Lê Cát Trọng Lý: Âm nhạc ở khắp mọi nơi

Việt Quỳnh 24/09/2016 19:10

Sau 5 năm không còn nhiều cơ hội để được làm chương trình âm nhạc cá nhân tại Sài Gòn, tháng Chín này, Lê Cát Trọng Lý đã trở lại, cùng 11 nhạc công, hát và chơi với nhạc cụ cổ điển. Cũng như các chương trình trước đây, vé tiếp tục được bán hết trước khi hai đêm nhạc diễn ra gần một tháng.

Cũng lâu lắm rồi, sau đêm nhạc tự hát tặng mình nhân tuổi 25 năm 2012 tại Hà Nội, Lý chìm vào yên tĩnh lặng im, ít khi xuất hiện trên báo chí, cũng không còn thấy giao du nhiều với bạn bè. Đôi khi “gặp” Lý trên trang Face Page, hoặc qua điện thoại, thì thi thoảng mới trò chuyện được, vài câu hỏi thăm nhẹ như gió, chất giọng Đà Nẵng ngày một mềm hơn.

Bốn năm qua, muốn nghe Lý hát, thường không dễ dàng. Lý ưa di chuyển, lại thích chọn không gian nho nhỏ, có khi chỉ vài chục người có thể đến nghe. Đêm nhạc của Lý ở Trung tâm văn hoá Pháp Hà Nội, chật kín cả ba lối đi, người nghe phải ngồi bệt xuống sàn hay dựa lưng vào tường phía cuối khán phòng. Gần đây nhất, vào giữa tháng Tám, là đêm nhạc tại Phòng hoà nhạc tại Học viện âm nhạc quốc gia Hà Nội.

Khán giả yêu thích Lý thường đặt mua vé qua Face Page. Mọi thông tin, hình ảnh về Lý, được cập nhật đầy đủ. Tưởng chừng ở ngay gần bên những ai muốn biết về hành trình âm nhạc của Lý, nhưng Lý cũng thật xa xôi khi muốn chạm tay. Sự tồn tại không thực ấy, cũng giống như dáng hình một cô bé con nhỏ xinh, luôn chọn mặt mộc, khi cần thì thường trang điểm nhẹ nhàng tô chút son môi, mái tóc có lúc cắt trụi, lúc để ngắn, lúc lại loăn quăn ngang má, ưa chọn mặc áo tối màu khi biểu diễn cũng như ngoài đời thường, thích ngồi khoanh chân dưới đất hay co cả hai chân lên ghế, dụi, dựa mặt trên đầu gối, nhìn chăm chú vào một điểm, hầu như không nói gì, mà nếu có phát âm, chỉ thường là câu: “Thôi, vui mà,…”

Có đôi khi Lý chia sẻ những câu chuyện riêng, nhưng nói ra, để từng lời tan loãng ngay trong thinh không. Mọi sự đến với Lý, dù với người khác là nỗi buồn khó thể phai mờ, thì cũng trở thành hư vô. Lý thích tập trung sống trong hiện tại. Cô lắng nghe mỗi âm thanh hay quan sát thật nhanh những gì đang diễn ra trước mắt. Có lúc tưởng Lý lơ đãng chìm vào giữa thế giới khác nào, nhưng kì thực, cô không bỏ sót bất cứ cử chỉ nào, dù nhỏ nhất của người đối diện. Lý ăn rất ít, uống khá nhiều, và thích những câu chuyện tích cực tạo ra niềm vui. Vì thế, cùng với bạn bè, Lý xin tài trợ rồi làm tua “Vui”. Ít tiền thì làm tiết kiệm thôi, đi cung đường dài với đủ những trắc trở như lái xe bỏ ngang chừng, ở nhà nghỉ bình dân, có lúc cuộc chơi vui âm nhạc tưởng phải dừng lại… mà không làm giảm tiếng cười ròn tan của Lý.

Giữa thiên nhiên tươi sáng và vẻ đẹp cần cù bình dị của những người dân lao động từ thị thành tới nông thôn, Lý cầm đàn hát cho họ nghe. Lý hát trên đồng ruộng, giữa phố chợ, trong trường học, hay tại một góc chùa, nơi có những em bé thơ dại bị bố mẹ bỏ rơi. Ở phòng dành cho trẻ của ngôi chùa ấy, lấp ló sau góc tường, một em bé đang trốn tránh người lạ mà vẫn tò mò nghe lén, Lý cất lời hát, tiếng nhạc từ cây guitare mini làm người nghe muốn trào nước mắt, dù đó là lời kinh cầu: “Om Ami Dewa Hrii”. Đó là lần hiếm hoi không thấy Lý cười. Ánh mắt Lý dõi theo em nhỏ bị tật nguyền, như đau đớn, rưng rưng mà không thể làm gì tốt hơn được. Âm nhạc theo Lý, vừa như lẽ sống, vừa như sứ mệnh. Âm nhạc sống bên ngoài Lý, mà cũng ở bên trong Lý. Và chúng chảy tràn ở khắp mọi nơi khi có thể, với mọi cung bậc cảm xúc. Nghe nhạc Lý, để thấy thương người hơn, yêu đời hơn, cảm thông với mỗi hiện tượng sự vật hơn.

Lý đang ở bên bạn đây, mà như gió như sương mai, không thể nào nắm bắt được con người bên trong cô. Mỗi lời nói của Lý, là sự chú tâm rất rõ. Cô luôn duy trì dạng trái tỉnh thức, kể cả khi say sưa trong sáng tạo. Ký ức của Lý, có lẽ đã tan vào trong mỗi ca từ, nên nó nhẹ bẫng và luôn bị chính Lý làm tan loãng ở góc nhớ nào đó. Vì thế, muốn nghe chuyện xưa của Lý, luôn là không thể. Lý không giấu giếm gì, vẫn trung thực kể, mà sao lại dựng nên một bức tranh không màu, sương mờ bao phủ mọi chi tiết. Điều duy nhất có thể nhớ, là nụ cười của Lý, có khi trong suốt, có khi rất vui, có khi phấn chấn quá đà, lúc lại u uẩn buồn. Dù là thế nào, thì Lý vẫn chọn cười như một đáp án cho mọi câu hỏi không cần giải thích.

Gương mặt Lý sau 5 năm, kể từ khi được trao giải Cống hiến âm nhạc cho hạng mục Nhạc sĩ của năm, năm 2011, Lý có bước đi thật nhanh và dứt khoát. Năm 2011, Lê Cát Trọng Lý ra mắt Album đầu tay “Lê Cát Trọng Lý”, năm 2013 là “Tuổi 25”, và năm 2015 là “Dreamer” với bộ ba đĩa: “Vui Tour”, “Live in Church” và “Những kẻ mộng mơ”. Mỗi nhạc phẩm mà Lý hát, là lời thủ thỉ nội tâm đầy sâu lắng của cô về hành trình làm người gian khó, về những giấc mơ, về cội nguồn được sinh ra, về tình yêu thiên nhiên cỏ cây hoa lá, về kiếp sống, cả về những giọt mưa hồi sinh, hay sự cô đơn đằng đẵng, bị lỡ nhịp hành trình của loài người… Âm nhạc của Lý rất hiền, mang tính thiền mà không dấu được vẻ ngây thơ ngơ ngác của một cô bé con đang bước chân vào thế giới người lớn. Đôi khi, nhìn Lý qua 5 năm, khuôn mặt vẫn non tơ như thế, ánh mắt vẫn trong vắt như thế, thân hình vẫn mảnh mai gầy gò như thế, tưởng như Lý từ chối lớn lên về thân thể, mà chỉ chọn trưởng thành hơn trong âm nhạc.

Có rất nhiều tình ca, Lý chưa thể mang ra đại chúng, vì mang tính thể nghiệm khác biệt. Nếu bảo Lý là người mơ mộng, cũng đúng, mà nói Lý thực tế, càng đúng. Lý hồn nhiên trong âm nhạc mà cũng rất tỉnh táo với nhu cầu thị hiếu khán giả. Cô chọn sáng tạo ở một chốn riêng, và cẩn thận khi chọn từng bài nơi đông người.

Với Lý, âm nhạc cần để người nghe có thể cảm nhận. Trong không gian cho nhạc thể nghiệm nhỏ nhắn xinh xắn ấm cúng, mọi người có thể ngồi trên chiếc bồ đoàn mây, trên ghế tựa, quây quần bên nhau. Tất cả đều chìm trong im ắng, chờ nốt nhạc đầu tiên ngân lên. Lý hát, với cả hơi thở, tình yêu từ trái tim và hương thơm từ trí tuệ. Hoà theo từng lời ca, là âm thanh của kèn môi, của sáo, của đàn tre và các nhạc cụ mà thường chỉ người dân tộc vùng xa xôi hẻo lánh mới có được. Qua Lý, âm nhạc mở ra một thế giới khác, réo rắt tiếng nước suối nguồn, rì rào tiếng lá rừng thở, âm vang vọng về tiếng gió núi, pha vào giai điệu của tiếng yêu trai gái nơi vùng cao… Trên nẻo đường Lý qua, hay với từng nghệ sĩ Lý gặp, đều gieo vào cô những sáng tạo trên nền âm nhạc của mỗi dân tộc, từ đó, tạo nên giai điệu riêng của Lý.

Mỗi lần biểu diễn là một trải nghiệm về âm nhạc pha trộn cảm xúc không thể lặp lại, vì thế, Lý luôn tìm cách thu âm lại. Sau đĩa nhạc đầu tiên, những CD sau đó, là âm thanh trung thực được thu ngay khi Lê Cát Trọng Lý biểu diễn trên sân khấu. Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, để có được đĩa nhạc chất lượng trong đêm nhạc “Lý tuổi 25”, đã phải vận chuyển tới nơi đủ trang âm thiết bị, như một phòng thu di động. Ông ngồi phía dưới, đeo tai nghe, chăm chú không rời từng giai điệu để sao cho tạp âm không bị lẫn vào. Một già một trẻ, một đầu bạc một đầu xanh, cứ thế song hành cùng nhau trong niềm say mê thể nghiệm âm nhạc không có điểm cùng.

Có lẽ, thú vị ấn tượng vô cùng là bên Lý tập dượt cùng các nhạc công trước khi biểu diễn. Trong không gian nắng mềm bàng bạc chiều cuối thu Hà Nội, bên khung cửa sổ la đà hương hoa sữa, từng làn gió lành lạnh ùa vào phòng nhỏ của căn biệt thự Pháp cổ kính, Lý hát một câu, để nhạc công cảm nhận, và hoà giai điệu theo. Lý thích đưa thanh âm từ thiên nhiên vào, tiếng chim chuyền cành lích rích qua cây đàn violin thật sống động, đáng yêu, ngân nga. Đã nghe giai điệu từ bài hát của Lý, thì thật khó quên. Lời ca của Lý mỏng mảnh như tơ nhện, trong vắt như hơi thở, chìm giữa bản nhạc. Mỗi tiếng hát, hoà thanh như thể một loại nhạc cụ riêng biệt, vì thế, Lý chọn mình là một thành viên của cả ban nhạc, cô mặc đồ đen giống như những nhạc công.

“Đây là lần đầu tiên Lý được chơi nhạc cho các anh chị nghe ở một không gian thật tốt, thật đẹp, thật trang nhã, với chương trình được chuẩn bị cẩn thận, kĩ lưỡng, được xây dựng đủ thời gian và giàu tình cảm như vậy”… Lý chia sẻ: “Ca khúc của Lý được chuyển soạn và phối khí dựa trên nền tảng cổ điển… Nội dung chương trình được xây dựng theo ba chủ đề: lãng mạn, thiếu nhi và dân gian…”

Tháng Chín này, khán giả Sài Gòn được gặp lại Lý trong không gian âm nhạc mà tâm hồn cô kiến tạo. Để hiểu thêm vì sao, mỗi ca khúc của Lý lại dễ gây ám ảnh đến người nghe nhiều đến thế…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lê Cát Trọng Lý: Âm nhạc ở khắp mọi nơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO