Nên hiểu đúng để tránh làm sai

Hoài Nam 24/12/2015 15:07

Trong “Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII”, ở phần “Phương hướng, nhiệm vụ” của mục VII -“Phát triển văn hóa, xây dựng con người” – có đoạn viết: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội”. Căn cứ vào một số biểu hi

Nên hiểu đúng để tránh làm sai

Lễ rước kiệu tại đền Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (Ảnh: Đức Toàn).

Thứ nhất, là cụm từ “văn hóa truyền thống dân tộc”. Tưởng không có gì để phải bàn cãi, nhưng trên thực tế, cụm từ này nhiều khi đã bị hiểu sai/ lệch nghĩa, trở thành một cái gì đó, như người ta hay nói: “thuần túy dân tộc”, hay “giá trị thuần Việt” v.v... Về cơ bản, có thể hiểu “văn hóa truyền thống dân tộc” là những sáng tạo văn hóa được hình thành trong sự phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc. Chúng là kết quả của một quá trình kết hợp, chọn lọc, mài giũa để trở thành tinh hoa văn hóa, thành cái truyền thống, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Cách hiểu như vậy, đương nhiên, hình dung các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc như những sự hỗn dung và tiếp biến đa nguồn, chứ không đơn nguồn. Ví như thơ Hồ Xuân Hương là sự hỗn dung và tiếp biến giữa thơ luật Đường có gốc Trung Quốc, tinh thần trào tiếu dân gian Việt Nam và sự khẳng định con người cá nhân rất đặc trưng trong các đô thị phương Đông thời trung đại. Cái áo dài của người phụ nữ Việt Nam hiện nay, như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng có lần nói đến, ít nhất, đó là sự hỗn dung và tiếp biến giữa cái áo dài của phụ nữ Tày – Nùng với cái cái xường xám của phụ nữ Trung Quốc. Tục thờ Mẫu trong văn hóa truyền thống Việt Nam chẳng phải là sự kết hợp giữa lý thuyết của Đạo giáo với tư tưởng trọng nữ trong tâm thức dân gian Việt đó sao? Chẳng phải tổng thể kiến trúc và điêu khắc của một cái đình làng Việt cổ thường là sự kết hợp, lai ghép giữa rất nhiều yếu tố Việt, Chăm, Ấn Độ, Trung Hoa đó sao? v.v và v.v… Rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra để thấy, không thể và không bao giờ có một thực thể văn hóa đơn nguồn, dị biệt đến mức một mình nó là đủ cho chính nó, không mang vết tích của bất cứ một sự giao thoa/ giao lưu văn hóa nào. (Nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng viết, trong công trình “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, xuất bản năm 1998, NXB Văn hóa thông tin: “Chuyện giao lưu văn hóa đã có từ thời thượng cổ, nhưng chỉ hai chục năm gần đây người ta mới thấy chính giao lưu văn hóa mới là nền tảng của giao lưu quốc tế… Các hòa thượng chân đất của Ấn Độ đã hoán cải cả Đông Á và Đông Nam Á, đến mức có thể nói có một thời của Viễn Đông tiền Phật giáo và một Đông Á và Đông Nam Á hậu Phật giáo. Không phải các đạo quân La Mã thống nhất được tinh thần Châu Âu, mà là tu sỹ Thiên Chúa giáo. Hai ông vua Việt Nam chịu khó tiếp thu văn hóa Hán nhất là Lê Thánh Tông đời Lê và Minh Mạng đời Nguyễn chính vào lúc chế độ quân chủ Việt Nam hùng mạnh và ổn định nhất”). Do vậy, ý niệm về những giá trị văn hóa “thuần”, như kiểu “thuần Việt”, là không tưởng. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây không chỉ là ý niệm, mà là việc áp ý niệm ấy vào thực tế. Xin lấy một ví dụ thôi: Ta nhớ rằng trong điện ảnh Việt Nam thời gian qua, cứ mỗi khi có một dự án phim truyện lịch sử lớn được công bố là một lần nổ ra những tranh luận gay gắt về tính chân xác của trang phục trong phim. Và bao giờ cũng vậy, yêu cầu “thuần Việt” cho trang phục trong phim lại được rất nhiều người hùng hồn biểu đồng tình – trong khi chứng tích của cái “thuần” ấy vốn cực kỳ mờ nhạt, thậm chí chẳng ai còn biết bản lai diện mục của nó ra làm sao – như thể chỉ để gây khó cho các nhà làm phim vậy. (Tranh luận cứ nổ ra giữa các học giả, việc làm phim cứ bị chậm lại, và đương nhiên, những khát khao sáng tạo của người làm nghệ thuật cũng vì thế mà cứ dần dần rơi rụng). Nhìn sang bên cạnh, ở những nền điện ảnh rất mạnh về phim truyện lịch sử như Trung Quốc hay Hàn Quốc, họ lại không mấy quan trọng chuyện này, dường như họ chỉ có một yêu cầu mà thôi: Đó là “mặc đẹp” cho lịch sử dân tộc. (Thành công hiển nhiên của người Hàn Quốc và người Trung Quốc trong lĩnh vực này, oái oăm thay, đã cho thấy rằng lựa chọn của họ không sai). Như vậy, cái yêu cầu “thuần Việt” đầy cắc cớ kia, chẳng phải là thứ ta đặt ra chỉ để tự trói chân trói tay ta hay sao?

Thứ hai, là cụm từ “bảo tồn, phát huy”. Thật ra đây là hai mặt của cùng một vấn đề: Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thông qua phát huy, và phát huy di sản văn hóa dân tộc chính là cách bảo tồn tốt nhất. Thế nhưng, ở đâu đó và trong một lúc nào đó, “phát huy” đã biến tướng thành “phát triển”, và như thế cũng đồng nghĩa với việc nhiệm vụ “bảo tồn” đã thất bại. Trước đây đã lâu, nhân danh sự “phát triển”, hay để cho “phù hợp với thời đại mới”, người ta đã thẳng tay hủy bỏ, loại trừ - chí ít là cũng giảm thiểu tận độ - mọi thứ “tàn tích văn hóa” có dây dính liên quan đến “chủ nghĩa phong kiến thối nát”. Rất nhiều di sản vật thể như đình, chùa, miếu, phủ, văn chỉ v.v… đã phải chịu số phận này. Và cùng với chúng, rất nhiều di sản phi vật thể như các loại hình sinh hoạt văn nghệ, các tập tục, các lễ thức, các diễn xướng liên quan đến tín ngưỡng dân gian v.v… cũng chung cái cảnh chỉ còn là vàng son một thuở. Thế rồi gần đây, trong cơn say mê đến cuồng nộ của sự “phục hồi” và “bảo tồn” di sản, người ta liên tục dựng lại hoặc xây mới những cái đình những cái chùa xanh xanh đỏ đỏ, õng ẹo như là lão bà làm dáng, thiếu sự tôn nghiêm đã đành, mà tuyệt đối cũng chẳng có lấy một thẻo mỹ quan tối thiểu. Đó là nói về di sản vật thể.

Còn di sản văn hóa phi vật thể thì sao? Chắc nhiều người trong số chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện về “chèo cải biên”, như một trường hợp nhân danh sự “phát triển” và “phù hợp với thời đại mới” để khiến cho một giá trị sân khấu truyền thống vô cùng đặc sắc bị trở nên méo mó, không còn là chính nó. Nay, ngay cả với những di sản văn hóa phi vật thể đã được tổ chức UNESCO công nhận, không phải không có sự lặp lại cái nhầm lẫn (?) giữa “phát huy” và “phát triển”. Đồng ca hóa quan họ, dàn nhạc giao hưởng hóa ca trù, sân khấu hóa nhã nhạc cung đình và hát xoan v.v… những biểu hiện cho cách ứng xử khá thô bạo với di sản văn hóa dân tộc ấy, ta vẫn bắt gặp thường xuyên. (Hãy cứ thử hình dung khi ta phải nghe một giàn liền anh hát đối đáp bài “Ngồi tựa mạn thuyền” với một giàn liền chị? Hoặc khi tiếng nhả hột, tiếng nhấn đàn đáy của bài hát nói “Cánh bèo” không từ một đào nương và một kép đàn nữa, mà là cả giàn đào kép cả chục người? Ắt hẳn đó sẽ là sự tra tấn tàn bạo đối với những lỗ tai đã quen nghe những âm thanh tinh tế trong âm nhạc truyền thống Việt Nam). Người ta có thể có cả trăm thứ lý do để biện hộ cho hành vi… phá hoại này, trong đó thường xuyên nổi lên hai ý có vẻ rất… bùi tai: 1/ để làm mới những nghệ thuật cũ, và 2/ để làm du lịch, phát triển kinh tế. Đương nhiên, hậu quả về lâu dài của tư duy “phát triển” theo kiểu này là điều dễ thấy: Nó dẫn đến việc bạn bè quốc tế và chính lớp trẻ Việt Nam ngày hôm nay sẽ hiểu sai về di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Và cũng xin được mở ngoặc nói thêm: Khi UNESCO công nhận một di sản văn hóa nào đó của quốc gia – dân tộc nào đó là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, thì chính là vì họ nhìn thấy ở di sản ấy tính chất “cổ”, tính chất “nguyên gốc”. Giá trị của di sản, trước hết, là nằm ở đấy, như tiêu bản về những thời đã qua và không bao giờ trở lại. Sự công nhận này đồng nghĩa với một cam kết được đặt ra: Bằng mọi giá phải bảo tồn cho được cái “cổ”, cái “nguyên gốc” quý giá kia. Bảo tồn được như thế, chính là phát huy. Và chỉ có thể gọi là phát huy nếu bảo tồn được như thế!

Vấn đề ở đây, thiết nghĩ, không chỉ là chuyện duy danh định nghĩa, không chỉ là chuyện của vài câu và chữ trong “Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII”. Hiểu cho đúng, hiểu thật rõ, ắt là chúng ta sẽ tránh được những hành động sai và những hậu quả khôn lường khi đưa nguyên lý vào thực tiễn vô cùng sống động của đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

Rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra để thấy, không thể và không bao giờ có một thực thể văn hóa đơn nguồn, dị biệt đến mức một mình nó là đủ cho chính nó, không mang vết tích của bất cứ một sự giao thoa/ giao lưu văn hóa nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên hiểu đúng để tránh làm sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO