Hồ Nguyên Trừng - một vì sao lạc xứ

Minh Quân (thực hiện) 05/07/2019 07:00

Khai thác đề tài lịch sử luôn là mảnh đất màu mỡ đối với sân khấu nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng. Tuy nhiên, làm thế nào để biến một câu chuyện đã quá quen thuộc trong lịch sử trở nên hấp dẫn phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận vấn đề, góc nhìn của tác giả kịch bản, đạo diễn.

Xung quanh vấn đề này, NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có những chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết.

Hồ Nguyên Trừng - một vì sao lạc xứ

NSƯT Triệu Trung Kiên.

PV: Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở cải lương “Vì sao lạc xứ” kể về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng. Tuy nhiên, so với những ghi chép của lịch sử thì nội dung câu chuyện có khác, ông nói sao về điều này?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Với vở “Vì sao lạc xứ” vừa được công diễn, chúng tôi xây dựng thêm những mảnh ghép thông tin về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Nguyên Trừng cũng như những biến cố lịch sử ở thời kỳ của nhân vật này để công chúng có thêm sự nhìn nhận rõ hơn về nhân vật. Bởi rất ít sách sử khai thác cụ thể về giai đoạn cuối đời của cha con Hồ Quý Ly khi ở nơi đất khách quê người.

Chúng tôi muốn khai thác sâu hơn về nhân vật lịch sử này để làm nổi bật hơn, thuyết phục hơn từ sự lý giải bởi góc nhìn của người đương đại. Dẫu có phải làm quan ở phương Bắc thì trong tâm tư, tình cảm của Hồ Nguyên Trừng vẫn luôn hướng về quê hương, vẫn luôn cháy bỏng một tình yêu hướng về nguồn cội.

Do đó với vở diễn này, điểm mới đầu tiên là cách lý giải các nhân vật lịch sử mà ở đây là cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, bên cạnh đó là Vân Khanh. Sử Minh chép rằng Hồ Nguyên Trừng sau này được Nhà Minh phong làm Thượng Thư Bộ Công.

Thực tế đa số người dân Việt hiện nay đang nhìn nhận Hồ Nguyên Trừng như một kẻ quên đi nguồn cội của mình. Nhưng ê kíp sáng tạo đã khẳng định Hồ Nguyên Trừng là một vì sao sáng, một tài hoa hiếm có, dẫu phải sống kiếp lưu vong, vẫn nặng lòng với quê hương xứ sở.

Ông có lo ngại gì về sự thay đổi này không?

- Những thay đổi trong vở diễn “Vì sao lạc xứ” theo tôi không phải là những gì quá to tát, mà ngay ở việc tiếp tục khắc phục những điểm cố hữu của cải lương, điều đã khiến cho khán giả có những định kiến về loại hình này, rằng cải lương là bi lụy, là giả tạo.

Chúng tôi vẽ nên những chân dung đẹp đẽ thì sao lại phải sợ sự nhạy cảm? Chuyện thật lịch sử chỉ có chi tiết Hồ Nguyên Trừng có tài về thuốc súng và thần công. Triều đình nhà Minh đã tận dụng được thiên tài này. Vậy nên, khi đưa lên sân khấu, chúng tôi phải hư cấu một chuyện tình với mục đích lớn nhất là làm hiện rõ lòng yêu nước của cha con Hồ Quý Ly, dù triều đại nhà Hồ bị thất bại.

Ngoài ra, không có cứ liệu lịch sử nào cho cái kết của vở diễn. Đây là cách lý giải của ê kíp. Hồ Nguyên Trừng không hẳn điên nhưng lúc tỉnh lúc mê, lẫn lộn không biết đâu là thực, là giả, cứ nghĩ đấy là những cái có thể mang về cho trời Nam nên ông lao đầu vào nghiên cứu và làm. Tôi không tin vào những điều Minh sử viết về Hồ Nguyên Trừng. Tôi có cảm giác họ được mơn trớn, vuốt ve khi biến một người anh hùng tài ba lỗi lạc bậc nhất nước Nam thành một kẻ bán đứng lợi ích của dân tộc mình, đồng bào mình.

Chính vì thế, tôi và tác giả Nguyễn Toàn Thắng đã thống nhất cách lý giải và xây dựng hình tượng Hồ Nguyên Trừng như trong vở diễn để khẳng định rằng, mỗi con dân nước Việt dù phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã đến đâu vẫn đau đáu một nỗi niềm vì trường tồn của dân tộc. Đặc biệt, một điều mà chúng tôi muốn hướng đến là tác phẩm cũng phải làm cho khán giả dễ dàng tiếp nhận và thấy thích thú. Họ phải được khơi gợi những cảm xúc đẹp đẽ. Để sau đêm thưởng thức nghệ thuật, người xem phải nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, từ đó thêm yêu đời, yêu người, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội và thu nhận được những năng lượng tích cực cho cuộc sống của bản thân.

Hồ Nguyên Trừng - một vì sao lạc xứ - 1

Cảnh trong vở cải lương “Vì sao lạc xứ”.

Vậy đây có phải là hướng đi mới của Nhà hát trong thời gian tới?

- Điều đầu tiên mà Nhà hát Cải lương Việt Nam đang hướng đến là muốn nâng tầm khán giả cải lương, đưa nghệ thuật này đến với tầng lớp trí thức, giới trẻ. Còn về cách làm nếu như ở giai đoạn trước đây, nghệ thuật cải lương luôn tận dụng tối đa màu sắc bi thương, sướt mướt để đánh vào lòng thương cảm của người xem. Nhưng theo thời gian, những yếu tố đó đã trở thành lối mòn, cản trở sự phát triển.

Chính vì thế, cải lương cần thoát khỏi những khuôn khổ ràng buộc cũ kỹ. Cần trả cho người sáng tạo quyền tự do tối đa để phá bỏ mọi khuôn thước, xây dựng một diện mạo mang tính đương đại cho loại hình này. Điều đó được hiển hiện trong các thành tố như mỹ thuật, âm nhạc, kết cấu kịch bản, cách thức xây dựng các hình tượng nhân vật…

Tuy nhiên, không phải vì những thay đổi này mà nghệ thuật cải lương hiện nay không cần lay động lòng trắc ẩn của con người. Trái lại, cải lương vẫn cần phải làm cho người xem rung lên những cung bậc cảm xúc tốt đẹp…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ Nguyên Trừng - một vì sao lạc xứ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO