Khắc họa hình ảnh nhà trí thức cách mạng Phan Đăng Lưu trên sân khấu cải lương

Hoàng Minh 05/01/2016 08:05

Ngày 4/1 tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL phối hợp Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tổ chức giới thiệu cải lương  “Hừng đông”.

Khắc họa hình ảnh nhà trí thức cách mạng Phan Đăng Lưu trên sân khấu cải lương

Poster vở diễn "Hừng đông".

Theo đó, vở cải lương “Hừng đông” do PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản văn học; chuyển thể cải lương: tác giả Hoàng Song Việt; đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên.

Vở diễn có 7 cảnh gồm: Quê nhà - Phan Đăng Lưu lúc đã là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà. Cảnh này nêu bật trí thông minh, bản lĩnh, hoài bão của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Cảnh 2 Vinh, Nghệ An: nhà cách mạng Phan Đăng Lưu từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng. Cảnh 3 Huế: Hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu ở Huế; Cảnh 4: nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong nhà tù Buôn Ma Thuột (1929-1936). Cảnh 5: nhà cách mạng Phan Đăng Lưu chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939); Cảnh 6: Nam Kỳ sục sôi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa; Cảnh 7: Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng: Phan Đăng Lưu ra Bắc, dự Hội nghị tái lập BCH Trung ương Đảng, xin chủ trương đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Và cảnh kết- Hừng đông: ông Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng, kẻ thù đàn áp hết sức dã man, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản vở “Hừng đông” chia sẻ: lý do ông chọn tái hiện lại hình ảnh của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bởi đây là một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta, đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, đoàn kết, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học...

Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, ông tham gia Hội Phục Việt, rồi trở thành đảng viên Đảng Tân Việt, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937-1940).

Phan Đăng Lưu - người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thán vì nghĩa lớn; ông còn nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu; tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo…

Vở diễn sẽ có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trong đó, NS Quang Khải sẽ vào vai Phan Đăng Lưu, NS Thu Hiền vào vai Nguyễn Thị Danh, NS Như Quỳnh vào vai Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai)... “Hừng đông” sẽ được công diễn vào các ngày 7, 8, 9/1 tại Nhà hát Hồng Hà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc họa hình ảnh nhà trí thức cách mạng Phan Đăng Lưu trên sân khấu cải lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO