Nhà thơ Ngô Minh qua đời

Mai Thiên 05/12/2018 00:00

Nhà thơ Ngô Minh - một gương mặt thơ xứ Huế - đã qua đời ngày 3/12 sau một cơn tai biến ở tuổi 70. Ông là người vẫn được bạn bè gọi theo tên một bài thơ là “Đứa con của cát”.

Nhà thơ Ngô Minh qua đời

Nhà thơ Ngô Minh.

Nhà thơ Ngô Minh sinh ra ở một địa danh nổi tiếng của các nữ dân quân anh hùng - xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau năm 1975, ông vào Huế sinh sống, làm thơ, làm báo. Sinh năm 1949, cách đây 3 năm, với một dự cảm nào đấy, ông đã tự mình tuyển chọn và xuất bản bộ sách “Ngô Minh tác phẩm”, như là một cách để tự tổng kết đời mình. Bộ sách gồm 5 tập: thơ, chân dung văn nghệ sĩ, ký - phóng sự, tiểu luận - phê bình, các bài viết về Ngô Minh.

Trong đó, tính riêng ở thơ, Ngô Minh được đánh giá là một gương mặt thơ Huế có giọng điệu riêng. Ông từng được tặng thưởng Thơ hay báo Nhân dân (1978), Thơ hay Văn nghệ Quân đội (1985), Thơ hay 5 năm Tạp chí Sông Hương và nhiều giải thưởng khác…

Thơ Ngô Minh, nằm trong phần tuyển tập bao gồm gần 400 bài trong số 1.500 bài thơ mà ông đã viết. Đó là những bài thơ về quê mẹ Quảng Bình, về quê hương thứ hai của ông là Huế, hay thơ tặng các nghệ sĩ văn chương, về tình yêu lứa đôi…

Trong đó có những câu thơ găm vào tâm trí người đọc như: “Như tôi/ đứa con của cát/ mắt quen mở ngang tầm gió sắc/ để nhận trong mắt biển một chân trời/ kết tinh thành hột muối hồn tôi”… (Đứa con của cát). Một giọng điệu thơ được đánh giá là như mạch nguồn tuôn từ đáy cát, không điệu đà mà tự nhiên, thấm đậm.

Ngoài thơ, Ngô Minh còn là một nhà báo và viết các thể loại khác. Trong đó, ông có những tập sách như: Nhớ Phùng Quán (2003), Đất thiêng (2005), Phùng Quán - 3 phút sự thật (tổ chức bản thảo, 2006), Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh (2007), Phùng Quán còn đây (biên soạn cùng bà Bội Trâm, 2007), 100 ngày vượt Trường Sơn (2010), Cổ tích tàu không số (2011), Tướng Giáp trong tôi (2013), Sống thời bao cấp (vừa tái bản lần 2 vào giữa năm 2018)… Nhưng như ông tự nhận trong tuyển tập Ngô Minh tác phẩm thì “Làm thơ, viết chân dung văn nghệ sĩ, tiểu luận và phê bình thơ... cơ bản là tâm tình, hồn cốt của tôi đều ở trong thơ”.

“Văn chương ở trong lòng người là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà văn” – với tâm sự này có thể nói ông ra đi khi đã có cái hạnh phúc của một đời viết văn, dù cho: “Mai rồi đời cát vùi quên/ biển còn hột muối nhặt lên, thưa rằng...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Ngô Minh qua đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO