Sân khấu thử nghiệm: Dành cho khán giả nào?

Minh Quân 15/11/2016 01:39

Sau 10 năm gián đoạn, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 vừa khai mạc tại Hà Nội. Do công tác quảng bá, rất ít người biết về hoạt động này, nên một băn khoăn đang được đặt ra: Liên hoan sân khấu thử nghiệm dành cho khán giả nào?

Sân khấu thử nghiệm: Dành cho khán giả nào?

Vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3.

Vắng bóng sân khấu truyền thống

Ông NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN- Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan cho biết, ngoài số lượng đoàn quốc tế vượt trội so với hai lần trước, nhiều vở lần này chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu. Một trong số đó là đưa kỹ thuật để mở rộng không gian sân khấu.

Chẳng hạn như vở “Bạch Xà” của đoàn Trung Quốc là câu chuyện quen thuộc nhưng đưa ứng dụng màn hình led khiến hiệu ứng khác hẳn. Một số vở quốc tế: Con tàu này sẽ không trôi mãi (Panama), Họa bì (Singapore), Khách sạn thiên đường (Đức), Tôi nhớ (Hy Lạp), Chim hải âu (Nhật Bản).

Nhận xét về mặt bằng chung của các vở diễn tham gia Liên hoan, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, các nước tham gia đã có rất nhiều cách tân trong nghệ thuật, kỹ thuật và đặc biệt là về sân khấu. Điển hình một vở diễn của đoàn Hungaria, chỉ có hai diễn viên biểu diễn trong một chiếc túi nilon về mối tình của đôi trai gái, bằng ngôn ngữ hình thể rất đẹp.

Hay như vở “Hamlet” của Đức, chỉ có một nhân vật trong suy nghĩ tồn tại hay không tồn tại, vẫn chuyển tải được tinh thần của Shakespeare.

Trung Quốc có vở “Bạch xà”, hình ảnh quen thuộc, nhưng màn hình led và kỹ thuật mới làm cho câu chuyện linh thiêng hơn, huyền ảo hơn.

Có những loại hình nghệ thuật cùng lúc lấy mặt nạ để giảm thiểu con người. Hơn 20 nhân vật mà chỉ có 5 diễn viên. Về mặt sân khấu, ông Lê Tiến Thọ cho biết, nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế hiện nay có xu hướng đơn giản hóa tối đa sân khấu, di chuyển gọn nhẹ và biểu diễn cũng hết sức đơn giản, tiết kiệm chi phí, công sức rất nhiều.

Điều đáng tiếc nhất trong Liên hoan lần này là sự vắng bóng của các đơn vị nghệ thuật truyền thống VN. Nghệ thuật tuồng, chèo đều đứng ngoài “cuộc chơi”.

Đơn cử, như sân khấu cải lương có hai vở diễn đăng ký dự thi là “Ngạ quỷ” (Nhà hát Cải lương VN) và “Cạm bẫy và trừng phạt” (Nhà hát Cải lương Hà Nội) nhưng cả hai đều không vượt qua được vòng loại.

Một nguyên nhân mà chính Hội đồng thẩm định các tác phẩm thừa nhận, một số đạo diễn chông chênh giữa thử nghiệm và đã gây khó dễ cho khán giả.

Nhiều tác giả đã quá sa đà vào quan niệm với một vở diễn thử nghiệm là phải có nội dung lớn lao và khán giả phải cũng suy nghĩ, chiêm nghiệm… Có những vở được gọi là thử nghiệm nhưng mang tính “đánh đố” và không thể chạm vào cảm xúc của người xem.

Cơ hội nào cho khán giả

Theo đánh giá chung, các nhà hát, đoàn nghệ thuật VN đầu tư chăm chút công phu cho đứa con tinh thần của mình để góp mặt để góp mặt tại Liên hoan.

Nhà hát Múa rối Thăng Long âm thầm chuẩn bị cho “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” từ đầu năm, và đến đầu tháng 8 vừa qua đã chính thức ra mắt. Đây là vở diễn đầu tiên đưa kịch bản Lưu Quang Vũ vào sân khấu rối, kết hợp cả con rối và diễn viên người thật.

Sân khấu được thiết kế công phu, cao ba tầng, chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa và bổ trợ cho vở diễn rất hiệu quả. Ngay trong buổi ra mắt, vở diễn đã nhận được những đánh giá cao của Hội đồng nghệ thuật.

Nhà hát Kịch Quân đội đã gửi rất sớm hai vở “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” của tác giả A. Ustiugov và “Dưới cát là nước” của tác giả Nguyễn Quang Vinh, cả hai đều do NSND Lê Hùng dàn dựng.

Cả hai vở đều được dàn dựng rất công phu, ghi hình kỹ lưỡng, tuy nhiên chỉ có vở “Dưới cát là nước” là được chọn. “Hamlet” cũng là một vở diễn được xây dựng công phu.

Đạo diễn Anh Tú đã sử dụng câu chuyện của đại thi hào Shakespear để khai thác một khía cạnh khác trong mối quan hệ giữa con người với con người. Dựa trên một kịch bản kinh điển của châu Âu, nhưng đạo diễn Anh Tú đã đưa vào một số yếu tố dân tộc như trò Xuân phả ở Thanh Hóa…

Có một thực tế là Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3, 2016 diễn ra tại Hà Nội đến ngày 20-11 dường như đang “làm khó” khán giả. Với lịch diễn mỗi ngày sẽ có từ 2 đến 3 vở trình diễn tại các địa điểm: Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Rạp Hồng Hà, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Quân đội, Star Galaxy; vé được phát miễn phí tại các điểm diễn.

Nhưng với 3 suất diễn vào 9h, 14h và 20h thì dường như khán giả chỉ có thể có cơ hội thưởng thức các tác phẩm vào buổi diễn tối (20h). Về vấn đề này, BTC Liên hoan lý giải: BTC đã cố gắng để khán giả có thể thưởng thức những thử nghiệm mới của nghệ thuật.

Với các vở diễn do VN tổ chức đều các chương trình biểu diễn thường kỳ của các đơn vị nghệ thuật. Chỉ đáng tiếc là nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật quốc tể rất hấp dẫn, nhưng khán giả chưa có nhiều cơ hội để được thưởng thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu thử nghiệm: Dành cho khán giả nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO