Sử thi 'Đẻ đất, Đẻ nước': Một cách tiếp cận mới

Hoàng Minh - Phạm Quý 18/12/2017 09:10

"Đẻ đất, Đẻ nước” là trang sử thi giàu giá trị của kho tàng văn học Việt Nam. Trước đây, đã có nhiều nhà nghiên cứu phân tích giá trị nội dung của tác phẩm này tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn còn những tranh cãi và xuất hiện thêm nhiều cách hiểu mới về “Đẻ đất, Đẻ nước”.

Sử thi 'Đẻ đất, Đẻ nước': Một cách tiếp cận mới

Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải và nhà nghiên Nguyễn Thị Mỹ Liêm tại Lễ trao giải.

Mới đây, theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ông Cao Sơn Hải về sử thi này, ông đã đưa ra cách nhìn, cách tiếp cận mới, có phần thực tế và dễ chấp nhận hơn đối với người đọc. Thông qua nghiên cứu của mình, tác giả đã bác bỏ những quan điểm không hay về sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” khi cho rằng, bản thân sử thi mang hơi hướng của các thầy cúng, thầy Mo dân tộc Mường. Có lẽ, chính bản thân tác giả cũng là người con của dân tộc Mường, nên có thể phần nào lý giải được tại sao ông lại tâm huyết và hiểu nó đến vậy. Đây cũng là tác phẩm được giải Nhất trong Lễ trao giải năm 2017 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Đánh giá về tác phẩm, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian nói: “Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” như các bạn đã biết, chúng ta phát hiện ra từ những năm 70. Sau đó, có nhiều thầy Mo đưa vào bài cúng của mình nên làm méo mó và loãng đi bản chất tốt đẹp của sử thi này. Bởi vậy, có những nội dung của sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” qua năm tháng bị làm nhòe đi và sử dụng không đúng mục đích”.

Chung quan điểm đó, chính tác giả, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải cũng nêu rõ: “Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” không phải chỉ của người Mường mà nó là của người Việt Mường, ở thời kỳ giữa người Mường và người Kinh chưa tách nhau và có cùng chung một hệ ngữ. Trước hết tác phẩm này là một tác phẩm văn học, nó được thể hiện qua ngôn ngữ Việt Mường. Bằng nghiên cứu của mình tôi đã chứng minh được tác phẩm này không chỉ của người Mường mà là sản phẩm tinh thần của cả người Kinh và người Mường. Trước đây tác phẩm này đã có rất nhiều người nghiên cứu, nhưng họ đi một con đường khác, tôi đi một hướng khác.

Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, cuốn sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” là một cuốn sử thi đề cao sức sáng tạo của người Việt cổ. Thông qua những sinh hoạt thường ngày của mình, họ đã cho ra đời những sản phẩm của nhân loại bằng trí óc và sự thông minh của bản thân. Bởi vậy, đây là cách đánh giá đúng cho con người Việt Nam xưa, bình dị và rất đỗi tự hào. “Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” là một sử thi sáng tạo. Phải nói rằng người Việt Mường của chúng ta cho tới nay rất vĩ đại, sớm làm cho mình một tác phẩm văn học, mà ở đó những tư tưởng rất lớn lao.

Chia sẻ thêm, GS TSKH Tô Ngọc Thanh nói: “Công trình này theo cá nhân tôi là một công trình có giá trị nhất cho tới thời điểm bây giờ. Tác giả phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có thể cho ra đời được một phiên bản gần với nguyên gốc nhất, cái đó quá khó, mất rất nhiều thời gian, công sức. Theo tôi đây là một công trình thực sự có giá trị”.

Mới đây tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã tiến hành trao giải thưởng cho các cá nhân có các tác phẩm xuất sắc trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, có 2 công trình nghiên cứu đạt giải Nhất đó là “Sử thi Đẻ đất, Đẻ nước: Một cách tiếp cận” của nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải và Nhạc lễ dân gian người Việt ở Nam Bộ của Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Mỹ Liêm. Bên cạnh đó, Hội cũng trao 16 Giải Nhì; 26 Giả Ba; 12 Giải Khuyến khích và 4 tặng phẩm cho các công trình, tác phẩm VNDG có giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử thi 'Đẻ đất, Đẻ nước': Một cách tiếp cận mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO