Kịch bản sân khấu: Đang dụng 'danh' hơn dụng 'chất'

Hoàng Minh (thực hiện) 25/02/2016 00:46

Từng làm công tác quản lý văn hóa và là cái tên quen thuộc của giới sân khấu, nhà viết kịch Chu Thơm được đồng nghiệp đánh giá là người hay lý sự với những trăn trở, đau đáu với nghệ thuật sân khấu, trong đó có sân khấu truyền thống. Phóng viên ĐĐK đã có cuộc trao đổi với nhà viết kịch Chu Thơm.

Kịch bản sân khấu: Đang dụng 'danh' hơn dụng 'chất'

Nhà viết kịch Chu Thơm.

PV: Thưa ông, ông đánh giá sao về chất lượng kịch bản sân khấu truyền thống hiện nay?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Tôi xin thẳng thắn nói rằng hiện nay nhiều bạn trẻ theo học các chuyên ngành viết kịch bản đang vướng vào một quan niệm là ở thể loại sân khấu truyền thống là một món “khó nhằn”. Từ đó dẫn đến nhiều bạn trẻ dù được đào tạo bài bản đã bỏ qua lĩnh vực này. Theo tôi bên cạnh việc các nhà viết kịch trẻ…lười, còn có một nguyên do là đa phần các nhà hát hiện nay là thường lấy tác phẩm của các tác giả có tên tuổi để dựng vở. Các tác giả trẻ gần như ít có cơ hội được đưa tác phẩm của mình được dàn dựng trên sân khấu. Có thể nói, kịch bản sân khấu hiện nay đang dụng “danh” hơn dụng “chất”.

Tôi xin lấy ví dụ từ bản thân, năm 2015 có hai hội diễn quy mô toàn quốc là Tuồng và Chèo thì đã có dăm đơn vị đến tìm tôi đặt hàng. Nhưng thú thực sức như tôi một năm cố lắm cũng chỉ viết được 1,2 vở. Trong khi nhiều người rất giỏi lại ít được các đơn vị quan tâm. Tôi cũng động viên nhiều cây bút trẻ viết song khi họ hoàn thiện kịch bản không nhà hát nào chịu dựng, để rồi dù hay đến mấy đến giờ đó cũng chỉ là một tập bản thảo mà thôi.

Thưa ông, được biết, giá một kịch bản sân khấu hiên nay không phải là rẻ (trên dưới trăm triệu đồng). Điều này đồng nghĩa với việc nếu sáng tác khỏe, lại có đất dụng thì người viết kịch bản hoàn toàn sống được bằng nghề?

-Mới đây tôi có “tặng” cho các lớp diễn viên sân khấu điện ảnh K13 - Khoa Sân khấu, điện ảnh, múa, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội kịch bản “Bóng Sâm cầm” để các em diễn tốt nghiệp. Trong vở diễn có lời bạt “Có tiền ta mua được tất cả, mua được sắc đẹp nhưng không mua được tình yêu.” Ở đây, với tôi mọi chuyện luôn bắt đầu từ chữ tình, món nợ tình là món nợ lớn. Phải nói thật là một kịch bản của tôi hiện nay do các nhà hát trả thường giao động giá trên dưới trăm triệu đồng. Còn nếu đặt hàng thì vào khoảng gần 150 triệu. Mới đây, tôi có làm hợp đồng với Nhà hát Tuồng Việt Nam kịch bản vở “Ao làng” giá 120 triệu. Nhưng nếu đến một trường đào tạo nghệ thuật mà nói chuyện tiền nong thì vô cùng.

Kịch bản sân khấu: Đang dụng 'danh' hơn dụng 'chất' - 1

Sân khấu truyền thống vẫn phải tìm khán giả (Ảnh minh họa).

Theo tôi, một vở diễn được lên sàn diễn là một hạnh phúc với người viết kịch bản, chứ nếu không thì nó vẫn chỉ ở trong ngăn kéo. Hiện vẫn còn nhiều tác giả có tâm, sẵn sàng cho tác phẩm của mình nhằm phục vụ công tác đào tạo.

Mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã rất thành công với việc làm “mới” các tác phẩm để thu hút khán giả đến với sân khấu. Điều này chứng tỏ sân khấu truyền thống khi được hiện đại hóa vẫn có sức hút mạnh mẽ. Vậy từ thực trạng lâu nay, theo ông sân khấu truyền thống hiện đang yếu và thiếu ở những mặt nào?

- Nếu như ở nước ngoài các bộ môn nghệ thuật hàn lâm người ta luôn biết biến các âm hưởng nhạc cổ điển, truyền thống thành các món ăn mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, thì ở Việt Nam nghệ thuật cải lương hiện nay vẫn hay diễn theo một lối cũ “ề à” làm khán giả xem rất mệt. Như mới đây vở “Ao làng” viết cho Nhà hát Tuồng Việt Nam, tôi đã phải thay đổi nhiều để tiết tấu đổi nhanh hơn, mang nhiều “hơi thở” mới. Còn bây giờ mà cứ viết theo các trình thức cũ thì vở diễn vẫn theo những lối mòn xưa.

Hiện cũng có nhiều đạo diễn đã đưa các trình thức mới vào biểu diễn các bộ môn sân khấu truyền thống. Như đạo diễn Trần Quang Hùng đưa video vào trong cải lương. Nhưng những yếu tố này vẫn chỉ là “khách” thôi, chủ yếu vẫn là nội dung kịch bản.

Ngoài ra, để sân khấu truyền thống thu hút được khán giả thì điều đầu tiên phải nghĩ ai sẽ đến nhà hát. Không phải cứ mãi tập trung vào những khán giả lớn tuổi. Bởi thực thế hiện nay những đối tượng khán giả này cũng đã lựa chọn ở nhà xem truyền hình hơn là cất công đến rạp. Thực tế hiện nay các đơn vị nghệ thuật phải cách lôi kéo được lớp trẻ đến với sân khấu. Còn không kéo được khán giả trẻ đến với sân khấu thì dù tác phẩm có hay đến mấy cũng đều thất bại. Chiếm lĩnh được được giới trẻ là chiếm lĩnh được sân khấu. Như sân khấu 125 Cống Quỳnh (TP.HCM) dù nằm trong một góc khuất nhưng lúc nào cũng thu hút được đông đảo khán giả. Họ có nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mại thậm chí bốc thăm trúng thưởng để hút khán giả. Trong khi, nhiều đơn vị nghệ thuật nhà nước thì cứ bình bình, làm theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kịch bản sân khấu: Đang dụng 'danh' hơn dụng 'chất'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO