Khi người trẻ trải nghiệm làm nghị sĩ: Không phải chỉ là sân chơi

Uyên Nguyễn 08/04/2019 08:00

Một nhóm các bạn trẻ đã xây dựng, triển khai dự án Diễn đàn Mô phỏng nghị viện trẻ (Viet Nam Youth Parliament - VNYP) với sự tham gia của khoảng 120 sinh viên, chia thành 8 ủy ban chuyên trách, thảo luận các vấn đề chính như văn hóa, giáo dục, môi trường, kinh tế, pháp luật, đối ngoại, khoa học-công nghệ và y tế. Trải nghiệm cho thấy những vấn đề đặt ra khá nghiêm túc, không đơn thuần là sân chơi của những người trẻ tuổi.

Khi người trẻ trải nghiệm làm nghị sĩ: Không phải chỉ là sân chơi

Diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ (Viet Nam Youth Parliament - VNYP).

Giá trị cốt lõi của dự án gồm 4 điểm: Sự tự tin tạo ra khác biệt; tăng cường trách nhiệm xã hội cho giới trẻ; tạo cơ hội bình đẳng, đa dạng văn hóa trong các thành viên; tạo môi trường năng động, thân thiện, phát huy tối đa các sáng kiến.

Trong khoảng thời gian kéo dài 6 tháng, các “nghị sĩ trẻ” đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về Quốc hội Việt Nam, tìm hiểu quyền và trách nhiệm của bản thân trong việc đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật pháp và chính sách của đất nước. Ðồng thời, trực tiếp tham gia thảo luận những vấn đề đang quan tâm với các cố vấn cao cấp đến từ nhiều lĩnh vực; được trang bị các kỹ năng cần thiết như phân tích chính sách, kỹ năng thuyết trình, tranh luận… Bên cạnh các buổi tập huấn chuyên đề Quốc hội, tập huấn kỹ năng, hoạt động ngoại khóa và tọa đàm chuyên sâu, VNYP còn có một điểm nhấn đáng chú ý, đó là phiên họp toàn thể - hoạt động khép lại dự án. Tại đây, 120 “nghị sĩ trẻ” sẽ cùng thảo luận, phản biện về các vấn đề chính sách quan trọng của đất nước nói chung và giới trẻ nói riêng.

Các “nghị sĩ trẻ” của VNYP đã được đóng vai những đại biểu Quốc hội thực thụ để tham gia thảo luận và tranh biện trong các phiên họp và tọa đàm mô phỏng, cũng như nhận được hỗ trợ về tài chính để thực hiện các dự án nhằm giải quyết vấn đề thu mà ủy ban mình đặt ra.

Trong các phiên họp toàn thể, các ủy ban đã đưa ra bàn luận những vấn đề nóng, cấp thiết của xã hội đồng thời đưa ra những giải pháp cho từng vấn đề. Đáng chú ý hơn cả là đề án của ủy ban văn hoá đưa ra nhằm tăng cường sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Đề án gồm 3 nhóm giải pháp chính gồm: Nâng cao năng lực, trình độ cộng đồng địa phương; Tăng cường cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và các bên liên quan; Quy hoạch, quản lý có hiệu quả. Trong đó, đề án quan tâm đến vai trò của các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư bản địa thông qua việc tham vấn chính quyền, tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh,… Ủy ban cũng kiến nghị xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử chung cho du lịch cộng đồng.

Thế hệ trẻ Việt Nam chưa bao giờ thiếu những người dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến cho mục tiêu chung. VNYP là nơi có thể chắp cánh cho những người trẻ như vậy. 120 bạn trẻ trong vai trò các “nghị sĩ” sẽ trở thành những hạt nhân tích cực, kết nối các hoạt động của Nhà nước với những vấn đề thực tiễn của cuộc sống và cả các vấn đề giới trẻ quan tâm hiện nay. Song hành cùng với đó, Nhà nước cũng cần tiếp tục ra và hoàn thiện các dự luật để làm sao định hướng cho lớp trẻ năng động, sáng tạo, khát vọng và trách nhiệm với đất nước là cần thiết. Đi vào trọng tâm các vấn đề hiện nay mà thanh niên mong muốn. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Và quan trọng, phải khơi dậy lòng yêu nước đối với thanh niên hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người trẻ trải nghiệm làm nghị sĩ: Không phải chỉ là sân chơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO