Những bức ảnh kể chuyện

Minh Phúc 19/12/2016 09:05

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng tôi trở lại làng Lai Xá - xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) gặp cựu chiến binh Đặng Văn Tích, 84 tuổi - một “Vệ út” năm nào của Mặt trận Liên khu I.

Cựu chiến binh Đặng Văn Tích lật giở từng bức ảnh kể chuyện
về những ngày toàn quốc kháng chiến.

Không có gì bị lãng quên trong ký ức của những chiến sĩ cảm tử ấy. “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời - Hà Nội hồng ầm ầm rung - sông Hồng reo - thét lên xung phong...”, càng khắc sâu trong tâm khảm hơn khi những chiến sĩ năm xưa tìm lại được những bức ảnh chụp chính mình và đồng đội, đã nhòa theo thời gian. Đó là cuốn sách ảnh về Thủ đô huyết lệ đã được ra mắt cách đây 10 năm.

Trong rất nhiều trải nghiệm của mình, ông Tích biết rất rõ những bức ảnh vô cùng xúc động do nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Lợi, từng là chủ hiệu ảnh “Bella phôt” tình nguyện tham gia quân tự vệ bám theo từng trận đánh, kịp thời ghi lại hình ảnh Hà Nội ở đủ mọi khoảnh khắc khác nhau, là một điều có ý nghĩa cho hậu thế. Và ông đã bỏ quá nhiều tâm sức vào đó. Ghép từng bức ảnh ấy lại, người ta có thể phần nào hình dung về bức tranh tổng thể trong 60 ngày đêm chiến đấu một cách sinh động và hùng tráng.

Ấy là hình ảnh quân dân Hà Nội phá đường, lập trận địa mìn, dựng chướng ngại vật trên đường phố để chặn đánh địch. Chàng trai Vệ quốc đoàn Liên khu I ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Các chiến sĩ và tự vệ Hà Nội làm lễ tuyên thệ thề quyết tử để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Các khu phố cổ Hà Nội trong 60 ngày đêm Hà Nội khói lửa. Hình ảnh các chiến sĩ quyết tử phố Hàng Bè, khu Đông Kinh Nghĩa Thục chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Chiến sĩ quyết tử khu Đồng Xuân gan góc đặt mìn trước chợ Đồng Xuân trước cuộc rút quân thần kỳ, tháng 2/1947. đội nữ tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu. Hình ảnh đồng bào chở đò đưa bộ phận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng sáng ngày 18/2/1947. Lễ chào mừng Trung đoàn Thủ đô rút quân thắng lợi đã được long trọng tổ chức ngày 21/2/1947 tại xã Thượng Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông – Hà Nội) nhiều và nhiều nữa…

Rồi những ngày Hà Nội khỏi lửa và sục sôi chiến đấu tạm thời lắng lại, những chiến sĩ “Vệ út quyết tử Thủ đô” tiếp tục chuyển sang tiếp nhận nhiệm vụ mới, có mặt khắp các chiến trường. Ngày ấy, người ta sẽ không bao giờ quên được hình ảnh “Vệ út Thủ đô” hát cười hồn nhiên bên các anh bộ đội mừng chiến thắng Sông Thao năm 1949 hay hoạt động của Trung đội “Vệ út” tại chiến trường thiếu sinh quân Sư đoàn quân Tiên phong 308 trở thành những hình ảnh đẹp nhất về cuộc kháng chiến toàn dân. Nhiều bức ảnh trong đó đã gây sự xúc động và cảm tình lớn đó là hai “Vệ út” nhỏ tuổi nhất là Phạm Đình Luận (9 tuổi) và Trang Công Luỹ (10 tuổi) biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội; về các chiến sĩ “Vệ út” quyết tử mang trên vai bộ trống ếch nhi đồng người chân trần, người dép lốp đi đầu cuộc diễu hành của trung đoàn Thủ đô tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1947. Đẹp hơn cả là hình ảnh “Vệ út” Thủ đô hát múa chào mừng Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952, đã làm nổi bật tinh thần hăng hái quả cảm của lực lượng “Vệ út quyết tử Thủ đô” tham gia vào mỗi trận đánh, mỗi chiến trường.

Ông Tích cho biết, bức ảnh “Xung phong” của nghệ sĩ Tiến Lợi từng đoạt giải Vàng quốc tế và một số bức ảnh đẹp của tác giả Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Duy Kiên đều là những kỉ vật vô giá không chỉ riêng đối với người lính như ông mà tất thảy mọi người khi xem đều như thấy hiện diện một phần lịch sử. 145 bức ảnh tư liệu, nghệ thuật quý được in đen trắng cẩn thận (nhỏ nhất cỡ 30x45cm, lớn nhất cỡ 50x70cm) được nhà sưu tầm Đặng Văn Tích có được trong suốt nhiều năm qua là kết quả lao động vất vả và nghiêm túc của những người từng là “Vệ út quyết tử Thủ đô” trong nhiều năm qua từ sưu tầm, phục chế, đến đính chính lại tên các sự kiện, tên các bức ảnh.

Công việc sưu tầm ảnh về Ngày Toàn quốc kháng chiến vẫn được ông Đặng Văn Tích và nhiều đồng đội thầm lặng từ nhiều năm qua. Với ông, tìm được ảnh đã là khó nhưng công tác phục chế, đính chính, chú thích ảnh lại càng đỏi hỏi sự miệt mài, công sức và bền bỉ hơn nữa. Có biết bao những địa danh mà dấu chân bé nhỏ của các chiến sĩ “Vệ út” thành đã đi qua. Nhiều nhân chứng ngày ấy bây giờ người còn, người mất.

Ông cho biết mục đích của việc sưu tầm những bức ảnh này là một thú vui. Ông muốn lưu giữ những kỉ niệm về đồng đội thuộc Trung đoàn Thủ đô nơi ông đã tham gia chiến đấu. Đồng thời những bức hình này cũng giúp cho người thân và đồng đội của ông có thể tìm lại những thông tin của mình qua những năm tháng kháng chiến. Ông cũng đã tự nguyện hiến tặng khối tài liệu ảnh đã sưu tầm được cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bức ảnh kể chuyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO