết luận vi phạm bản quyền là phải sao chép nguyên mẫu của công trình gốc.

Chuyện bản quyền ở đây cần có những đối chiếu cụ thể vì nếu sai phạm không chỉ là vấn đề danh dự mà người thiết kế sẽ bị kiện ra tòa.

Trước đây, Bảo tàng Hà Nội cũng đã được cho là giống trung tâm trưng bày Expo ở Thượng Hải (Trung Quốc). Nhưng sau xem xét lại tổng thể công trình đã kết luận công trình chỉ giống về ý tưởng, bút pháp của người sáng tạo. Tuy nhiên, cách thiết kế theo lối kiến trúc biểu tượng đó là của thế kỷ XX còn chúng ta đã bước qua thế kỷ XXI rất lâu rồi.

Dưới góc nhìn của một người dân, theo ông chúng ta có cần có thêm nhiều nhà hát?

- Chúng ta đang có “mốt” là xây dựng tháp truyền hình và nhà hát. Tất nhiên, có thêm các công trình đó là điều hoàn toàn tốt vì nó là một trong công việc xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nhưng ở đây chúng ta nên nghĩ đến nguồn vốn nhà nước khi đang có rất nhiều công trình như nhà trường, bệnh viện, cầu đường… đang trong tình trạng xuống cấp.

Việc xây dựng công trình nào cũng hết sức cần thiết và thực tế là những đòi hỏi là vô tận. Không thể phủ nhận hiện nay nhiều nhà hát, cơ sở văn hóa vẫn chưa được khai thác hết công năng.

Thậm chí nhiều đơn vị đang kết hợp sử dụng cho thuê ngoài mục đích biểu diễn. Chúng ta có thể điểm danh lại các rạp hát, các rạp chiếu bóng… và nhìn các công trình đã biến thể như thế nào.

Tại sao chúng ta không “đánh thức” những cơ ngơi đó lên bằng cách cải tạo để phục vụ cho nhu cầu văn hóa của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên?

Tại sao cứ “nhăm nhe” xây mới với đủ các lý do? Với bố cục kinh tế đất nước và của Thủ đô hiện nay còn rất nhiều công trình cần phải đầu tư.

Mặc dù vì bộ mặt văn hóa cũng cần phải có những cái mới nhưng những người làm quy hoạch cần phải cân đối sao cho phù hợp.

Như việc xây dựng Nhà hát hoa Sen theo tôi là chưa cần thiết. Bởi chúng ta có rất nhiều cách tổ chức văn hóa cho lớp trẻ hiện nay, không nhất thiết phải xây dựng một nhà hát to lớn, hiện đại như vậy.

Thủ đô đang còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là chăm lo cho đời sống dân sinh. Các công trình văn hóa trước đây chúng ta xây là ở thời kỳ kinh tế kế hoạch, đơn chức năng.

Do đó bây giờ chúng ta chỉ cần cải tạo các công trình lên thành các cơ sở đa chức năng, làm sống động hơn các hoạt động văn hóa.

Ở vấn đề này theo tôi cần được phân tích kỹ hơn chứ không phải công trình nào đưa ra cũng cần cả. Thậm chí với trường hợp xây dựng Nhà hát thì theo thứ tự ưu tiên cũng chưa đến mức phải gấp rút xây dựng như vậy.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội chưa cần thêm nhà hát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO