Lơ mơ tác quyền

Minh Quang 05/07/2016 14:00

8 vụ việc liên quan đến quyền tác giả phản ánh đến Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) trong 6 tháng đầu năm 2016- có lẽ chỉ là một phần nhỏ trong vô số những vụ việc vi phạm liên quan đến quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng và tác quyền nói chung. 

Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản cũng đang là mối quan ngại của bạn đọc.

Thực tế cho thấy tình trạng “lơ mơ” với tác quyền đang hiện hữu, nhất là trong giới nhạc sĩ, nhà văn, nghệ sĩ… Bởi họ không (hoặc chưa) quan tâm nhiều lắm đến vấn đề tác quyền, bản quyền. Chỉ đến khi có sự vụ xảy ra như phát hiện tác phẩm của mình bị sử dụng mà không được xin phép, bị xâm phạm… họ mới tá hỏa thì chuyện cũng đã rồi.

Nhưng cũng sau mỗi vụ việc lùm xùm liên quan đến quyền tác giả âm nhạc, tác quyền văn học... thì có một hạn chế nhìn rõ nhất là chính các nhà quản lý cũng vẫn còn mơ màng với những vấn đề về bản quyền, tác quyền.

Theo bà Trần Thị Trường- Phó Giám đốc khu vực phía Bắc, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Hiện các văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về luật sở hữu trí tuệ hay các văn bản đều rất đầy đủ, cập nhật với tình hình thế giới.

Nhưng quả là có thực trạng các nhà quản lý cũng chưa nắm được luật. Không ít những nhà quản lý còn chẳng hiểu đâu là Nghị định bổ sung, Thông tư bổ sung, Thông tư hướng dẫn… những cái nào liên quan đến quyền bảo hộ quyền tác giả.

Trong khi đó ở lĩnh vực âm nhạc, các ông bầu tổ chức chương trình thường chẳng ai muốn phải trả tiền tác quyền. Mà như đã nói ở trên, khi các nhà quản lý đã không hiểu, không nắm rõ luật, lơ mơ với tác quyền thì các ông bầu sẽ tìm mọi cách để “lách”…

Chính vì thế, cho dù nhận thức về bảo hộ quyền tác giả thời gian qua ít nhiều được cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế như việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương, người am hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan để bảo hộ thành công, có lợi, đúng theo quy định cho các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm chưa được nhiều.

Tóm lại người bị xâm phạm tác quyền thì nhiều, và việc bảo hộ quyền tác giả cũng quá nhiều hạn chế. Vậy nên, dễ dàng nhận thấy Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả vẫn chưa thực sự đi vào đời sống.

Đầu tháng 7 này tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.

Theo đó, thời gian qua Cục đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng các Dự thảo, Thông tư và Đề án cụ thể như: Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, Báo cáo đánh giá tác động thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong 10 năm qua phục vụ Hội nghị tổng kết tổ chức vào Quý III/2016; Dự thảo Đề án truyền thông “Nâng cao nhận thức và ý thức thực thi các qui định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội giai đoạn 2016-2020” trình Bộ trưởng phê duyệt vào Quý IV/2016…

Và cũng chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Bản quyền tác giả đã tiếp nhận, thụ lý 8 vụ việc khiếu nại, tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, hiện đã có 4 vụ việc được giải quyết dứt điểm, số vụ việc còn lại đang trong quá trình giải quyết theo trình tự thủ tục quy định; Trả lời 15 trường hợp xin ý kiến chuyên môn nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan...

Tại Hội nghị này Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã lưu ý cán bộ làm trong lĩnh vực bản quyền cần có chuyên môn sâu, hiểu biết về luật pháp, am tường về chuyên môn, để xử lý tiếp nhận và bảo vệ tốt nhất về quyền tác giả, quyền liên quan.

Cùng với đó, Việt Nam đã bước vào hội nhập thế giới và đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ trong lĩnh vực bản quyền, vấn đề đặt ra là thực thi nó như thế nào? Ở một số nước có các cơ quan có quyền lực, có tòa xử về lĩnh vực này. Ở Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất xem những vi phạm đó thì cơ quan nào sẽ xử lý việc này.

Những băn khoăn của ông Biên cũng là những trăn trở chung của nhiều người, của xã hội. Bởi hiện nay thực trạng “ăn cắp” và vi phạm bản quyền đang diễn ra phổ biến trong lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật. Mong rằng tình trạng “lơ mơ” tác quyền sẽ sớm được cải thiện; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được áp dụng đúng luật. Và những qui định pháp qui phải được thực thi trong cuộc sống, chứ không chỉ là những văn bản có giá trị trên giấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lơ mơ tác quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO