Phim Việt tìm cơ hội khẳng định

Minh Sơn 29/08/2017 08:20

Phim Việt “xuất ngoại” tham gia các giải thưởng quốc tế, công chiếu tại nước ngoài đã và đang tạo nên những hiệu ứng tích cực cho sự phát triển cho môn nghệ thuật thứ 7. Từ đây, các nhà làm phim có thể lạc quan nghĩ đến một chiều ngược lại cho tác phẩm của mình đó là khẳng định thương hiệu quốc tế thay vì loay hoay tìm các cơ hội phát hành trong nước.

Bộ phim “Tuổi thanh xuân” tạo được hiệu ứng tích cực khi công chiếu tại Hàn Quốc.

“Xuất ngoại” để thành công

Có thể thấy, chưa khi nào trong quãng thời gian 30 năm trở lại đây, điện ảnh Việt lại có nhiều tác phẩm dậy sóng đến ngỡ ngàng như vậy. Thực tế, đây không phải lần đầu phim truyền hình Việt được xuất ngoại.

Từ cuối những năm 90, nhiều bộ phim đã tới được với khán giả nước ngoài như: Người đẹp Tây Đô, Ngọn nến hoàng cung, Chuyện tình công ty quảng cáo, Mekong ký sự, Cầu trường không yên tĩnh, Lều chõng... Những bộ phim này đã được bán và phát sóng tại Thái Lan và trên kênh truyền hình KXLA 44, VBS, phát hành DVD trên thị trường Mỹ.

Thời gian gần đây có phim: Người cộng sự, Tuổi thanh xuân cũng được phát sóng ở một số nước châu Á. Tuy nhiên, trước những bộ phim Việt có thể phát sóng tại nước ngoài hầu hết đều dựa vào mối quan hệ riêng của nhà sản xuất, hoặc đó là phim hợp tác sản xuất với đơn vị nước ngoài chứ gần như chưa có sự tác động, thiết lập quan hệ của các cơ quan quản lý.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm sản xuất phim (Đài Truyền hình Việt Nam) nhìn nhận, việc hợp tác sản xuất và tạo mối quan hệ với các đối tác nước ngoài là bước đi cần thiết để góp phần tạo nên nền công nghiệp phim truyền hình. Bởi trên thế giới, việc trao đổi bản quyền các sản phẩm phim ảnh đã trở nên phổ biến. Vì vậy, nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc coi đây là cách quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước rất hiệu quả đến các quốc gia khác.

Thế nhưng, mừng vì diện mạo phim Việt đã có nhiều đổi mới, mang tín hiệu tích cực, nhưng giới phê bình vẫn cho rằng phim Việt để “tìm lại chính mình” với những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, chất lượng nội dung cao như phim những năm đầu sau chiến tranh, các nhà làm phim Việt còn nhiều việc phải làm.

Nhất là khi ngành điện ảnh nước nhà đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu phim một cách chuyên nghiệp ra khu vực và thế giới trong tương lai gần. Bởi, nhìn lại hành trình xuất khẩu phim một số bộ phim trước đây, giới chuyên môn có thể thấy ở đó hàng loạt những thách thức.

Thực tế cho đến nay, số lượng phim xuất khẩu được vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điểm chung của các phim Việt trước khi xuất khẩu sang thị trường ngoại là đều phải thông qua một đơn vị truyền thông nước ngoài và có dấu ấn biên tập của các nhà làm phim nước ngoài. Nhìn nhận điểm yếu của phim Việt, nhiều chuyên gia, đại diện các hãng phim đều cho rằng, một trong những trở ngại lớn cản đường “xuất ngoại” của phim Việt, đó là sự lạc hậu về công nghệ.

Chỉ nói riêng về bộ phim “Mùi cỏ cháy” từng được đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar năm 2013, tuy nhiên, bộ phim đã phải “trắng tay” rời giải và không lưu lại mấy ấn tượng với người xem tại đây. Do đó, để “đem chuông đi đánh xứ người”, phim Việt vẫn cần thêm một thời gian dài để hoàn thiện trong sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành điện ảnh và bản thân các nhà làm phim.

Cơ hội hồi sinh

Công bằng mà nói, việc phim truyền hình Việt được xuất ngoại là một minh chứng cho những nỗ lực của các nhà làm phim trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, nhắc đến điện ảnh Việt Nam, nhiều người vẫn “hoài niệm” một thời đỉnh cao với hàng loạt bộ phim ra đời trong và sau chiến tranh, như: “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”… Đây đều là những tác phẩm để lại thành công lớn, xét về mặt nghệ thuật cũng như giải thưởng và sức ảnh hưởng đối với công chúng.

Trong số đó, nhiều phim còn giành giải thưởng lớn của quốc tế, như phim “Cánh đồng hoang” - bộ phim đạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam, giải đặc biệt Liên đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế (1980), Huy chương Vàng Liên hoan phim Quốc tế Moskva (1981)…; “Bao giờ cho đến tháng Mười” được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam và được hãng CNN đánh giá là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Giá trị của các tác phẩm đến nay vẫn vẹn nguyên và gây ấn tượng mạnh với khán giả mỗi khi nhắc đến.

Thế nhưng, ba thập niên sau lại là “khoảng lặng” của phim Việt, khi mất hút những tác phẩm mang tính đỉnh cao. Thay vào đó là sự ra đời của dòng phim giải trí, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của một bộ phận khán giả trong xã hội. Các hãng phim nhà nước, từng gắn liền với những bộ phim kinh điển, nay chìm trong khó khăn, bế tắc.

Chỉ đến vài năm gần đấy, sự chờ đợi của giới chuyên gia về những bộ phim tiếp bước “Bao giờ cho đến tháng Mười” mới có chút hy vọng, khi thị trường điện ảnh có sự đa dạng, phong phú hơn về số lượng và chiều sâu hơn về chất lượng. Điều này thể qua số lượng phim tham gia tranh giải Cánh diều, liên hoan phim ngày càng tăng lên, trong đó, sự xuất hiện của phim do tư nhân sản xuất đang trở thành điểm nhấn của điện ảnh Việt.

Song, đáng mừng hơn cả là sự xuất hiện của một loạt phim truyền hình chính luận gây tiếng vang như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” mới được công chiếu, hay “Chủ tịch tỉnh”, “Đàn trời”, “Lựa chọn cuối cùng” được công chiếu vài năm trước đó.

Trong đó, đáng lưu ý phải nói đến bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” được công chiếu năm 2010 được ví như một “cơn gió mới” cho dòng phim chính luận. Điểm dễ nhận thấy qua các bộ phim này, đó là nội dung phim đều mang hơi thở của cuộc sống, từ cuộc chiến chống tham nhũng, vạch trần những mặt trái của xã hội, những cán bộ thoái hóa, biến chất, song song đó là hành trình dấn thân, đấu tranh chống tiêu cực của các cá nhân trong xã hội…

Và như đạo diện Đỗ Thanh Hải từng nhìn nhận: Nếu muốn đi những bước dài và hiệu quả trong việc phát hành phim ra thế giới thì cần có sự đầu tư nghiêm túc về mọi mặt, đặc biệt là 2 yếu tố: Con người và chi phí sản xuất. Để đưa phim Việt ra thế giới ngay lập tức thì không thể. Chúng ta phải có kịch bản tốt với một đề tài không quá dị biệt, sau đó là chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, đồng thời phải hình thành đội ngũ tiếp thị sản phẩm chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim Việt tìm cơ hội khẳng định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO