Nghệ sĩ tạo hình các dân tộc thiểu số: Góp phần làm phong phú đời sống văn hóa

Họa sĩ Trần Khánh Chương 28/12/2016 08:05

Nghệ sĩ tạo hình các dân tộc thiểu số hiện nay đã trở thành một đội ngũ đông đảo trong giới mỹ thuật Việt Nam, được đào tạo bài bản qua các trường nghệ thuật ngày càng đông đảo với nhiều dân tộc khác nhau. Nhiều họa sĩ đã thành danh có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam.

Các nghệ nhân tượng gỗ Tây Nguyên.

Với truyền thống mỹ thuật của từng dân tộc, nghệ sĩ tạo hình dân tộc thiểu số đã phát huy được bản sắc riêng truyền thống mỹ thuật của dân tộc mình trong quá trình sáng tác các tác phẩm. Đáng chú ý là do hiểu biết sâu sắc phong tục tập quán, truyền thống văn hóa nên tác phẩm của họ thấm đẫm đặc trưng về vùng đất và dân tộc mình trong sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, tạo nên được phong cách, bản sắc riêng mà những nghệ sĩ khác khó có thể thể hiện tốt được.

Ta có thể thấy họa sĩ Xu Man với nhiều tranh sơn mài, họa sĩ Y Nhi Ksor với nhiều tác phẩm sơn dầu đậm bản sắc Tây Nguyên, nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài với những tác phẩm điêu khắc gỗ, họa sĩ Lò Anh Quang, họa sĩ Cà Kha Sam với nhiều tác phẩm sơn dầu đậm đà bản sắc dân tộc Thái, nhà điêu khắc Đinh Rú, Mô Lô Kai với các tác phẩm tượng kế thừa và phát huy truyền thống của tượng gỗ Tây Nguyên với những nội dung, đề tài hiện đại. Các nữ họa sĩ như Chu Thị Thánh, Hà Cắm Dì, Đinh Thị Thắm Poong, Trương Thị Mai San, Lim Khim Katy, Chế Thị Kim Trung với những tác phẩm sơn dầu, lụa ghi dấu ấn riêng…

Ngoài một số không nhiều các nghệ sĩ tạo hình dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ở các trường ở lại làm việc tại Hà Nội, TP HCM thì hầu hết đã trở về địa phương. Với nỗ lực và tài năng của mình, họ không những đã đóng góp cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật mà còn là những nhân tố đầu tàu thúc đẩy sự phát triển mỹ thuật hiện đại của các tỉnh thành, vùng sâu, vùng xa, phát triển nghệ thuật tạo hình tiến tới một mặt bằng chung mỹ thuật trong cả nước.

Trong những năm qua, với 21 Triển lãm mỹ thuật khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành tổ chức, đã tạo điều kiện thúc đẩy sáng tác và hình thành những tác giả các dân tộc thiểu số, nhiều người trong số họ không những có sáng tác trưng bày mà còn giành được những giải thưởng xứng đáng, tên tuổi của họ được biết tới rộng rãi trong cả nước mà chúng tôi đã nêu một phần những tên tuổi đó ở trên.

Bốn họa sĩ và nhà điêu khắc người dân tộc thiểu số đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài dân tộc Nùng (năm 2001), nhà điêu khắc Đinh Rú dân tộc Chăm (năm 2007), họa sĩ Lò An Quang dân tộc Thái (năm 2007), họa sĩ Xu Man dân tộc Ê đê (năm 2012). Họa sĩ Ngọc Linh (Vi Văn Bích) dân tộc Tày được phong Nghệ sĩ Ưu tú ngành Mỹ thuật Điện ảnh…

Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc có tác phẩm đã giành được giải thưởng xứng đáng tại các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng, Triển lãm Mỹ thuật khu vực…

Nhiều họa sĩ dân tộc thiểu số ngoài hoạt động chuyên môn còn được tín nhiệm giao giữ những trọng trách lãnh đạo Mỹ thuật, các Hội Văn học nghệ thuật. Ta có thể kể tới các họa sĩ Hoàng Đức Toàn, Vi Kiến Thành là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; nhiều họa sĩ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường Cao đẳng, Trung cấp Văn học Nghệ thuật các tỉnh thành.

Vì vậy cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa các liên kết hoạt động giữa Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam với các Hội Văn học nghệ thuật các địa phương ở các vùng Tây Bắc – Việt Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ - nơi tập trung nhiều nghệ sĩ tạo hình dân tộc thiểu số; Quan tâm hỗ trợ sáng tác thông qua việc tổ chức nhiều trại sáng tác dành riêng cho các nghệ sĩ tạo hình dân tộc thiểu số. Đặc biệt là các trại sáng tác của các dân tộc ở nhiều vùng miền khác nhau. Ngoài các triển lãm chung định kỳ thường niên, chúng ta cần tổ chức những triển lãm mỹ thuật riêng cho các nghệ sĩ tạo hình dân tộc thiểu số theo định kỳ trong cả nước hoặc triển lãm các tác phẩm của các nghệ sĩ theo vùng miền nhưng được giới thiệu ở nhiều địa phương khác nhau.

Quan tâm đến việc giúp đỡ các nghệ sĩ có điều kiện làm việc, đặc biệt việc cung cấp các nguyên vật liệu phục vụ sáng tác bởi hiện nay nhiều tỉnh miền núi vẫn thiếu các cửa hàng cung cấp họa phẩm như ở Hà Nội hoặc TP HCM, do đó các nghệ sĩ thường thiếu thốn nguyên vật liệu cần thiết tối thiểu cho sáng tác. Các tỉnh, thành sớm có các bảo tàng mỹ thuật không những làm phong phú đời sống văn hóa, góp phần vào phát triển du lịch mà còn là nơi lưu trữ các tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình, trong đó các nghệ sĩ tạo hình các dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện để nghệ sĩ bán được tác phẩm từ đó có nguồn thu để tiếp tục sáng tạo.

Với sự phát triển mạnh mẽ về đội ngũ cũng như năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ tạo hình các dân tộc thiếu số, chúng ta tin rằng các nghệ sĩ sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển Mỹ thuật Việt Nam hiện đại trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ tạo hình các dân tộc thiểu số: Góp phần làm phong phú đời sống văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO