Nhà cổ Đường Lâm: Được trùng tu vẫn bỏ hoang

Minh Sơn 30/07/2016 14:05

Chỉ vì vướng mắc do ngôi nhà chưa có sổ đỏ, lại xảy ra tranh chấp giữa hai hộ đồng sở hữu ngôi nhà nên dù xuống cấp trầm trọng, ngôi nhà cổ gần 300 tuổi ở Đường Lâm đang có nguy cơ trở thành nhà hoang.

Một phần ngôi nhà cổ sau nhiều lần kiến nghị vẫn chỉ là… nhà hoang. Ảnh: Kiều Khải.

Nhà cổ bị tranh chấp

Cụ thể, đó là trường hợp của ngôi nhà cổ đang tranh chấp giữa hai gia đình bà Nguyễn Thị Gan và bà Kiều Thị Thảo vốn là nhà của ông Chánh tổng Kiều Văn Định đã được Nhà nước thu hồi toàn bộ nhà đất trong Cải cách ruộng đất năm 1956. Trong đó, có một ngôi nhà 5 gian chung mái để chia cho 4 hộ dân.

Năm 1988 và năm 1992, gia đình bà Kiều Thị Thảo mua lại 2 gian nhà của hai hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quốc và bà Kiều Kim Đính (giấy mua bán viết tay có xác nhận của UBND xã Đường Lâm). 2 gian còn lại, gia đình bà Nguyễn Thị Gan mua. Còn 1 gian giữa là sử dụng chung của các hộ gia đình.

Năm 1998, gia đình bà Kiều Thị Thảo chuyển ra ở và sinh sống tại phố Mía (đường 32). Phần diện tích nhà cổ, gia đình đóng cửa không sử dụng. Năm 2011, gia đình bà Nguyễn Thị Gan trình bày với Ban quản lý (BQL) di tích làng cổ Đường Lâm đề nghị được tu bổ ngôi nhà bị xuống cấp.

Dù gia đình bà Gan không có đơn, nhưng BQL di tích làng cổ Đường Lâm vẫn nhất trí đưa ngôi nhà vào danh sách cần trùng tu, tu bổ. Khi đơn vị thi công tiến hành dỡ mái gian nhà thì bà Kiều Thị Thảo mới được biết. Phản ánh với lãnh đạo xã Đường Lâm và lãnh đạo BQL di tích làng cổ Đường Lâm, bà Thảo được thông báo trong danh sách tu bổ 10 nhà cổ không có tên gia đình.

Ngày 2/12/2012, bà Kiều Thị Thảo đã làm đơn đề nghị xem xét giải quyết quyền lợi như gia đình bà Nguyễn Thị Gan và giải quyết việc tranh chấp phần diện tích sử dụng chung giữa hai gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay, sự việc vẫn chưa được chính quyền các cấp của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giải quyết triệt để. Vì thế, số phận ngôi nhà cổ hạng 1, được Nhà nước đầu tư gần 1 tỷ đồng trùng tu, một nửa vẫn là nhà hoang!

Sự việc tưởng như đã “chìm xuồng” thì theo báo cáo của Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội về kết quả xác minh đơn tố cáo của công dân ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây ngày 9-6-2015, đã khẳng định: Trong danh sách của Dự án tu bổ, tôn tạo 10 nhà cổ Đường Lâm được Bộ VH-TT&DL thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật có tên bà Nguyễn Thị Gan, nhưng thực tế ngôi nhà cổ thuộc đồng sở hữu của 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Gan và gia đình bà Kiều Thị Thảo. Khi khảo sát, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không kiểm tra trước khi phê duyệt phương án tu bổ dẫn đến ghi thiếu tên người đồng sở hữu ngôi nhà, gây thắc mắc trong nhân dân. Trách nhiệm thuộc về BQL di tích làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm.

Chưa đồng thuận giữa nhà quản lý và người dân

Trước vấn đề này, ngày 28-6-2016, BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm đã có văn bản gửi Sở VH - TT Hà Nội cho biết nhà cổ bà Kiều Thị Thảo, thực tế cũng như kết luận của Thanh tra thành phố thanh tra về dự án tu bổ 10 ngôi nhà cổ - trong đó có nhà bà Kiều Thị Thảo.

Quá trình tu bổ, tôn tạo đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng… Trong quá trình tu bổ, bà Kiều Thị Thảo đã rất hợp tác mở khóa cửa để cho các đơn vị thi công đưa thợ và các đơn vị liên quan vào thực hiện công tác trùng tu, tu bổ công trình.

Đặc biệt, văn bản còn nhấn mạnh: “Hàng ngày, bà Kiều Thị Thảo còn gửi chè nước cho thợ qua nhà bà Nguyễn Thị Gan nhờ nấu hộ. Khi hoàn thành công trình gia đình bà Kiều Thị Thảo còn mời cơm thợ tại gia đình bà Thảo để cảm ơn”.

Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên vào trung tuần tháng 7, tức là hơn nửa tháng sau khi văn bản được gửi đến Sở VH-TT Hà Nội thì hiện trạng công trình vẫn như ban đầu, đó là nửa nhà hoang. Tại phần diện tích thuộc quyền sở hữu của bà Kiều Thị Thảo, cỏ dại mọc um tùm, cửa đóng then cài.

Chiều 28/7, trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, bà Kiều Thị Thảo bác bỏ những thông tin trong văn bản đã đưa ra. Theo bà Thảo, việc sửa chữa trong thời gian qua chỉ là rất qua loa, hoàn toàn không xứng đáng với số tiền 500 triệu đồng được đầu tư. Thậm chí ngôi nhà được sửa như thế nào, giá tiền tu sửa cụ thể là bao nhiêu, gia đình bà hoàn toàn không được biết.

Bà Thảo cũng rất ra lo lắng, dù đã được sửa chữa như vậy nhưng với hiện trạng ngôi nhà thực tế không biết trận bão ngôi nhà vốn đã xuống cấp không biết có bị ảnh hưởng gì không? Bà Thảo cũng nhấn mạnh trong việc tu sửa ngôi nhà có rất nhiều điều khuất tất.

Có thể thấy chuyện ở làng cổ Đường Lâm vẫn còn đó những cơn “sóng ngầm”. Ở đó mâu thuẫn giữa người dân và các cấp chính quyền- nếu không được giải quyết hài hòa vẫn luôn sẵn sàng “bùng nổ” .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà cổ Đường Lâm: Được trùng tu vẫn bỏ hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO