Người trẻ có còn đam mê nhạc cụ dân tộc

Minh Quân 18/04/2017 08:35

Từ ngày 15 đến 23/4, tại TP Thanh Hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017. Với 35 đơn vị công lập và gần 80 tiết mục tham dự Liên hoan, bên cạnh những tín hiệu vui, công tác đào tạo nhạc cụ dân tộc vẫn còn đó những băn khoăn.

Tiết mục “Cậu và hành khất” của Nhà hát Múa rối Thăng Long
tạo dấu ấn tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017.

Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 là sân chơi định kỳ được tổ chức 3 năm một lần để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật công lập. Đặc biệt, theo giới thiệu từ BTC thì liên hoan còn sự tham gia của các học sinh, sinh viên đang học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Một trong những nét hấp dẫn nhất của Liên hoan hòa tấu và độc tấu nhạc cụ dân tộc 2017 chính là những màu sắc và dấu ấn văn hóa độc đáo của các vùng đất trên mọi miền tổ quốc được thể hiện qua âm nhạc.

Được chọn mặt gửi vàng để mở màn liên hoan, Nhà hát Múa rối Thăng Long mang đến một chương trình biểu diễn đậm chất Tràng An. Với 7 tiết mục hòa tấu và độc tấu, các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã kể câu chuyện về thủ đô ngàn năm văn hiến với tất cả sự tinh tế, tài hoa mà không kém phần tươi mới, hiện đại. Đoàn nghệ thuật Hà Giang thì như mang cả cao nguyên đá Đồng Văn lên sân khấu Nhà hát Lam Sơn. Không gian núi rừng không chỉ đến từ sân khấu được bài trí khá công phu, mà quan trọng hơn, là đến từ tiếng sáo Mèo gọi bạn, tiếng trống Giáy thôi thúc, hay tiếng đàn tính, dập nhạc rộn rã cả không gian…

Tuy nhiên, với sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ tại Liên hoan không khỏi đặt ra những suy ngẫm “người trẻ có còn đam mê nhạc cụ dân tộc?”. Dường như với lĩnh vực đào tạo nhạc cụ dân tộc hiện nay không còn là sự lựa chọn đầu tiên, duy nhất của nhiều bạn trẻ đam mê âm nhạc. Bởi thực tế không tính một “sân chơi” hòa tấu nhạc cụ dân tộc có qui mô toàn quốc 3 năm được tổ chức một lần như đang diễn ra, hiện vẫn còn đó những khoảng trống trong việc thiếu vắng những gương mặt trẻ triển vọng. Ở đó, điều dễ nhận thấy là hầu hết các nhà hát khi tham dự liên hoan vẫn dựa vào các thành viên “lão làng”, quen mặt làm nòng cốt cho dàn hòa tấu. Nguyên do cũng một phần bởi thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong tuyển sinh các học viên tại các trường đạo tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.

Chia sẻ về thực tế đào tạo chuyên ngành đào tạo nhạc cụ dân tộc, NSND Thanh Tâm thừa nhận: hiện nay nhiều người, nhất là các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống.

Theo NSND Thanh Tâm, nguyên do là các chương trình giảng dạy mới chỉ có khung mà chưa có một hệ thống giáo trình cụ thể thống nhất cho mỗi cây đàn nên việc xây dựng thế nào là một giáo trình chuẩn mực, việc được in ấn, thống nhất bài bản, giáo trình của từng cây đàn là việc vô cùng quan trọng và cần được quan tâm càng sớm càng tốt. Chuẩn hóa và thống nhất chương trình, giáo trình và số môn học cho người học nhạc cụ truyền thống cũng là vấn đề cần có sự đóng góp ý kiến, thẩm định của nhiều người có nghề và các nhà quản lý văn hóa nhằm đem lại sự thống nhất có tính khả thi cao.

Đồng quan điểm, GS.TS Ngô Văn Thành cũng thừa nhận cho đến nay kết quả đào tạo tài năng âm nhạc ở Việt Nam còn khá hạn chế. Theo ông Thành, thực tế chúng ta chỉ đào tạo được một số ít tài năng âm nhạc. Nhưng những “sản phẩm” này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên, đặc biệt khi được nhìn nhận dưới góc độ qui mô đào tạo của một quốc gia. Những tài năng ít ỏi này phần lớn đều được phát hiện sớm, đào tạo căn bản và thường sống trong gia đình có truyền thống âm nhạc.

Thực tế, so với các nước làng giềng trong khu vực Châu Á, chúng ta mới chỉ có những bước tiến khá khiêm tốn. Đặc biệt, GS Ngô Văn Thành cũng thẳng thắn chỉ ra hầu hết các đơn vị đào tạo hiện nay không thể kiểm định được chất lượng đào tạo và gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập những tiêu chí chuẩn về nội dung, qui trình, phương pháp và mục đích quá trình đào tạo. Trong phương pháp giảng dạy, chúng ta vẫn áp dụng tư duy dạy học theo kinh nghiệm truyền nghề là chính. Giáo trình rất nặng nề về các môn học lý thuyết, không tập trung cho mục tiêu đào tạo…

Những dẫn chứng cụ thể từ những người đã và đang trực tiếp giảng dạy âm nhạc đã cho thấy Việt Nam không thiếu những tài năng âm nhạc trẻ mà đang thiếu một cách vận hành đúng cách. Bởi thực tế khi đi thi các cuộc thi quốc tế các thí sinh của Việt Nam hoàn toàn không thua kém về phương diện kỹ thuật, nhưng kiến thức âm nhạc, xã hội, khoa học lại là điều đáng suy ngẫm. Bởi theo nhiều nhà nghiên cứu thì một tài năng âm nhạc thực không chỉ biểu diễn trên cảm xúc của âm thanh mà còn là nghệ thuật của trí tuệ.

Và có thể thấy, việc đổi mới tư duy trong việc đào tạo âm nhạc truyền thống đang là việc cần làm ngay trong giai đoạn hiện nay, bởi nếu không xây dựng được tầm nhìn mang tính chiến lược cho ngành nhạc cụ truyền thống thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ đánh mất những cái quý giá do ông cha ta để lại, đó là “hồn cốt dân tộc”, là “bản sắc văn hóa” vô cùng độc đáo đã được lưu giữ hàng ngàn đời nay

Và như TS. Lê Anh Tuấn – Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: việc “đổi mới tư duy” trong đào tạo âm nhạc truyền thống đã được đề cập từ khá lâu. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn còn lúng túng giữa các khái niệm “Bảo tồn – Phát triển”, “Bảo tồn – Đổi mới” hay khái niệm giữa “Truyền thống và Hiện đại”.

Chúng ta thử hình dung khi chúng ta đầu tư cho công tác “bảo tồn” thì liệu có thể tạo ra sự “đổi mới, phát triển” hay không”. Mặt khác, khi tập trung cho “đổi mới, phát triển” để hội nhập liệu chúng ta có bị “hòa tan”, đánh mất “bản sắc dân tộc” hay không? Đây là những vấn đề lớn, phức tạp cần được quan tâm, tháo gỡ và cần đạt được sự đồng thuận, thống nhất của các nhà quản lý, nhà khoa học, các nghệ sĩ cũng như các giảng viên. Đặc biệt, trong việc đào tạo người học nhạc cụ truyền thống theo kiểu “nhất chuyên đa năng”, lấy học sinh – sinh viên làm trung tâm, thầy là người bổ sung kiến thức và gợi mở sức sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Song song với việc đào tạo bài bản cũng nên quan tâm tới việc đào tạo những gì xã hội cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trẻ có còn đam mê nhạc cụ dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO