Sách lậu đang 'giết dần' sách thật

Minh Quân 04/07/2019 08:00

Hoạt động in lậu sách đã và đang diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Không chỉ sách của các NXB trong nước mà còn có sách của các đơn vị xuất bản nước ngoài cũng bị in lậu, phát hành lậu trên thị trường với số lượng không nhỏ.

Sách lậu đang 'giết dần' sách thật

Ảnh minh họa.

Thủ đoạn tinh vi

Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành hiện nay các thủ đoạn in sách lậu là cực kỳ tinh vi. Các cuốn sách in lậu, in giả, in nối bản trái phép hiện nay đều lấy tên tác giả hay mượn danh cơ quan có chức năng và uy tín trong một lĩnh vực nào đó đứng tên in vào sách lậu để bán. Ngoài ra công ty in lậu còn nhờ một lãnh đạo hay một nhà khoa học, một cán bộ có uy tín trong một lĩnh vực chuyên môn viết lời giới thiệu nhằm tăng giá trị của cuốn sách để đánh lừa bạn đọc.

Cùng với đó, để tiêu thụ các sản phẩm giả này các công ty in lậu đã sử dụng mạng internet làm nơi để kinh doanh sách lậu, hình thức quảng cáo công khai kèm theo cơ chế phục vụ hấp dẫn, giao hàng tận nơi để tránh phải bày bán và sự kiểm soát của các cơ quan quản lý thị trường. Chưa kể, nhiều địa điểm còn bày bán sách lậu với sách thật để tránh sự kiểm tra của các cơ quan quản lý và đánh lừa độc giả. Người tiêu dùng nếu không xem xét kỹ sẽ khó phân biệt.

Cũng theo báo cáo Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ nói riêng ở Hà Nội, sách lậu được bày bán công khai khắp nơi, trong các cửa hàng sách lớn, các nhà sách, các quầy sách, sạp sách, trong công viên, sách bán dạo trên hè phố... Hạ giá bán xuống thấp hơn so với sách thật. Phần in giá của những cuốn sách lậu thường in mức giá rất cao, sau đó đưa ra các cửa hàng sách, từ đây các cửa hàng, các đối tượng tiêu thụ sách lậu thực hiện cái gọi là “hạ giá” để người mua lầm tưởng là sách rẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhìn nhận, hiện nay khi đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà xuất bản đưa ra. Nếu số sách in lậu bị tịch thu, đối tượng in lậu chỉ trả cho cơ sở in tiền mực in, giấy in, cơ sở in chỉ mất một phần tiền giấy in và mất công in. Nếu trót lọt, đối tượng in lậu và cơ sở in chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã thỏa thuận. Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút..., “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách, đủ sức kéo bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên của nhà xuất bản hùn vốn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó để hưởng lợi nhuận.

Báo động đỏ

Có thể thấy, hậu quả của in lậu tại Việt Nam trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News đã rất nhiều lần phải ngao ngán thừa nhận nạn sách giả, in lậu tại Việt Nam ngày một ngang nhiên lộng hành trên quy mô cả nước theo cả chiều rộng về số lượng sách giả và vụ việc in ấn, vận chuyển, tiêu thụ vi phạm pháp luật, cũng như chiều sâu của sự gia tăng mức độ ngang nhiên vi phạm pháp luật trên mọi khâu từ quan hệ với quản lý nhà in, đóng xén, kho bãi đến khâu tiêu thụ sách như đưa sách giả vào nhà sách, các sàn thương mại điện tử. Vấn nạn này đã và đang gây những hệ lụy vô cùng lớn tới toàn bộ các nhà xuất bản, đơn vị xuất bản, tác giả chân chính cũng như cộng đồng bạn đọc trên toàn quốc.

Có nhiều ý kiến, nhận thức từ bạn đọc và không ít người, kể cả các ban ngành vẫn chưa nhận ra tác hại sâu xa từ việc in lậu và phát hành, tiêu thụ sách giả, thậm chí ngoài thái độ bàng quan vô cảm, còn bày tỏ quan điểm ủng hộ sách lậu vì sách có xấu một chút, đọc nhức mắt một chút, sai một chút nhưng lại rẻ, có sao đâu?

Tuy nhiên, những băn khoăn, trăn trở của giám đốc First News đến nay cũng giống như một cuốn sách chưa tìm ra “lời kết”. Bởi dù đã có rất nhiều các cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức để tìm ra các giải pháp, thậm chí số lượng vụ việc được phát hiện và xử phạt các cơ sở in lậu sách cũng tăng trong thời gian qua nhưng dường như đến nay chưa có một biện pháp căn cơ, triệt để.

Bởi thực tế, như ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách Thái Hà ví von “Ăn cắp 4 quả mít bị đi tù 12 tháng, còn in trái phép 1,2 tỷ đồng tiền sách lậu vừa mới xảy ra tháng 5/2019 thì không biết đi về đâu. Có thể nói, dùng sách lậu là giết chết kinh tế tri thức, bởi không bảo vệ bản quyền thì các nước không bán bản quyền sách cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nguy hiểm hơn, sách giả làm sai lệch về nội dung, ảnh hưởng tới bạn đọc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách lậu đang 'giết dần' sách thật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO