Hạnh phúc không định trước

Phạm Hồng Lý 27/01/2019 08:30

Tôi nhảy lên đoàn tàu dành riêng chở lính từ Hà Nội lên biên giới, đang loay hoay tìm chỗ đặt ba lô, thì tiếng con gái gọi với lên giữa đoàn tàu dành riêng cho lính trận.

Hạnh phúc không định trước

Cô bộ đội bế em bé. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

- Anh ngồi đây này…
Sau khi ổn định, tôi mới làm quen với cô.
- Cô tiễn chồng lên biên giới à?
- Dạ không, em là cô giáo vùng cao nên được “ưu ái” đi cùng chuyến với các anh bộ đội, lên “biên” mà…!.
- À thì ra là thế... Cô quê ở đâu ta?
- Dạ em ở quê lúa lên dạy học ở vùng cao hơn ba năm nay, đã đủ thời gian được chuyển về xuôi nhưng còn đợi người lên thay. Trường cho về phép thăm nhà, hôm nay em phải lên… Tàu xe khó khăn, phải nhờ các anh bộ đội giúp…
- Thế... tò mò tý chút nhé, tên cô là gì?
- Dạ em tên là Kim Thanh, Phạm Thị Kim Thanh
- Ôi tên đẹp đấy! Thế là chúng ta “ba cùng”!
- Anh nói gì em không hiểu?
- Này nhé: cùng quê, cùng họ, cùng nhiệm vụ ở biên giới, chả ba cùng là gì.
- Thế cô đã có gia đình chưa?
- Nghề chúng em thì ai quan tâm đến cơ chứ, vẫn “tư lệnh phòng không” mà...
- Thế thì thêm một cùng nữa là bốn!
- Đàn ông nhà các anh là hay “xạo” lắm đấy.
Tôi vừa về giải quyết việc xây dựng gia đình, nhưng vướng khúc mắc nên vẫn dở dang. Hết phép, phải lên đơn vị...
Con tàu lao vun vút vào đêm... Có lẽ không quen thức khuya nên cô dựa vào vai tôi mà ngủ, còn tôi là lính nên đã quen với những “vụ” thức đêm thế này, nên đành làm “pho tượng” để bảo toàn giấc ngủ cho cô gái.
Mọi người lục tục xuống ga… Tôi lay lay vai Kim Thanh…
- Cô Kim Thanh ơi! Đến nơi rồi…
Cô gái choàng dậy:
- Đây là đâu hở anh?
- Ga Lào Cai. Hết đường rồi, xuống thôi!
Kim Thanh xách vội cái túi du lịch, cùng tôi bước xuống sân ga. Sương đêm và gió núi mát rượi
Chúng tôi chia tay nhau, Kim Thanh đón xe khách lên bản, còn tôi thì trung đoàn hẹn cho xe đến đón.
- Ấy quên... cho xin em địa chỉ nào, - Kim Thanh mỉm cười: - Em sắp chuyển về xuôi, xin địa chỉ của anh để còn có ngày gặp lại nữa chứ!

Bẵng đi một thời gian, tôi cùng đơn vị lao vào công việc đào hầm hào, củng cố tuyến phòng thủ, rồi mơ màng nghĩ về chuyến tàu đêm đó…

***

Phạm Thị Kim Thanh nhận quyết định chuyển về đồng bằng, nhà trường tổ chức liên hoan chúc mừng, làm Kim Thanh suốt đêm không sao ngủ được. Nhẽ ra Kim Thanh rời nơi này đã từ lâu, nhưng chờ mãi mà chưa có người nhận bàn giao… Ấy vậy mà đã ba năm có lẻ gắn bó với mái trường nơi vùng cao này rồi… Mải mường tượng về ngôi trường sắp đến, cô thiếp đi lúc nào không hay.

Bỗng những tiếng nổ chát chúa liên tiếp làm rung chuyển núi rừng, mặt đất dưới chân giường Kim Thanh như bật nảy, đất đá bay rào rào, tiếng mảnh đạn pháo xé không khí rít lên ghê sợ, chém cành cây gẫy răng rắc… Chưa kịp hiểu những gì đang xảy ra, cô bật dậy chạy quáng quàng ra sân: cánh rừng trước mặt cháy đỏ rực. Tiếng người già trẻ em gọi nhau í ới. Tiếng ông xã đội cố gào lên trong chiếc loa điện để át tiếng nổ của đạn pháo: “A lô, A lô! Bà con và mọi người bình tĩnh... di chuyển về vị trí theo phương án”!

Kim Thanh chạy vào trong nhà vớ vội mấy bộ quần áo, tài liệu, giáo án, sách vở... nhét tất cả vào cái túi du lịch rồi nhanh nhẩu cùng tập thể giáo viên nhập vào đoàn người đang chen chúc xô đẩy nhau đi sơ tán. Trời sáng dần, đã nhìn rõ những cột nhà sàn cháy nham nhở, đen nhẻm, một loạt pháo nữa inh tai trùm lên khu nhà tập thể giáo viên. Vừa mới từ đó ra, cô rùng mình chắp hai tay giơ lên trời vái vái. Đang cắm đầu cắm cổ chạy, bỗng dưng cô khựng lại. Có tiếng khóc của đứa trẻ con đã khản tiếng trong một ngôi nhà gần đó. Kim Thanh thầm nghĩ: phải chăng là học trò của mình?

Kim Thanh đẩy cánh cửa bị mảnh đạn pháo băm nát sang bên để lấy lối vào. Cảnh tượng rùng rợn đập vào mắt cô: một đứa bé nằm vắt ngang trên xác người mẹ muốn tìm bầu vú. Kim Thanh vừa xốc đứa bé lên thì một loạt đạn pháo chụp xuống. Cô vội bế đứa bé lao xuống căn hầm chữ A gần đó. Loạt thứ hai rồi loạt thứ ba làm trời đất tối sầm lại, Kim Thanh và đứa bé ho sặc sụa. Cô ôm chặt đứa bé vào lòng mà khóc…

Không! Không. Mình phải làm gì chứ. Kim Thanh đặt đứa bé xuống, dùng hai tay moi moi cửa hầm cho đến khi hé được tý ánh sáng. Lại một loạt pháo nữa. Cô ôm chặt đứa bé vào lòng, thầm cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi. Nghe có tiếng chân người rậm rịch phía trên đường, rồi một loạt đạn pháo nữa, lần này lỗ hổng rộng hơn… Kim Thanh ôm đứa bé trườn ra khỏi hầm. Chưa kịp định thần thì cô không tin vào mắt mình nữa: anh bộ đội bị thương nằm sõng soài trên vũng máu, tay vẫn cầm cây cuốc chim. Cô vội vàng đặt đứa bé xuống, xốc anh bộ đội lên. Máu từ vết thương chảy ra ướt đẫm ngực áo Kim Thanh. Định lấy cuộn băng cá nhân để băng lại cho anh, mới biết chiếc túi du lịch đã để quên trong căn hầm, cô vội vã quay lại. Khi quay ra đến nơi thì anh bộ đội và đứa bé đã không cánh mà bay đâu mất!

Cái đói, cái mệt đến cùng lúc làm cô lả người đi, hoa cả mắt, thở không ra hơi. Cô ngã vật bên vệ đường. Khi tỉnh dậy mới hay đơn vị cứu hộ đã đưa mình vào bệnh viện quân y dã chiến.

Khi tiếng súng đã yên, trở về khu sơ tán, gặp ai Kim Thanh cũng hỏi về anh bộ đội và đứa bé, nhưng càng hỏi càng biệt tăm. Lòng cô khắc khoải lo âu, biết tìm anh bộ đội và đứa bé ở đâu giữa chốn bom rơi đạn lạc này?

Cái tờ quyết định chuyển vùng, cô không buồn quan tâm, hy vọng tìm lại anh bộ đội và cháu bé mất mẹ còn hệ trọng hơn với cô khi bước chân vào nghề dạy chữ, dạy người. Kim Thanh xin ở lại, không chuyển vùng nữa.

Bẵng đi một thời gian, Kim Thanh vẫn nuôi hy vọng gặp lại anh bộ đội và cháu bé mất mẹ kia, biết là khó có thể… Tia hy vọng mong manh ấy vẫn nhen nhóm trong lòng khiến cô chống chếnh, hẫng hụt, đứng ngồi không yên.

Một hôm, đúng vào cái hôm nắng biên cương rắc một lớp nhũ vàng lên khắp núi đồi, Kim Thanh đang giảng bài cho học sinh mà trong lòng như lửa cháy. Cô dừng tay nhìn ra ngoài chợt thấy hai người, một lớn, một bé đang dắt tay nhau đi vào khu điều hành của nhà trường. Linh cảm của Kim Thanh lúc này thật khó tả. Miệng nói tay viết phấn trắng lên bảng đen mà trong bụng lại cứ đâu đâu. Đến lúc trống báo hiệu hết một tiết học, Kim Thanh vội vã đi về phòng điều hành vì có tiếng gọi của thầy hiệu trưởng, nghe rất quan trọng và cấp thiết. Kim Thanh e lệ bước vào.

- Thôi, cô ngồi xuống đi! - ông hiệu trưởng bắt đầu nghiêm trang nói: - Có trường hợp này, xin nhập học muộn, lại quá tuổi… Đây là trường hợp đặc biệt, tôi định đưa cháu vào lớp cô để cô kèm thêm...
Kim Thanh chưa biết nên trả lời thế nào thì anh bộ đội gãi đầu gãi tai:
- Dạ… xin cô thông cảm, vẫn biết là muộn cả về thời gian nhập học và độ tuổi của cháu, nhưng đơn vị đã chuyển về đây, cháu mới có cơ hội đi học, chứ ở sát đường biên không có trường cô ạ!
Anh kể lại đầu đuôi, Kim Thanh chăm chú nghe không bỏ qua một chi tiết nào…
- Thôi đúng rồi… - Nghĩ vậy, song Kim Thanh vẫn giữ được bình thản.
- Vậy là từ bấy đến nay cháu bé vẫn ở với anh? Thế còn “chị” em đâu?
Anh bộ đội đỏ mặt lúng túng bẻ ngón tay:
- Vâng... cũng có mấy lần về quê, nhưng chưa gặp duyên, cô ạ…

Nghe đến đây, nước mắt Kim Thanh ứa ra... Anh bộ đội vẫn chưa hề biết một tý gì về cô giáo đang ngồi trước mặt mình… Những ký ức lại hiện lên trước mắt Kim Thanh. Cái đêm gần về sáng ngày mười bảy tháng hai năm một ngàn chín trăm bảy chín ấy quả là cái đêm “định mệnh”: lửa cháy ngút trời, đạn pháo nổ inh tai, tiếng trẻ con khóc, căn hầm nghẹt thở, anh bộ đội bị thương, những bước chân ngược xuôi, tiếng cuốc đào bới thình thịch trên nắp hầm... Đột nhiên cô lấy hai tay bưng mặt, gục xuống bàn khóc rưng rức.

- Thôi anh đừng kể nữa!
Đến lượt ông hiệu trưởng và anh bộ đội đang ngơ ngác lại càng ngơ ngác hơn.
- Vâng, em đây! Em là nữ khách duy nhất trên chuyến tàu hôm đó đây...
- Con bé cứ luôn miệng “đi tìm mẹ cho con, mẹ để con lại với bố rồi đi đâu?”…
- Thế anh đặt tên cho cháu là gì?
- Thảo.
Bấy nay, anh bộ đội cứ nghĩ mãi, mẹ nào mẹ lại bỏ con mà chạy trốn một mình. Và bây giờ thì anh đã hiểu về người mẹ không phải mẹ, người con không phải con mà lại là mẹ con.
Anh chỉ vào cô giáo:
– Tôi vẫn còn nhớ chuyến tàu từ Hà Nội lên Lào Cai đêm hôm ấy và tên người bạn cùng một chặng đường, nên đặt tên cháu là Kim Thảo. Thế là...
- Thế là “năm cùng” chứ không phải “bốn cùng” như trên chuyến tàu đêm lên biên đâu nhá! - Kim Thanh nói trong nước mắt. Không còn biết xung quanh có ai nữa, cô sốt sắng: - Thôi, bố đưa Thảo về đi.

Hai người đi bên nhau, dắt tay đứa bé đi giữa, họ không đi về phía doanh trại bộ đội mà đi thẳng về khu tập thể giáo viên mà Kim Thanh đang ở đó. Nắng biên cương trải vàng lên đường, bóng hai người và bóng đứa bé xoắn xuýt bên nhau.

***

Thế là có một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư, lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của người lính biên cương, trong nỗi nhớ nhung thực lòng của cô giáo vùng cao. Kể lại với tôi câu chuyện này, ông hiệu trưởng già trầm giọng:

- Hạnh phúc có bao giờ được định trước đâu. Đúng là chiến tranh chuyện gì cũng có thể xảy ra mà…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạnh phúc không định trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO