Linh vật Việt trong đời sống đương đại: Những câu chuyện vui buồn

Minh Quân (thực hiện) 20/10/2017 08:10

Linh vật không chỉ mang tính biểu tượng linh thiêng mà nó còn gắn kết và chia sẻ những tình cảm cộng đồng. Thế nhưng, việc xem nhẹ linh vật trong đời sống văn hóa Việt Nam đã từng xảy ra một thời gian dài dẫn đến sự khủng hoảng nhận diện văn hóa của người Việt hiện nay. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hậu Yên Thế- giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam về những câu chuyện vui buồn của linh vật Việt.

TS Trần Hậu Yên Thế.

PV: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu mỹ thuật ông đánh giá sao về sự thay đổi của linh vật Việt trong đời sống đương đại?

TS. Trần Hậu Yên Thế: Linh vật Việt từng được người Pháp sử dụng như truyền thuyết rồng vàng trong thiết kế thành huy Hà Nội, thủ phủ của Đông Dương. Nhưng chính người Hà Nội lại nhanh chóng quên mất biểu tượng thiêng liêng này.

Việc sử dụng linh vật, đặc biệt là những linh vật gắn bó với tín ngưỡng, tôn giáo, giai cấp phong kiến kể từ sau năm 1945 dường như không còn phù hợp.

Thời Pháp thuộc, ngoài Hà Nội, các thành phố khác cũng có linh vật, như Sài Gòn là hổ. Chính vì lý do này khi linh vật cổ truyền ít được sử dụng trong một thời gian khá dài, cũng có thể góp phần cho việc sử dụng tràn lan những linh vật ngoại lai trong thời kỳ hội nhập.

Nhưng, một tín hiệu đáng mừng, linh vật cổ truyền đang dần trở lại ở những không gian công cộng. Kể từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, hình ảnh rồng Lý được trang trí trên đường phố Hà Nội. Những nét tinh hoa của rồng Việt đã hiển hiện trên đường phố Hà Nội.

Nhưng, bên cạnh tín hiệu đáng mừng này, hình ảnh rồng trong không gian công cộng thường lai tạp, chắp vá hoặc bệ nguyên mẫu của Trung Hoa.

Bên cạnh những thay đổi theo thời gian, dường như xung quanh vấn đề linh vật Việt đến nay vẫn còn đó những câu chuyện buồn?

- Đà Nẵng, cho đến nay đã rất thành công với hình ảnh cầu Rồng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đã được khánh thành năm 2013. Cầu Rồng trở thành con rồng sắt dài nhất thế giới. Đặc biệt, cứ vào những ngày cuối tuần, người dân Đà Nẵng lại được thấy cảnh tượng rồng phun lửa hoặc phun nước vô cùng hoành tráng.

Khá trái ngược với chiếc cầu Rồng ở Đà Nẵng là câu chuyện về con rồng vàng nằm trên giải phân cách tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng. Ban đầu, kể cũng không có gì đáng nói vì đó là con rồng khá lớn được uốn bằng cây cảnh. Do đặc điểm tạo hình bằng cây cảnh, con rồng có nhiều yếu tố hoạt hình hơn là những yếu tố của tạo hình trong mỹ thuật cổ truyền. Cộng đồng mạng nhanh chóng đặt tên là rồng - Pikachu.

Chính vì con rồng ăn sâu vào tâm trí người Việt như một vật tổ, đòi hỏi ở đó vẻ uy nghi nhất định. Đặc biệt, con rồng xuất hiện vào dịp Tết, yếu tố linh thiêng được đề cao. Cái vẻ ngờ ngệch, có phần ngớ ngẩn của con rồng cũng có những vẻ đáng yêu nên những sản phẩm chế ăn theo đã bán rất chạy như áo phông, cốc chén mang hình rồng - Pikachu.

Cầu Rồng ở Đà Nẵng.

Ông đánh giá sao về vai trò của cộng đồng trong gìn giữ và phát triển giá trị của linh vật Việt trong cuộc sống đương đại?

- Cho tới gần đây, trước làn sóng sư tử, tỳ hưu và kỳ lân Trung Hoa ào ạt tràn vào Việt Nam. Những người yêu mến văn hóa Việt đã quyết tâm làm sống lại vẻ đẹp nghìn đời của hệ thống linh vật Việt. Đơn cử, như Công ty Vạn Bảo Ngọc ở Ninh Bình đã tìm tòi khai thác các giá trị mỹ thuật truyền thống của Ninh Bình để tạo ra các sản phẩm quà tặng là những linh vật trang trí trên kiến trúc, bia đá… phục vụ khách du lịch, đáp ứng nhu cầu tạo ra các sản phẩm quà tặng mang truyền thống của địa phương, không phụ thuộc vào các sản phẩm quà tặng mang biểu tượng nước ngoài.

Liên quan tới linh vật có thể nhắc một sáng tạo rất ý nghĩa của họa sĩ Lê Văn Thao và nhóm Circle group của Trần Thành Tùng. Nhân dịp Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị Toàn thể lần thứ 7 của MOWCAP tại thành phố Huế.

Trong cuộc họp này xem xét 2 hồ sơ của Việt Nam là Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường Lưu đề cử là Di sản thế giới.

Họa sĩ Lê Văn Thao và nhóm Circle group của Trần Thành Tùng đã thiết kế một món quà lưu niệm rất ý nghĩa để tặng các chuyên gia của UNESCO. Đó là một chiếc ấn gồm hai phần, phần chữ lấy từ Huệ trong bản Thư viện lệ quy và phần linh vật được chọn chính là con nghê đá trong nhà thờ của dòng họ Nguyễn Huy.

Phương án thiết kế này chính là kế thừa tạo hình của ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo của chúa Nguyễn Phúc Chu hay ấn Trần miếu tự điển (có phiên bản tại Bảo tàng Nam Định).

Một đại diện của dòng họ Nguyễn Huy là ông Nguyễn Huy Mỹ cho biết, gia tộc của ông ban đầu cũng có băn khoăn về giá trị biểu tượng văn hóa của hình tượng này. Nhưng, mối lo này nhanh chóng tan nhanh khi tặng vật lưu niệm này được các chuyên gia của UNESCO tiếp nhận hết sức trọng thị.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh vật Việt trong đời sống đương đại: Những câu chuyện vui buồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO