Nhà văn mở hàng... ăn

An Vũ 04/06/2016 13:05

Chuyện về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mở hàng ăn, rồi sau đó đóng cửa trong nỗi nhọc mệt, vẫn làm không ít người e dè về khả năng của nhà văn khi chuyển sang làm kinh tế. Gần đây là nhà văn Dương Bình Nguyên với Giày Đỏ quán, chuyên các món về ẩm thực phương Bắc, “ngon như cơm mẹ nấu” cũng ngừng hoạt động không rõ lý do vì sao… Nhưng ngược lại, Đo Đo quán chuyên đồ ăn xứ Quảng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, và Hải Sản 3 Yêu tinh của nhà văn Hoàng Anh Tú… lại ngày một phát đạt.

Nhà văn mở hàng... ăn

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

1. Đo Đo Quán của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đông đảo người dân biết tới, đặc biệt với những ai hâm mộ các tác phẩm viết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên của nhà văn “đắt giá số 1 Việt Nam” này. Nếu đã từng đọc truyện dài “Quán Gò đi lên” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thì bất cứ độc giả nào cũng muốn ghé quán Đo Đo một lần, khi những nhân vật trong sáng, siêu dễ thương trong quán Đo Đo với địa điểm “Quán Gò đi lên” từ truyện bước ra.

Quán Đo Đo nằm tại 10/14 Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, bán chủ yếu là các món Cá hú hấp cuốn bánh tráng và rau muống, bánh đập mắm nêm, cá nục chiên ròn, da heo chiên ròn, lòng xào hẹ, hến xúc bánh tráng, mì Quảng và rất nhiều món đặc sản vùng Quảng.

Vào buổi trưa, quán thường rất đông khách, ai đến muộn, nếu kiên nhẫn, thì đứng chờ ít nhất mười phút để có chỗ ngồi, và chờ thêm hai, ba chục phút để có món. Nhiều khi phục vụ quá tải nên Đo Đo Quán làm thực khách phật ý. Mỗi món ăn, phù hợp với khẩu vị từng người, nên có khách khen ngon, khách lại chê nhạt, nhất là nước dùng món mì. Có lẽ, những cô bé cậu bé phục vụ tại quán Đo Đo trong truyện của nhà văn được miêu tả, kể rất hay nên không ít bạn trẻ phàn nàn về thái độ của các bạn làm tại quán ngoài đời thực.

Đến Đo Đo vào thời điểm không giống ai, chừng ba giờ chiều, bạn có lúc sẽ được một mình một quán, tha hồ gọi món. Nhưng bạn nam nhân viên có lẽ mệt, nên không chịu tươi nét mặt và cười với khách. Nếu không có hẹn trước, thì bạn đừng mang nhiều hi vọng sẽ được gặp gỡ chuyện trò với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại đây.

Nhà văn mở hàng... ăn - 1

Quán Đo Đo.

Mở thêm tiệm sách Kính Vạn Hoa, cũng lấy tên từ bộ sách Kính Vạn Hoa mà ai trong lứa tuổi học trò cũng từng nghe nói, đọc hoặc sưu tập trọn bộ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thật tài tình khi “quảng cáo” tiệm sách, quán ăn từ truyện của mình. Tuy nhiên, có lẽ thời gian eo hẹp, trong khi mỗi ngày, vào đúng giờ quy định, nhà văn lại ngồi vào bàn viết, nên việc quản lý quán Đo Đo có phần nơi lỏng. Tuy gặp một số khiếm khuyết mà khá nhiều quán khác do không xử lý được khâu phục vụ quá đông khách cùng mắc phải, quán Đo Đo không vì thế mà giảm số lượng khách.

Khách đến quán ăn, một phần do nhiều món hấp dẫn, thậm chí cả người Quảng cũng ít khi được biết, thực đơn phong phú, giá cả phải chăng, phần khác là hi vọng được nhìn ngắm, tiếp xúc với “thần tượng” của mình ngoài đời thường. Những người trẻ tuổi mang bên trong sự hồn hậu, tự nhiên nên không ít lần, vào dịp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kí tặng sách, từng gặp một số bạn trẻ khóc thút thít khi được đứng cạnh nhà văn do quá cảm động, cũng có bạn cúi gập người tỏ sự biết ơn khi nhà văn đưa sách. Tình cảm độc giả dành cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm của ông, cũng như quán Đo Đo nhiều và thật đẹp.

Quán Đo Đo cũng là nơi gặp gỡ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bạn bè đồng nghiệp của mình. Dù ít giao tiếp, tụ tập, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn thường được các nhà văn khác quý mến, quan tâm.

Sự nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng tính cách, thái độ cư xử nền nã, nhẹ nhõm, lịch thiệp, tích cực của ông tỉ lệ thuận với dòng khách đổ về quán đông, nhất là mỗi buổi trưa. Thế nên quán Đo Đo làm ăn thuận lợi mỗi ngày.

Nhà văn mở hàng... ăn - 2

Vợ chồng Nhà văn Hoàng Anh Tú.

2. Tại Hà Nội, những ai yêu quý anh “Chánh Văn” một thời, thế nào cũng tới ủng hộ Hải sản 3 Yêu Tinh của vợ chồng nhà văn Hoàng Anh Tú.

Mặc dù vẫn mê mải làm công việc của phó giám đốc bản quyền, phụ trách một số ấn phẩm của Hoa Học Trò, cũng như không ngừng viết ra sách mới, nhà văn Hoàng Anh Tú rất chăm chỉ phụ giúp vợ, đặc biệt là quảng cáo chuỗi nhà hàng Hải Sản 3 Yêu Tinh.

Hải sản 3 Yêu Tinh được lấy tên từ nguồn cảm hứng bất tận về câụ con trai Bách cùng hai con gái My và Nguyên của nhà văn Hoàng Anh Tú. Ngoài đời, ba cô cậu nhà Hoàng Anh Tú rất hiền hoà, biết thương yêu, tự chăm chút, chơi cùng nhau, thế nên không rõ vì sao bố lại lấy tên hài hước là “yêu tinh”?

Ban đầu Hải sản 3 Yêu Tinh nằm trên phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, số nhà 23, sau mở rộng thêm cơ sở ở 40 Mai Anh Tuấn, rồi tiếp tục là số 5 Quan Hoa. Không dừng lại, vợ chồng nhà văn Hoàng Anh Tú mở chuỗi nhà hàng Thai Deli – Xuýt xoa vị Thái.

Nhà văn Hoàng Anh Tú, quảng cáo rất khéo léo về nhà hàng trên Facebook và Face Page cá nhân của mình. Anh khơi gợi tình cảm gia đình, mối quan hệ thân thiết giữa vợ chồng, vợ chồng cùng con cái, và con cái với nhau. Từ đó, cứ muốn có sum họp đầm ấm là lại nghĩ tới nhà hàng của nhà văn Hoàng Anh Tú. Trong không gian chẳng quá rộng rãi, nhưng nhà văn luôn để chừa một phòng chơi của trẻ với bể bong bóng nhựa. Trong menu của quán, phần đầu trang, là hình ảnh những người nổi tiếng – bạn của nhà văn Hoàng Anh Tú – từng tới ăn.

Nhà văn mở hàng... ăn - 3

Quán Hải sản 3 yêu tinh.

Trong nhà hàng, chỗ ngồi thoải mái theo nhu cầu khách, từ ngồi dưới nền với bàn thấp, cho tới ngồi bàn ghế cao. Thực đơn phong phú chủ yếu là các món hải sản như tôm, cua, cá, ốc các loại. Vì kích cỡ hải sản tương đối nhỏ, mà tươi sống, lại được đầu bếp chuyên nghiệp chế biến, nên ngoài đồ ăn khá ngon thì lợi thế về giá vẫn là một phần thu hút sự quan tâm của khách hàng. Sốt chấm cua, ghẹ được pha chế ngon miệng, thế nên, tưởng chỉ mất vài trăm, nhưng ngồi lâu hai khách có thể tiêu cả triệu cho các món ưa thích nơi đây. Rất chăm chú việc tạo set đồ, lên menu và biết cách khuyến mãi, nên thực khách đến với nhà hàng của nhà văn Hoàng Anh Tú khá đông. Điểm cộng cho nhà hàng, đó là thái độ phục vụ tươi vui, tận tình, trẻ trung của nhân viên. Ngồi vào bàn, menu được đưa ra, chỉ dăm phút sau, đồ ăn đã tới, gọi thêm gì, có nấy, rất nhanh nhẹn, chưa kể, khi ăn xong, một bạn quản lý đã đứng dưới chân cầu thang, hỏi khách ăn có ngon miệng không với nụ cười. Điều rất hiếm thấy khi đặt chân tới quán ăn, nhà hàng tại Hà Nội, thậm chí là với nhà hàng trong khách sạn năm sao. Dường như, hầu hết người bán hàng ở Hà Nội quên đi sự vồn vã, xởi lởi, quan tâm đến khách, thậm chí quán càng đông, sự bực dọc căng thẳng càng lên cao, lắm khi, khách còn nghe chủ quán chửi nhân viên, và nhân viên quát lẫn chành choẹ nhau, ồn ào , tức bực. Chính từ sự khác biệt và lựa chọn kinh doanh thông minh, nên nhà hàng của vợ chồng nhà văn Hoàng Anh Tú cứ mở rộng ra.

Đến lúc này, cô vợ của anh Chánh Văn không còn là “bà bán cá”, mà trở thành bà chủ xinh xắn ngày ngày nắm tay chồng, cùng chồng nói những lời yêu thương có cánh, như trong truyện “ngôn tình”.

Mặc dù nhà văn Hoàng Anh Tú không đẹp trai, hào hoa như một “soái ca”, nhưng sự ngọt ngào “nịnh vợ” thì không “soái ca” nào theo kịp. Có lẽ nhờ sự gắn kết vợ chồng này đã tạo nên trường năng lượng tích cực may mắn cho công việc làm ăn. Ai bảo nhà văn thì không giỏi kinh doanh và truyền thông chứ?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn mở hàng... ăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO