Khi kịch bản điện ảnh nhập khẩu

Minh Quân 20/05/2017 10:30

Sau thành công của các phim “49 ngày”, “Em là bà nội của anh”, “Bạn gái tôi là sếp”… được mua bản quyền của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đạt doanh thu lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, đoàn làm phim “Em chưa 18”- sự kết hợp của nhiều dòng phim nước ngoài, vừa chiếu đã công bố doanh thu khủng.

Bộ phim “Em chưa 18” có được doanh thu khủng nhờ kịch bản có phong cách nước ngoài.

Theo khẳng định của đại diện đoàn làm phim, kịch bản “Em chưa 18” hoàn toàn là sản phẩm 100 % Việt Nam, nhưng chỉ ít ngày công chiếu khán giả đã dễ dàng nhận ra phim là sự kết hợp của rất nhiều dòng phim nước ngoài đang thịnh hành.

Đó là một chút ngôn tình của điện ảnh Trung Quốc, một chút theo phong thái phim ca nhạc của phim Mỹ và một cách làm quen thuộc của dòng phim Hàn Quốc.

Tuy nhiên, thật khó thể đổ lỗi cho các nhà sản xuất bởi ngoài thị hiếu thì thực tế các kịch bản điện ảnh “thuần Việt” hiện nay đã cũ.

Đơn cử, sau bộ phim “Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; “Hay thứ lỗi cho em”, “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, gần như chưa có bộ phim nào ở dòng phim lịch sử của Việt Nam khi ra rạp đáp ứng đủ hai yêu cầu doanh thu và khán giả.

Thậm chí, sau thành công của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, gần như 2 năm nay điện ảnh Việt Nam chưa có thêm nào một tác phẩm mới xuất sắc.

Có một thực tế là các bộ phim nhập khẩu kịch bản của nước ngoài đang mang lại cho các đoàn làm phim doanh thu khổng lồ. Nhà biên kịch Châu Thổ phân tích: Khán giả xem phim ngày nay tập trung hơn vào yếu tố kịch bản.

Tuy nhiên, nhiều hãng phim khi kịch bản được trao vào tay đạo diễn là coi như vai trò của biên kịch đã chấm dứt. Biên kịch chỉ được trả một khoản thù lao nào đó có ghi trong hợp đồng. Thậm chí, nhiều nhà biên kịch không thể biết các đơn vị sản xuất đang sử dụng ra sao đứa con tinh thần của mình.

Theo nhà biên kịch Đỗ Thanh Hương: Phim từ kịch bản nước ngoài làm “thui chột” khả năng sáng tạo của biên kịch Việt. Nó cũng làm suy giảm nét đẹp văn hóa Việt trên màn ảnh rộng.

Ngoài ra, không ít người trong giới lo ngại trào lưu phim Việt hóa phát triển không phải là điều tốt vì phiên bản luôn đi sau phim gốc một vài năm. Nếu văn hóa thuần Việt không được lan tỏa mà chỉ toàn văn hóa ngoại lai sẽ ảnh hưởng thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người cho rằng thị trường điện ảnh Việt đang phát triển, theo quy luật trào lưu nào cũng có lên, có xuống. Khi thấy dòng phim này được đón nhận, nhà đầu tư sẽ lao vào kinh doanh nhưng đến lúc khán giả bội thực thì họ sẽ chuyển hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi kịch bản điện ảnh nhập khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO