Khi mẹ viết về con

Đoàn Lê Quỳnh Trân 16/07/2017 10:30

Những cuốn sách mà nhân vật được “bê nguyên” từ một cô bé, cậu bé dễ thương với những trò nghịch ngợm... Cũng có khi sách kể về hành trình đạt tới thành công vượt bậc của bạn học sinh mà nhiều người ngưỡng mộ. Lấy cảm hứng từ con để các ông bố bà mẹ viết nên những cuốn sách đang trở thành xu hướng cho những xuất bản phẩm hiện đại.

Một số tựa sách viết cho con, về con được xuất bản gần đây.

1. Có ý kiến “than thở” rằng “văn học thiếu nhi còn yếu và ở… chiếu dưới”, thậm chí có nhiều cuộc vận động, kêu gọi các nhà văn viết sách cho thiếu nhi. Điều đó có vẻ như thiết thực, hiệu quả. Bằng chứng cho thấy gần đây sách thiếu nhi Việt khá đa dạng, không chỉ có những tác phẩm văn học hấp dẫn mà còn thêm mảng sách mang tính trải nghiệm, “truyền cảm hứng” và kinh nghiệm sống.

Cách đây mấy năm số phận và hành trình đi tìm sự sống, sự yêu thương trong vòng tay gia đình của cậu bé Thiện Nhân được dư luận hết sức quan tâm. Bây giờ “chú lính chì dũng cảm” đã có một gia đình, có cả quỹ từ thiện mang tên mình để hỗ trợ cho những bạn nhỏ không may như mình. Hành trình đầy nước mắt đó đã được chị Trần Mai Anh- mẹ nuôi của bé viết lại trong cuốn “Hành trình yêu thương- Nhật kí Thiện Nhân” ra mắt gần đây một lần nữa khiến bạn đọc xúc động.

Bản thân câu chuyện về Thiện Nhân đã là cả một kì tích nhưng khi được kể lại bằng trái tim của người mẹ thì câu chuyện ấy càng trở nên chan chứa nỗi niềm hơn bao giờ hết. Chị Trần Mai Anh là một nhà báo, hàng ngày làm việc với con chữ. Tuy vậy, có lẽ tình yêu thương mới là điều làm nên sức hấp dẫn của cuốn sách này.

Trong khi đó, cuốn “Bụng Phệ nhanh chân” của dịch giả- nhà báo Nguyễn Lệ Chi lại là những mẩu chuyện hết sức ngộ nghĩnh được mẹ kể lại từ chính đứa con mình. Cuốn “Con nghĩ đi mẹ không biết” cũng được nhà báo Thu Hà- mẹ bé Xu, Sim kể lại hành trình “đánh vật” để làm mẹ đầy gian khổ nhưng nhìn lại thì thực sự rất đáng hạnh phúc, tự hào.

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, vốn là giảng viên Đại học, cũng trở thành tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, được nhiều bà mẹ đón đọc khi viết các cuốn sách “Dưới sao mẹ kể con nghe”, “Yêu thương mẹ kể”… hay những cuốn sách về nuôi dạy cậu bé Đỗ Nhật Nam nổi danh từ khi còn nhỏ.

Chị Uyên Bùi - mẹ bé Ong với cuốn “Để con được ốm” (viết chung với bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn) đã trở thành “kim chỉ nam” cho nhiều bà mẹ khi nuôi con nhỏ. Bên cạnh đó có thể kể đến “Nhím ơi, ngủ ngoan” (Lê Anh Nguyên), “Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui” (Ngô Thị Phú Bình), “Con trai, mẹ vắng nhà” (Lê Thúy Hà)…

2. Một trong những cuốn sách bán đến 2 vạn bản trong thời gian qua là “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu. Lã Hồ Thị Minh Khuê- con gái chị Hải Âu, là trường hợp duy nhất được học bổng trị giá 320.000 USD của Havard (2014 -2018).

Trước đó, có những nhà văn vốn được mệnh danh là chuyên viết tiểu thuyết như Nguyễn Đình Tú cũng quay ra viết sách cho thiếu nhi. Chẳng những thế, sách thiếu nhi còn trở thành mảng sáng tác quan trọng của anh. Số là bắt nguồn từ cô con gái của anh với những câu chuyện kể ở lớp học hấp dẫn quá, Nguyễn Đình Tú quyết định viết cuốn “Ba nàng lính ngự lâm”. Tiếp đó đến là “Thế gian màu gì” và được đà, “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” ra đời.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy không chỉ nặng lòng với những trang viết về vùng cao mà còn gây ấn tượng với tập sách thiếu nhi “Em Béo và hội Cầu vồng” lấy cảm hứng từ cô con gái- đồng thời là một nhân vật trong truyện. Nhà văn Phong Điệp cũng có seri sách “Nhật kí Sẻ Đồng” lấy cảm hứng từ hai con gái của mình ra mắt được độc giả đón nhận…

Đáng chú ý, đạo diễn Trần Lực năm ngoái cũng cho xuất bản cuốn sách đầu tay “Chuyện nhà Bông Bờm Bách” với những mẩu chuyện thường ngày rất vui được dệt lên từ những đứa con của anh…

Nếu gọi những đứa con đẻ là “tác phẩm lớn” của mỗi nhà văn thì những đứa “con tinh thần” được lấy cảm hứng từ con cái chính là những tác phẩm từ tác phẩm lớn của nhà văn vậy.

3. Khi nuôi con, mỗi ông bố bà mẹ đều trở thành bác sĩ, thành nhà giáo, thành trẻ con, vào bất cứ vai trò gì mà con họ cần. Vì thế, viết một cuốn sách, trở thành “nhà văn” cũng là một trong rất nhiều “hóa thân” mà một số ông bố, bà mẹ thời hiện đại thực hiện. Dù bản thân những người viết sách không có tham vọng trở thành nhà văn thì mỗi tác phẩm ra đời cũng chứng tỏ một tình yêu lớn của bố mẹ với con.

Dịch giả Lệ Chi cho rằng, “việc viết lại những câu chuyện về con mình là việc làm diễn ra tự nhiên hàng ngày, nên không cần gì phải chuẩn bị tâm thế để viết lách cả. Tôi chỉ muốn ghi lại những câu chuyện, lời nói của con trẻ và cách nhìn nhận, ứng xử của mình hoặc của những người lớn khác tại thời điểm đó, để từ đó khi có thời gian đọc lại, mình sẽ thêm hiểu con hơn, và con sau này đọc lại cũng gợi nhớ lại những quãng thời gian thơ ấu tươi đẹp và sinh động”.

Quá trình viết sách cũng như là thai nghén, từ việc hình thành ý tưởng đến tìm cách thể hiện, “ôn lại” những chi tiết, những hành trình, những câu chuyện của chính con mình từ bé đến lúc ấy. Điều đó khiến cha mẹ như được gần con hơn, được nhớ lại cả những lúc vất vả khó khăn hay hạnh phúc ngập tràn mà con cái mang lại.

Điều quan trọng nhất, họ được đằm sâu hơn, lắng lại những phút giây quý giá bên con mà nhiều khi cuộc sống mưu sinh vội vã cuốn họ đi cũng như thời gian cuốn tuổi thơ của con đi chẳng có cách nào giữ lại được. Viết sách để lưu giữ lại tuổi thơ và kí ức của con, về con, đó là hạnh phúc chẳng gì có thể sánh bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi mẹ viết về con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO