Không được phá Yên Tử

Từ Khôi 01/11/2015 08:20

Những ngày này, dư luận hết sức quan tâm trước việc làm cố ý xây dựng không phép nhà văn hóa tại khu vực bảo vệ 1, di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử của Công ty CP phát triển Tùng Lâm. Trách nhiệm của cơ quan quản lý và cấp chính quyền có thẩm quyền liên quan ở đâu khi để cho việc vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra. 

Dù đã có lệnh dừng thi công, nhưng nhà văn hóa Cty vẫn tiến hành xây dựng.

Diễn biến vi phạm

Ngày 2/10, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm gửi báo cáo đến UBND TP Uông Bí đề xuất được sửa chữa Nhà văn hóa truyền thống tại khu vực cáp treo di tích Yên Tử.

Báo cáo nêu nguyên nhân sửa chữa: Sau hơn 14 năm đưa vào sử dụng, Nhà văn hóa truyền thống (khoảng 60m2) đang xuống cấp với việc tường bị nứt, mái dột gây nguy hiểm cho các hoạt động văn hóa của cán bộ, nhân viên công ty và không đảm bảo mỹ quan. Và theo đó, việc sửa chữa sẽ bao gồm dỡ bỏ toàn bộ Nhà văn hóa truyền thống, thay vào đó sẽ xây lại các cột trụ và mái vòm trên cơ sở quy chuẩn được thiết kế trong Khu nhà ga 1 đã xây dựng từ trước.

Ngày 5/10, UBND TP Uông Bí đã có công văn số 2082/UBND-QLĐT trả lời: Yêu cầu Cty CP Phát triển Tùng Lâm phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xin phép sửa chữa theo đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, dù chưa có ý kiến hay văn bản đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này vẫn tháo dỡ công trình cũ và tiến hành dựng cột bê tông để xây dựng công trình mới với diện tích 260m2 - tức là rộng gần gấp 5 lần kiến trúc cũ.

Việc làm tùy tiện, coi thường di sản của Cty này không phải đến bây giờ mới có. Ngay từ khi được phép đầu tư khai thác phục vụ du lịch tại di tích Yên Tử năm 2002, Công ty đã xây dựng điểm thờ Tam tổ Trúc Lâm nằm trong tổng thể công trình ga cáp treo 1 này. Đó là công trình tín ngưỡng mới không phải là di tích gốc của Yên Tử, hơn nữa lại nằm trong khu vực bảo vệ 1 của di tích.

Trả lời báo chí, ông Lê Trọng Thanh- Phó Giám đốc Cty CP Phát triển Tùng Lâm lại hồn nhiên cho rằng: “Công trình vẫn được xây dựng trên vị trí cũ, kiến trúc vẫn như trước với mái cong truyền thống. Dư luận phải hiểu rõ, đây là nhà ga dịch vụ, nhiều thông tin cho rằng, công trình nhà văn hóa truyền thống là chùa ga, chúng tôi khẳng định không phải là chùa ga mà chỉ là điểm văn hóa sinh hoạt nội bộ Cty trong khuôn viên nhà ga. Vào mùa hội Cty có 300 người rất là đông. Đây là điểm sinh hoạt văn hóa của Cty. Hơn nữa, vị trí công trình này nằm trên phần diện tích được giao, có sổ đỏ, không xâm phạm ngoài diện tích mình được giao. Đây thực tế không phải là điểm di tích. Đây là công trình công cộng phục vụ cán bộ nhân viên và du khách che nắng che mưa cho an toàn”.

Ông Thanh cũng cho rằng, phải vừa làm vừa xin phép thì mới kịp mùa lễ hội Tết sắp tới.

Cầu đá suối Giải Oan tồn tại đến nay, chính quyền đang kiểm tra giấy phép.

Di sản cần được bảo vệ đúng luật

Cty CP Phát triển Tùng Lâm ngay khi vừa thành lập năm 2001 đã “may mắn” ký được hợp đồng với UBND tỉnh Quảng Ninh để xây dựng tổng thể công trình ga cáp treo khai thác du lịch tại Yên Tử. Còn nhớ, thời điểm 2002 khi công trình cáp treo bắt đầu được xây dựng đã vấp phải luồng ý kiến phản đối mạnh mẽ.

Bởi lẽ, công trình cáp treo nằm trọn trong khu vực bảo vệ 1 của di tích. Căn cứ theo điểm a, khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hóa (có hiệu lực từ 1/1/2012) thì: “Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng”. Tuy nhiên, để việc xây dựng cáp treo được tiến hành, UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Văn hóa - Thông tin (thời điểm chưa nhập Bộ) đã có các văn bản chấp thuận cho Cty CP Phát triển Tùng Lâm được phép xây dựng.

Mấy năm gần đây, Cty CP Phát triển Tùng Lâm lại liên tiếp có những vi phạm trong việc xây dựng, làm mới di tích. Thống kê của Sở VHTTDL Quảng Ninh cuối năm 2009, Cty này đã tiến hành xây dựng tới 9 điểm thi công ở Yên Tử mà không hề được cấp phép. Ví như: Kè đá, dựng cầu ở Suối Giải Oan.

Phía Cty giải thích việc dựng kiốt, cầu, kè đá để khu vực này đỡ lụp xụp hơn, phục vụ khách tham quan thuận lợi hơn. Trong khi Cty cho biết đã xin phép địa phương thì Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí khi đó khẳng định, chỉ cho phép Cty dựng tay vịn tại các khúc cua nguy hiểm. UBND thị xã Uông Bí cũng đã có yêu cầu hoàn trả nguyên trạng nhưng hiện cầu đá này vẫn còn.

Trở lại vụ việc vừa vi phạm, nếu công trình xây dựng của Cty CP Phát triển Tùng Lâm đưa vào sử dụng chưa đầy 14 năm đã xuống cấp đến mức báo động, chứng tỏ việc xây dựng và thi công công trình rất cẩu thả.

Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên vào cuộc kiểm tra tất cả các công trình trên di tích Yên Tử của công ty CP Phát triển Tùng Lâm. Còn nếu việc phá dỡ công trình kiến trúc cũ để làm mới mà cho rằng đó là thuộc quyền của Cty vì đã “có sổ đỏ” rồi thì chứng tỏ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật di sản của lãnh đạo Cty rất hạn chế.

Vườn tháp tổ Huệ Quang, nhiều tháp được xây mới trông rất lạ mắt.

Khoản 3 Điều 13 Luật Di sản văn hóa quy định các hành vi nghiêm cấm: “Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Điểm b, khoản 1 Điều 4 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cũng quy định rõ những hành vi làm sai lệch di tích: “Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”.

Vì vậy, việc tự ý phá đi rồi xây dựng một kiến trúc khác trên di tích mà chưa có giấy phép là hành vi vi phạm. Việc xây dựng kiến trúc mới trên khu vực bảo vệ 1 của di tích còn nghiêm ngặt hơn.

Khoản 3 Điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”.

Vì sao giữa chốn linh thiêng như Yên Tử, lại có một điểm thờ tự dành riêng cho cán bộ, nhân viên của một công ty, lại có cả hòm công đức? Vấn đề này không phải các cơ quan quản lý không biết, nhưng vì sao vẫn cố tình làm ngơ? Sự làm ngơ đó dẫn tới hậu quả hôm nay.

Trà Vân

Vậy trong trường hợp này, việc xây dựng mới kiến trúc cũ phải được sự đồng ý bằng văn bản của ai? Căn cứ theo Khoản 1 Điều 30 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa thì: “Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới”.

Do đó, nếu muốn xây dựng công trình kiến trúc mới thì Cty CP Phát triển Tùng Lâm phải có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Tất nhiên, việc xây dựng các công trình trong khu vực 1 này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Trước sự việc vi phạm của Cty CP Phát triển Tùng Lâm, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 6404/UBND- VX1 do Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh- bà Nguyễn Thị Kim Phượng ký ngày 23/10 yêu cầu UBND TP Uông Bí chủ trì phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan xác minh cụ thể những nội dung báo chí phản ánh về việc xâm hại di tích Yên Tử và xử lý nghiêm những vi phạm, đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/11.

Sự việc vi phạm xây dựng trái phép của Cty CP Phát triển Tùng Lâm đã rõ ràng. Nhưng liệu rằng việc vi phạm này có bị xử lý triệt để hay cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền lại “nể” và xử lý theo kiểu “phạt rồi cấp giấy cho tiếp tục xây dựng” như bấy lâu nay vẫn làm ở khu di tích Yên Tử?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không được phá Yên Tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO