Quản lý biểu diễn nghệ thuật: Loay hoay giải nghĩa văn bản

Hoàng Minh 21/04/2016 07:45

Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh về vấn đề lệch pha qui định trong quản lý biểu diễn nghệ thuật hiện nay, khiến giới làm nghề, đặc biệt là các nhạc sĩ rất băn khoăn. Nhằm phổ biến rõ hơn về Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định 15 (thay thế Nghị định 79) về quản lý biểu diễn nghệ thuật), sáng 20/4, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Vấn đề tác quyền âm nhạc sẽ không cho phép hành chính hoá các quan hệ dân sự (ảnh minh họa). Ảnh Lý Võ Phú Hưng.

Đề nghị xác định rõ quyền tác giả

Hội nghị mất gần một nửa thời gian để nghe ông Lê Minh Tuấn, trưởng phòng Quản lý biểu diễn (Cục Nghệ thuật biểu diễn- NTBD) đọc lại toàn bộ hai văn bản Nghị định 15 và Thông tư 01 (dù các văn bản đều đã được phát cho các đại biểu).

Về vấn đề quyền tác giả, đại diện Sở Văn hóa- Thể thao TP HCM cho rằng, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, đã bỏ qua việc chứng minh quyền sở hữu tác phẩm sẽ tạo thành kẽ hở để các đơn vị, tổ chức trốn tránh trách nhiệm. Tại Nghị định 15 và Thông tư 01 có quy định bản cam kết về quyền tác giả, nhưng chưa quy định rõ thời hạn mà các đơn vị sử dụng tác phẩm phải chi trả tiền bản quyền tác giả.

Do đó cần phải qui định rõ thời hạn sau khi tổ chức sự kiện bao lâu, thì đơn vị sử dụng phải thực thi quyền tác giả. Và nếu các đơn vị muốn xin tái cấp phép biểu diễn, thì phải chứng minh được rằng, họ đã thực thi quyền tác giả ở các sự kiện đã tổ chức trước đó.

Liên quan đến quyền tác giả âm nhạc, tròn một tuần trước đó Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng đã tổ chức một hội nghị phân tích những bất cập của hai văn bản nói trên. Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMC) cho hay: Tại Điều 9 của Nghị định bổ sung (Nghị định 15) có qui định mới về thẩm quyền và thủ tục cấp, thu đổi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Đại thể là khi đơn vị muốn cấp giấy phép biểu diễn ngoài những qui định khác, đơn vị đó phải có được 1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Theo ông Phương, nếu như thế thì Thông tư hướng dẫn số 01 đang mâu thuẫn với Nghị định 15 vừa bổ sung, sửa đổi - khi mà các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả bị gạt ra ngoài, không kiểm soát được quyền sở hữu tác phẩm của mình.

Không đồng tình lắm với cách lập luận này, tại hội nghị trực tuyến hôm qua, NSND Trần Bình- Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đặt vấn đề: Từ lâu VCPMC muốn các cấp Trung ương, địa phương chia sẻ quyền cấp phép, coi như một thứ giấy phép con. Tôi cho rằng, Thông tư 01 hiện nay cộng với đơn cam kết trả tiền tác quyền là đủ!

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục NTBD khẳng định, pháp luật không cho phép hành chính hoá các quan hệ dân sự. Vì vậy, nếu đưa các qui định trên vào bộ hồ sơ đề nghị cấp phép biểu diễn thì các cơ quan quản lý nhà nước đã làm sai các quiđịnh của pháp luật.

Theo đó, những khúc mắc về tác quyền không phải là các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm không đóng tiền, quan trọng là mức thu thoả thuận giữa người sử dụng tác phẩm với người đại diện cho chủ sở hữu quyền tác giả không thống nhất với nhau.

Biện pháp mà phía Cục đưa ra là khi VCPMC hoặc các nhạc sĩ phát hiện đơn vị nào sử dụng tác phẩm không trả tiền tác quyền thì kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước là Cục NTBD hoặc Sở VH-TT&DL. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp giấy phép biểu diễn cho các đơn vị này những lần sau, vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tác quyền.

Ngoài ra, theo ông Chương, những văn bản nói trên đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ hức xã hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Mong muốn các sở, các phòng chuyên môn tham mưu cho lãnh đạo Sở giám sát cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn đi vào nề nếp, góp phần cho hoạt động này có hiệu quả.

Như vậy, Cục NTBD đã bày tỏ rõ quan điểm: việc đòi hỏi cho phép cấp phép như một cơ quan quản lý nhà nước với VCPMC là hơi quá. Đồng thời khẳng định Thông tư 01 được ban hành là hợp lý.

Nghị định 15 bổ sung thay thế được kỳ vọng sẽ trám những lỗ hổng trong quản lý, cấp phép nghệ thuật biểu diễn so với Nghị định 79 trước đó. Chỉ nực cười là đương khi thị trường biểu diễn nghệ thuật ngổn ngang trăm mối, thì người trong cuộc vẫn loay loay đi cắt nghĩa những qui định trong văn bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý biểu diễn nghệ thuật: Loay hoay giải nghĩa văn bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO