Không phải sách của dự án?

Đơn Thương 09/09/2015 09:30

Theo lý giải của ông Huy Phó Giám đốc văn phòng Dự án công bố phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam, cần hiểu là: Ngoài sách dự án, hàng năm Hội VNDG VN thường trích kinh phí của hội viên để in sách cho các hội viên.Tuy nhiên ở đây có sự nhầm lẫn là hai loại sách ( sách dự án và sách của hội viên) lẽ ra phải có 2 giấy phép xuất bản khác nhau chứ không thể chung được.

Không phải sách của dự án?

Chỉ trong 2 dòng mà tên đã không thống nhất.

Báo Đại Đoàn Kết từng đề cập tới câu chuyện Dự án sách hàng trăm tỉ - làm cẩu thả vì tiêu tiền ngân sách. Đó chính là Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam (2008-2017) được Chính phủ phê duyệt có tổng kinh phí đầu tư 240 tỉ đồng. Trong đó mục tiêu của dự án được khẳng định rõ: “Giúp các thế hệ sau hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của các dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện cho các dân tộc, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, một đất nước có nền văn hóa đa dạng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên toàn thế giới”. Những cuốn sách sai sót bị phát hiện vừa qua là sách in ấn và phát hành năm 2012 (nằm trong giai đoạn 1 của dự án- với mức đầu tư khoảng 90 tỉ đồng).

Theo Quyết định phê duyệt Dự án nói trên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNGD VN) là đơn vị được giao là đầu mối thực hiện Dự án. Trong cuốn sách mang tên “So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình của người Việt dưới góc nhìn ngôn ngữ văn hóa học” (tác giả Hoàng Kim Ngọc) có sự nhập nhằng khi bên ngoài ghi là của NXB Lao động, nhưng ở gáy sách lại gắn logo của NXB Văn hóa - Thông tin.

Những lỗi in ấn cẩu thả khác được nhặt ra như sự nhầm lẫn về chính tả, morat. Ví dụ trang xi nhê cuốn “Văn học dân gian Ê Đê, Mơ Nông” có ghi thông số nộp lưu chiểu vào “quý II năm 20121”. Tương tự như vậy, cuốn “Lịch sử và nghệ thuật ca trù” cũng có sự nhập nhằng thương hiệu giữa 2 NXB nói trên.

Hoặc như cuốn: Một nhận thức về văn học dân gian Việt Nam, tác giả Nguyễn Xuân Kính, ngoài bìa đề NXB ĐHQG Hà Nội, giấy phép xuất bản 281 LK – XH/QĐXB – NXB ĐHQG, in xong nộp lưu chiểu đều vào Quý IV năm 2012 nhưng lại do… 2 nơi thực hiện in ấn. Một cuốn do Cty CP Đầu tư & TM Bình Tây in còn một cuốn khác lại do Cty TNHH SX&TM Hưng Hà.

Có thể coi lỗi và “sạn” là những “đặc sản” mà nhiều đầu sách trong dự án này gặp phải. Chẳng hạn như tên Mỵ Châu được viết theo hai cách: Mỵ Châu và Mị Châu. Tác giả cuốn “Đại Nam quốc sử diễn ca” là Phạm Đình Toái viết sai tên thành Phạm Đình Thái - tên một GS Sinh vật học thế kỷ 20, Lê Ngô Cát thành Lê Ngũ Cát...

Mới đây, để rõ thêm về những lỗi, những “sạn” của một dự án được đầu tư từ tiền ngân sách Nhà nước này, chúng tôi đã liên hệ với ông Dương Quốc Huy - Phó Giám đốc văn phòng Dự án công bố phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam.

Theo ông Huy, những vấn đề đặt ra, “tiếng” đã tới Hội VNGD VN từ nhiều thời gian trước. Về việc cùng một loại sách, bìa lại khác nhau, được hợp đồng bởi một nhà xuất bản nhưng do hai nhà in thực hiện cần phải hiểu bằng 2 nghĩa: Sách của dự án và sách của hội viên.

Theo lý giải của ông Huy, cần hiểu là: Ngoài sách dự án, hàng năm Hội VNDG VN thường trích kinh phí của hội viên để in sách cho các hội viên. Vì nhiều đầu sách của dự án thấy có giá trị và ý nghĩa nên Hội VNDG VN đã sử dụng để in lại và tặng hội viên. Tuy nhiên ở đây có sự nhầm lẫn đáng tiếc là hai loại sách ( sách dự án và sách của hội viên) lẽ ra phải có 2 giấy phép xuất bản khác nhau chứ không thể chung được. Nhưng do sơ suất từ phía các nhà in nên họ đã dùng… 1 giấy phép để in 2 đầu sách cùng nội dung.

Để khắc phục vấn đề này, theo ông Huy, khi nhận được phản ánh, văn phòng dự án sách đã sử dụng hình thức… in đính chính và phát hành cho các đơn vị thụ hưởng. Còn về việc không đồng nhất trong sử dụng tên các nhân vật và các lỗi mo-rát, thì đây là sản phẩm của các tác giả mà phía văn phòng dự án không có quyền can thiệp vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phải sách của dự án?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO