Nhiều khúc mắc trong lĩnh vực văn hóa vẫn đang bỏ ngỏ

Minh Quân 04/01/2020 08:00

Ngày 3/1, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý IV/2019. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL và lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan đã giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của ngành văn hóa. Tuy nhiên, dường như các câu trả lời vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Nhiều khúc mắc trong lĩnh vực văn hóa vẫn đang bỏ ngỏ

Hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” tiếp tục được hoàn thiện để trình UNESCO.

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL trong năm 2019 ở lĩnh vực văn hóa, gia đình, Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) và công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 8). Trong năm, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định xếp hạng 37 di tích quốc gia và đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di tích, danh thắng tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch. Các hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tiếp tục được hoàn thiện để trình UNESCO. Hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã diễn ra trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội được nâng lên, những hiện tượng tiêu cực, phản cảm đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước...

Cũng tại buổi họp báo, câu chuyện liên quan đến bộ phim “Ròm” và cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã được đại diện các đơn vị liên quan của Bộ VHTTDL lý giải. Cụ thể, theo ông Nguyễn Thái Bình: Việc báo chí lên tiếng mạnh mẽ cũng sẽ góp phần tạo áp lực, cảnh tỉnh đối với nhà sản xuất cần có định hướng, hành động đúng đắn, tuân thủ luật pháp. Trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để có những quy định xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật như trường hợp phim Ròm... Còn Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà cho biết: “Về phim Ròm ngay trong tháng 9/2019, Cục Điện ảnh đã có thông tin chung gửi đến báo chí. Hiện tại nhà sản xuất đã gửi bản phim có chỉnh sửa, đề nghị duyệt để cấp phép. Cục Điện ảnh đã tiếp nhận và đang trong quá trình xử lý chuyên môn”.

Liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, tại buổi họp báo ông Nguyễn Thái Bình cho biết: Hãng phim đã cổ phần hóa nên phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện Hãng phim chưa báo cáo Bộ về công tác xử lý sau kết luận thanh tra. Trước đó, Bộ VHTTDL đã nhận văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc này. “Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL xác định cụ thể số tiền hoàn trả nhà thầu chiến lược và báo cáo lộ trình. Hiện Bộ đang tập trung xử lý thoái vốn, sau khi xong, sẽ xử lý các cá nhân liên quan và báo cáo ban cán sự”- ông Nguyễn Thái Bình nói.

Một vấn đề được nhiều phóng viên báo chí trao đổi về vấn đề đã tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau trong thời gian qua, đó là việc sử dụng thuật ngữ “vinh danh”, “ghi danh” hay “tôn vinh” đối với di sản văn hóa phi vật thể cho phù hợp? Xung quanh thắc mắc này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành chia sẻ: Thời gian qua có một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang chạy theo hình thức, danh hiệu, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Cho đến nay, UNESCO đã ghi danh 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, gần đây nhất là di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”. UNESCO có những tiêu chí cụ thể để ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể, đi kèm với các danh hiệu là trách nhiệm của các quốc gia có di sản được ghi danh. 13 di sản của Việt Nam sau khi được UNESCO ghi danh đều được cộng đồng sở hữu tích cực bảo vệ, trao truyền, truyền dạy, làm giàu thêm giá trị, góp phần để di sản văn hóa tiếp tục đi vào đời sống, làm giàu đẹp thêm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Việt Nam, đồng thời chứng minh sự đa dạng của văn hóa Việt Nam với thế giới… Các hoạt động thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng được cộng đồng sở hữu di sản, các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, Bộ VHTTDL tổ chức lấy ý kiến bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2019 và chính thức công bố logo Năm ASEAN 2020. Theo đó, mẫu được chọn là của tác giả Phạm Ngọc Thương (Long An). Logo ASEAN 2020 thể hiện hai nội dung “Gắn kết và Chủ động thích ứng” (tiếng Anh: Cohesive and Responsive).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều khúc mắc trong lĩnh vực văn hóa vẫn đang bỏ ngỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO