Mượn rối nước kể chuyện con người

Trần Trà My 25/06/2017 08:05

140 diễn viên không chuyên diễn cảnh trẻ con thì bơi, người lớn thì chăn vịt, cày cấy, đánh cá, kèm theo đó là một đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người dân xứ Đoài. Điều đó khiến cho khán giả không phải chỉ là xem mà đã bước hẳn vào cuộc sống thôn quê. “Thuở ấy xứ Đoài” đã mở ra một không gian thưởng thức nghệ thuật mới lạ...

Tôn vinh truyền thống bằng cái nhìn đương đại

Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam, “Thuở ấy xứ Đoài” là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh qui bái tổ…

Diễn ra trên một sân khấu lần đầu tiên có tại Việt Nam, “Thuở ấy xứ Đoài” tái hiện lại nguyên bản không gian cổ tích với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình, kết hợp diễn xuất của hơn 140 người nông dân vùng Sài Sơn. Khán giả còn choáng ngợp bởi khán đài 2.000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, giữa khung cảnh bao la, rộng mở, là một sân khấu nước mênh mông.

Những hiệu ứng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đó là ngôi đình dài 20 m chạy ra sau rặng tre; là từ 10m sâu dưới đáy Long Trì, kỳ diệu hiện lên Thuỷ Đình nguyên bản nặng gần 10 tấn; là trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh; là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông.

Tất cả những hiệu ứng ấy khiến người ta không chỉ đã tai, đã mắt mà còn như được hòa nhập vào với khung cảnh nơi đây khi tận sâu trong đáy tâm hồn bật ra những cảm xúc từ lâu đã đóng kín.

Thoạt xem, người ta tưởng đây là sản phẩm “nhập ngoại” nhưng sự thực từ khâu ý tưởng đến thực hiện đều là của người Việt với sự giúp sức của các chuyên gia nước ngoài. Giới am hiểu thì gật gù khẳng định, chỉ có Việt Tú mới có thể “nảy” ra những ý tưởng táo bạo và hoành tráng đến vậy.

Như vậy, nối tiếp sau “Nhật thực 1” khiến dư luận sửng sốt, “Cơn ác mộng của người thợ may” khai sinh ra khái niệm vở diễn thời trang tại Việt Nam, rồi đến vở diễn “Tứ Phủ” về nghi lễ hầu đồng đã mang đến những thành công và tiếng vang trên bình diện quốc tế, Việt Tú đã khẳng định vị trí của mình trong nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam.

Sân khấu lộng lẫy.

Chặng đường gian nan

Việt Tú cho biết, ý tưởng đầu tiên đến với anh chính là nơi đây được coi là quê tổ của nghề rối nước. Song không phải mọi thứ cứ đến một cách “ngon ăn” mà phải nhiều ngày sau đó, khi được gặp và trò chuyện với nghệ sĩ Chu Lượng, “chiếc chìa khóa” đưa tới những mắt xích cho câu chuyện mới được tìm thấy.

Đó chính là việc mượn hồn rối nước để kể câu chuyện về cuộc sống con người, mượn những người nông dân để kể lại câu chuyện lịch sử về vùng đất Tổ của nghề rối nước, thông qua vở diễn thực cảnh lần đầu tiên tại Việt Nam.Từ ý tưởng đến việc thực hiện được một vở diễn hoành tráng như vậy là cả một chặng đường gian nan, khó khăn đến mức có những lúc tưởng chừng phải bắt đầu lại từ con số 0.

Việt Tú chia sẻ, ngày đầu tiên tới đây, toàn bộ khu vực sân khấu bấy giờ là một bãi hoang với hố đất sâu hoắm. Để có được sân khấu với 2.000 chỗ ngồi và sàn diễn 3.000 m2 mặt nước, cùng rặng tre xanh rì, bến nước, sân đình là điều không dễ dàng. Hai năm làm việc miệt mài để “sân khấu” có một hình hài chưa từng có trong tiền lệ cũng là một công đoạn đòi hỏi nhiều công sức.

Tuy nhiên, mọi thứ thuộc về mặt chuyên nghiệp thì các ekip âm thanh, ánh sáng, bối cảnh, thiết kế… thực hiện đâu vào đấy, riêng phần diễn viên là “đau đầu” nhất. Bởi cuộc chơi này khác ở chỗ, diễn viên đều là những người nông dân thuần hậu chất phác. Họ bước lên sân khấu để diễn về chính cuộc sống vui chơi, lao động của mình. Vậy thì diễn sao cho ra diễn nhưng lại phải rất chân thực, sống động mà vẫn phải ý thức được mình làm như chơi, chơi như làm.

Vì thế, đối với Việt Tú, thử thách lớn hơn cả là làm sao đưa được những nông dân thuần chất ấy đến với nghệ thuật. Vận động, chăm sóc, trao đổi, hướng dẫn 140 người, nhất là những cụ già đồng ý tham gia đã là cả một khó khăn nhưng trong quá trình tập thì đến gần nửa số diễn viên… bỏ cuộc.

Cũng phải thôi, khi mà thời gian luyện tập kéo dài đến 12 tháng trời, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và tình yêu với “nghề” mới mẻ này. Những lúc đó, đoàn lại phải lo tìm kiếm lại từ đầu, hướng dẫn, luyện tập từ đầu. Nhưng khó mấy cũng phải cố thực hiện được bởi sự tham gia của những người nông dân Sài Sơn và là chủ thể chính cho hoạt động biểu diễn trong vở là một giải pháp nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa.

Không gì bằng những diễn viên nông dân ấy khi họ thể hiện cuộc sống, lao động, sản xuất, vui chơi của họ bằng tất cả niềm tự hào về quê hương và các giá trị văn hóa truyền thống. Đời sống nông thôn được tái hiện sinh động qua các tiết mục rối nước, một “đặc sản” nghệ thuật của vùng Sài Sơn - chùa Thầy, đan xen là phần trình diễn với các vũ đạo đơn giản và bình dị của các diễn viên nông dân.

Bên cạnh đó, để có được những âm thanh trung thực từ cuộc sống như gà, vịt, côn trùng… đoàn phải mất công thu trực tiếp chứ không dùng các công cụ hỗ trợ. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, làm sao để âm thanh thuần khiết theo đúng ý muốn khiến người ta nhắm mắt lại mà nghe cũng đã tưởng tượng ra làng quê thanh bình yên ả với tiếng gà gáy, tiếng vịt gặp đàn, chìm đắm vào đêm hè xôn xao tiếng côn trùng, cóc nhái kêu trong đầm nước mênh mông là cả những nỗi nhọc nhằn khó ai hình dung được…

Giờ đây, những công sức ấy đã được đền đáp xứng đáng. Việt Tú tâm sự: “Văn hóa Việt Nam rất đẹp và tôi ao ước đến ngày nào đó, có khách nước ngoài đến Việt Nam với mong muốn được thưởng thức show của mình, đó mới thực sự thành công”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, điều đáng nói nhất ở “Thuở ấy xứ Đoài” ngoài sự đầu tư hoành tráng còn là sự đầu tư về con người, sử dụng chính những người dân nơi đây làm diễn viên, làm sống lại những giá trị văn hóa dân gian rất đáng trân trọng của xứ Đoài này. “Nó làm tôi gợi nhớ lại thời kỳ mà người ta hay làm những vở kịch do người dân đóng, gây ấn tượng rất lớn. Cảm hứng đó sẽ mang lại những triển vọng rất tốt cho tác phẩm này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mượn rối nước kể chuyện con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO