Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân: Tế bần, lang thang, mồ côi và tình yêu hội hoạ

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/04/2016 14:05

11 bức tranh sơn dầu khổ lớn được vẽ trong một tháng, với chủ đề “Phi Lập Thể - Chân dung 2016” sẽ được họa sĩ Nguyễn Quốc Dân giới thiệu trong triển lãm khai mạc vào 18h ngày 27/4 tại số 12 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. Đây vừa là gallery, vừa là studio của hoạ sĩ. 

Chân dung hoạ sĩ Dân và những bức tranh chân dung Phi lập thể trong triển lãm lần này.

Được nuôi dưỡng và trưởng thành tại trại tế bần, đến trại trẻ mồ côi, không sang Mỹ học Hội hoạ, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã ở lại, sinh sống, làm việc tại Việt Nam như chính duyên số của mình.

Anh muốn gửi gắm điều gì qua những bức tranh trong triển lãm cá nhân lần thứ tư này?

- Tình yêu và những suy tư của tôi về cuộc sống này. Tâm trạng và trạng thái dịch chuyên của tôi thông qua nội tâm của nhân vật lột tả phần nào sự co giãn, giằng xé, tác động nhiều hướng của tôi và xã hội. Sự rối loạn và va đập mạnh từ nhiều mảnh ghép cuộc đời giúp tôi tìm trạng thái động cho chính những sáng tác trong triển lãm này.

Vì sao lại là “Phi lập thể”, thưa anh?

- Tôi đến với phi lập thể bằng cảm xúc, học thuật và nghiên cứu. Từ khi là sinh viên trường ĐH Mỹ thuật tôi đã có những nghiên cứu nhỏ cho riêng mình và theo đuổi phi lập thể cho đến giờ .

Phi Lập Thể - có thể hiểu là vật thể lập phương ở dạng thức thủng hay xuyên thấu được phân chia hay mổ sẻ từ mảng đa dạng, đa chiều đến các dạng thức nhỏ hơn như dây và hạt vi mô… Từ đây sẽ thiết lập cấu trúc vật thể mới ở dạng “phi mảng” để tìm ra một cấu trúc vật thể mới trong không gian thị giác nhất định hay huyễn hoặc nào đó.

Tại sao anh lựa chọn hình thức Phi lập thể để thể hiện chân dung con người?

- Tôi chọn cách này chỉ vì tôi muốn đi sâu hơn vào nghiên cứu để mổ sẻ vật thể bằng vốn kiến thức bản năng và học thuật được rèn luyện và học tập tại trường Đại học Mỹ thuật. Với những dây màu, tôi vẽ cấu trúc vật thể (chân dung) mang đến tôi một sự giằng xé, mâu thuẫn và đan kết hòa quyện của dây đa sắc màu rối loạn…tạo nên một cấu trúc vật thể bất ngờ, mới mẻ.

Vẽ gì thì vẽ, việc lột tả được tính mới trong mỹ thuật là điều không hề dễ dàng.

Khi gặp một người giữa đời, trực giác của anh thường nhắn nhủ anh điều gì để anh muốn vẽ họ?

- Tôi ưu tiên cảm xúc.

Làm sao để thể hiện được tâm hồn họ phía sau những khuôn mặt thể lý? nhân vật của anh, họ là ai ngoài đời thực?

- Nói “thể hiện được tâm hồn của họ” là điều khó có thể xảy ra. Hội họa được cộng hưởng từ nhiều yếu tố khách quan hay chủ quan và trong đó có cả tâm hồn, xúc cảm của người họa sĩ. Với nhân vật thì bất kể ai… nếu sợi dây màu rung cảm được “vang” lên đúng nhịp thì duyên đã tới và tôi cứ vẽ thôi.

Anh đã từng chia sẻ rằng, anh đã phải trải qua một tuổi thơ cay nghiệt, gian truân, đầy thử thách nhưng từ đó, anh đã được rèn rũa bản thân?

- Với tôi năm tháng tuổi thơ của mình là những dây màu thú vị và đầy sắc màu… không gì thay thế được.

Hai năm tôi ở quê đầy gian khó. Má tôi lúc này đã vào Trung Tâm xã hội vì tôi và má không có nhà (Ngày xưa người ta gọi là Trại Tế Bần).
Năm ba tuổi, má dắt tôi bỏ xứ đến một nơi xa lạ và ở đó với bảy năm tuổi thơ không nhà cửa, ngủ bờ bụi, hầm cầu, công viên, chợ, ngủ ở trước hiên nhà và ngay trên bãi rác. Khi ấy tôi vẫn chưa đến với hội họa.

Bảy năm tôi cũng từng đi bôn ba khắp nơi kiếm sống với má, làm thuê đủ nghề, bán báo, bán trà đá, rửa chén, lau chùi quét dọn… Đôi lúc túng quẫn tôi cũng phải ăn xin và thậm chí trộm vặt đồ chơi và thức ăn chỉ để sống qua ngày. Những cuộc đánh nhau chỉ vì tranh địa bàn của những thằng nhỏ bụi đời như tôi cũng phải trả giá bằng máu, thương tích. Tất cả đều là sự thật và hội họa vẫn xa xỉ đối với tôi.

Năm tôi học lớp ba cũng được má gởi vào Trại trẻ mồ côi Hội An để được tiếp tục việc học của mình. Ở thành phố cổ thơ mộng này, tôi đã bắt đầu chập chững đi vẽ ngoài phố rồi đấy, chỉ là bắt chước các họa sĩ và anh chị sinh viên các trường Mỹ thuật thường đến Hội An vẽ với lòng say mê có từ lúc nào lâu lắm vậy. Thành phố bé nhỏ này làm thức tỉnh lòng đam mê hội họa của tôi với rất nhiều lần tôi lang thang ngoài phố để ký họa nhiều góc phố và con người nơi đây. Hội An rất đẹp!

Những ngày tháng ấy, tôi là một đứa trẻ năng động và phá phách. Bản tính nóng nảy và ham học hỏi nên tôi học cũng được và cũng tham gia vào rất nhiều lĩnh vực ngoài mỹ thuật như: Văn nghệ, thể thao và rất nhiều hoạt động xã hội khác. Lúc nhỏ tôi rất nghệ sĩ rồi (cười).

Tôi bắt đầu đến với hội họa từ chính con tim của mình. Như nhiều đứa trẻ khác lúc nhỏ ai trong chúng ta cũng thích vẽ. Tôi may mắn hơn là chính tôi đã xác định mục tiêu cuộc đời mình khi lớn lên tôi sẽ là ai và phải làm gì.

Cuối năm tôi học lớp sáu, tôi được hai người Mỹ hỗ trợ kinh phí để học vẽ tại một lớp vẽ của thầy Tú (lúc này chỉ có lớp học này dạy luyện thi Mỹ thuật và kiến trúc). Khi còn ở Trại mồ côi tôi có cả riêng một phòng vẽ và treo tranh khá lớn. Tôi cũng chỉ vẽ mà không bán cho bất cứ ai. Có mấy người nước ngoài cũng đã mua nhưng tôi chỉ tặng.

Có lẽ tôi rất có duyên với quê hương mình. Dù tôi được hai người Mỹ (từng tài trợ để học vẽ) xin tôi qua Mỹ theo học trường đào tạo mỹ thuật để có đủ điều kiện phát triển khả năng của mình. Tất cả hồ sơ của tôi đã xong nhưng cuối cùng vì sự kiện 11-9 tôi đã ở lại Việt Nam như chính duyên số.

Tôi vẫn quyết tâm theo đuổi mỹ thuật trong những ngày tháng khó khăn nhất.

Vì sao trong hoàn cảnh khó khăn như thế, anh vẫn nuôi dưỡng được tình yêu đối với con người, với cảnh vật để vẽ?

- Người xưa đã có câu “Cái khó ló cái khôn” tôi không khôn lắm nhưng tôi giải quyết những vấn đề khó… như thời gian,đi lại, học hành và kể cả tài chính nữa… một cách gọn gàng, nhẹ nhàng để có thời gian… mà trốn đi vẽ. Bản tính hay tò mò và ham tìm hiểu và Hội An đẹp vậy ai không mê ? Khi tâm hồn xao xuyến, ai cũng muốn vẽ.

Vẽ tranh chưa bán, chẳng nghĩ đến tiền, anh có quá “nghệ sĩ”?

- Tôi chưa muốn bán bây giờ. Nếu một nhà sưu tập nghệ thuật mua tranh tôi, tôi sẽ bán vì họ quảng bá và lưu giữ được tranh của mình. Tôi nghĩ đồng tiền dễ bẻ cong và làm biến dạng nhân cách. Tôi luôn hy vọng tôi và cố gắng giữ nhân cách của mình càng lâu càng tốt. Vì tôi còn sống có nghĩa tôi còn tương tác với thế giới này. Thế giới này phức tạp lắm mà tôi vẫn là con người mong giữ chút phẩm chất tốt còn lại của mình thôi.

Vậy anh đến với Hội họa rốt cuộc vì điều gì?

- Người ta nói đến vì đam mê không thôi vẫn chưa đủ. Tôi đến với hội họa lòng biết ơn của mình với cuộc đời này.

Xin cảm ơn anh!

“Phi Lập Thể - Chân dung 2016” - là triển lãm cá nhân lần thứ tư liên tiếp của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, vẫn với hình thức hội họa Phi Lập Thể do anh miệt mài nghiên cứu, theo đuổi từ khi còn học tại ĐH Mỹ thuật TP HCM. Ba lần sự kiện trước đó là: Triển lãm Phi Lập Thể - Đơn sắc (2011, tại ĐH Mỹ thuật TP HCM), Phi Lập Thể - Đa sắc (2012, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM), Phi Lập Thể - Phấn (2014, tại 36 Đinh Bộ Lĩnh, quận Phú Nhuận).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân: Tế bần, lang thang, mồ côi và tình yêu hội hoạ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO