Nghệ thuật diễn xướng cổ về làng

Lưu Nguyễn 17/09/2017 08:00

Đặt vấn đề như trên, phải chăng là một sự “ngược đời”! Bởi đời sống nông thôn, không gian văn hóa làng là nơi tồn tại, bồi đắp, duy trì, lưu truyền nhiều môn nghệ thuật diễn xướng của dân tộc. Và từ đó, có hướng đi quy tụ, phát triển thêm để nghệ thuật diễn xướng cổ truyền xuất hiện ở các không gian đô thị bằng những mô hình tổ chức mang tính chuyên nghiệp, gồm cả các đơn vị nghệ thuật công lập lẫn các nhóm tư nhân.

Đất màu chưa mấy khai thác
Vậy đưa nghệ thuật diễn xướng cổ truyền về quê quán hoặc nơi góp phần bồi đắp nên nó, liệu có phải là “chở củi về rừng”?

Tất nhiên không phải vậy, và nếu tìm hiểu các tiềm năng, điều kiện cho việc tổ chức diễn xướng nghệ thuật ở không gian nông thôn, ở các khu vực ngoài trung tâm đô thị lớn- vốn là nơi tập trung các chương trình biểu diễn, thì có thể mở ra những hướng hoạt động đa dạng, thêm cơ hội cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, phục vụ được đông đảo hơn công chúng yêu nghệ thuật dân tộc.

Nhiều làng xã nông thôn vốn là quê hương hoặc nơi sinh tồn của một hoặc hơn một môn nghệ thuật diễn xướng nào đó. Nhưng đương nhiên không thể là cái “kho”, là “bộ sưu tập” của nhiều hoặc tất cả những chèo, tuồng cổ, ca trù, quan họ, hát văn, xẩm, trống quân, rối nước... Vì thế, nghệ thuật diễn xướng ấy, có thể quen thuộc ở thôn, làng này, nhưng lại là mới, lạ, độc đáo, khác biệt với khán giả ở xã, huyện khác. Thêm nữa, những gương mặt mới, tiết mục, chương trình mới, hấp dẫn cho một môn nghệ thuật quen thuộc sẽ vẫn luôn cuốn hút công chúng truyền thống của nó. Và sự độc đáo, điêu luyện, tài năng, tâm huyết nghệ sĩ, nghệ nhân với những gì tưởng rất quen vẫn đáng để thưởng thức.

Quan trọng nữa, không gian nông thôn, ngoại thành luôn có một lượng công chúng đông đảo, yêu nghệ thuật diễn xướng dân tộc, nhưng lại không có nhiều điều kiện thưởng thức trực tiếp. Do các nhà hát, trung tâm biểu diễn tập trung chủ yếu ở nội thành, khoảng cách đi lại xa, sự phát triển các không gian biểu diễn nghệ thuật ở vùng ngoại thành, tại các thị trấn còn rất chậm chạp, thiếu vắng. Việc phát triển các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của các đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng không thể phủ khắp và thường xuyên đến các địa bàn cơ sở nông thôn. Việc thưởng thức tại chỗ của khán giả nông thôn, ngoại thành vì thế nhìn chung chỉ có một số dịp ít ỏi trong năm như vào dịp lễ hội truyền thống nếu địa phương có hợp đồng biểu diễn với đơn vị nghệ thuật. Hoặc một số dịp kỷ niệm của địa phương, thưởng thức nghệ thuật “cây nhà lá vườn” là các CLB, nhóm nghệ thuật quần chúng cơ sở.

Nhiều điều còn ở phía trước. Và còn có nhiều thứ phải tính toán nếu đặt vấn đề tìm hướng đưa nghệ thuật diễn xướng cổ truyền về làng quê. Ngoài chủ trương chung về nghệ thuật chuyên nghiệp thì sự nỗ lực tự thân của các nghệ sĩ, nghệ nhân mới ở bước đầu, hoặc đang là dự định. Các chương trình biểu diễn ở khu vực nông thôn, ngoại thành còn phải liên quan đến việc khai thác, thuê mướn, tổ chức không gian biểu diễn, phương tiện vận chuyển, thù lao biểu diễn. Cũng như không thể thiếu được yếu tố quyết định là khán giả với khả năng, mức độ chi phí cho việc thưởng thức nghệ thuật của họ. “Công cuộc” trên, vì thế, không thể thiếu những hỗ trợ thiết thực của nhà nước, địa phương, chính quyền các cơ sở.

Gieo nghệ thuật gặt nhiều lợi ích

Gợi hướng, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật diễn xướng cổ truyền phục vụ công chúng nông thôn, ngoại thành, rất nên được ngành văn hóa xây dựng thành chương trình, kế hoạch, tạo dựng các điều kiện thuận lợi, được các đơn vị nghệ thuật công lập lẫn nhóm nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia.

Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, đã có những hoạt động biểu diễn được người dân hưởng ứng, và lợi ích về cả vật chất lẫn tinh thần cho các bên liên quan là nơi cung cấp “dịch vụ nghệ thuật” và nơi có nhu cầu thưởng thức. Đó là các chương trình của các đơn vị nghệ thuật chèo, cải lương trung ương, Hà Nội về các làng xã ngoại thành, là hoạt động thường xuyên của các nhóm nghệ sĩ quan họ về các làng quê Bắc Ninh dịp hội xuân. Hoặc có thể còn hiếm nhưng rất đáng quan tâm là trường hợp tự thành lập đoàn rối nước Thành Nam của nghệ nhân, nghệ sĩ Phan Văn Mẽ ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định, tự thiết kế bể nước mi ni, tự đi quảng bá, tiếp cận các địa bàn cơ sở ở Nam Định và vùng lân cận thuộc Thái Bình để có được nhiều buổi biểu diễn lưu động. Như ông Mẽ từng chia sẻ, thì ở nhiều trường học nông thôn, nhiều thôn, làng nơi đoàn đã đến biểu diễn, học sinh và bà con rất hưởng ứng.

Có thể nhắc đến sự kết hợp giữa một số nghệ sĩ tài năng, giàu kinh nghiệm như vợ chồng hai NSƯT chèo Vũ Ngọc - Đoàn Thanh Bình với nhóm Đình làng Việt để thực hiện một số buổi biểu diễn ở đình làng thời gian qua, tuy là mới bắt đầu, nhưng đã cho thấy một gợi mở hay. Một điều đáng quý là ngôi đình truyền thống vẫn được nhiều làng quê giữ gìn, chăm sóc, vẫn là không gian sinh hoạt cộng đồng, về cảnh quan và ý nghĩa văn hóa, rất phù hợp cho sự trở lại của các môn nghệ thuật diễn xướng cổ truyền phục vụ người dân sở tại. Nhạc sĩ Thao Giang- Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, nơi nhiều năm qua duy trì các tiết mục diễn xướng truyền thống ở phố đi bộ Đồng Xuân khu phố cổ Hà Nội cũng mới cho biết, vừa tổ chức họp bàn về vấn đề đưa nghệ thuật đến với vùng ngoại ô Hà Nội.

Nhiều điều còn ở xa phía trước. Và còn có nhiều thứ phải tính toán nếu đặt vấn đề tìm hướng đưa nghệ thuật diễn xướng cổ truyền về làng quê. Vài ví dụ trên cho thấy, ngoài một số chủ trương chung đưa nghệ thuật chuyên nghiệp làm nhiệm vụ chính trị, thì sự nỗ lực tự thân của các nghệ sĩ, nghệ nhân mới ở bước đầu, hoặc đang là dự định. Các chương trình biểu diễn ở khu vực nông thôn, ngoại thành còn phải liên quan đến việc khai thác, thuê mướn, tổ chức không gian biểu diễn, phương tiện vận chuyển, thù lao biểu diễn.

Cũng như không thể thiếu được yếu tố quyết định là khán giả với khả năng, mức độ chi phí cho việc thưởng thức nghệ thuật của họ. “Công cuộc” trên, vì thế, không thể thiếu những hỗ trợ thiết thực của nhà nước, địa phương, chính quyền các cơ sở, và những khảo sát, nghiên cứu cụ thể trên tinh thần xây dựng, lan tỏa những chương trình chất lượng tốt, đa dạng cho người dân với mức chi phí tiết kiệm phù hợp.

Khai thác được mảnh đất tiềm năng nông thôn, ngoại thành cho nghệ thuật diễn xướng cổ truyền có “đất sống”, được phát huy giá trị, tác dụng, có thể nói, sẽ đạt được nhiều mục đích nhân văn: Bồi dưỡng văn hóa, nghệ thuật cho công chúng nông thôn; phát triển sinh hoạt văn hóa các địa bàn cơ sở; khuyến khích, tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nghệ nhân làm nghề; góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật diễn xướng cổ về làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO