Tài năng sẽ chết khi không có người hâm mộ

Hoàng Minh (ghi) 17/07/2017 08:35

Tại thủ đô Hà Nội đang có 6 đơn vị nghệ thuật công lập. Ước mơ khán giả chật kín mỗi đêm diễn của các đoàn tại các rạp sau nhiều năm vẫn là… ước mơ. Đó là ý kiến của nhà viết kịch Chu Thơm xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Sân khấu vắng khán giả

Hiện tượng vắng khán giả không chỉ ở sân khấu Hà Nội mà còn diễn ra hầu khắp các thành phố lớn. Đau xót vì sản phẩm được làm ra “rất đúng quy trình” mà vẫn thất bại. Lễ báo cáo vở diễn mới tràn ngập hoa chúc mừng, ngập tràn khán giả được mời nhưng sau đó thì không bán được vé. Nhà nước đau vì không thu hồi được vốn. Nhưng các nghệ sĩ mới là những người đau xót nhất vì sức lực và tâm huyết của họ bỏ ra đã không được khán giả nhìn nhận, động viên. Có câu “Tài năng sẽ chết nếu không có người hâm mộ” mãi mãi là đúng khi Pele hoặc Messi không thể đá hay trên một sân vận động không khán giả; Vaganova tuyệt vời múa trong một nhà hát không một bóng người; ca sĩ opera Pavarotti hát không ai nghe…

Nhiều người đưa ra các nguyên nhân khiến sân khấu Hà Nội của chúng ta vắng khán giả trong gần hai thập kỷ qua, đó là đổ lỗi cho internet, các chương trình phim truyện truyền hình, các chương trình giải trí trên tivi phát tối ngày khiến khán giả lười đến rạp. Có người lại nói rằng giờ là thời đại của hài kịch nên khán giả không thích xem những vở chính kịch. Hay có người lại bảo các vở diễn giờ khi công diễn đã tự kiểm duyệt, tròn vo nên khô khan.

Chính vì những nguyên nhân này hiện nay nhiều đơn vị sân khấu chuyên dàn dựng đời cười, biến diễn viên của mình thành những nhân vật dị hợm của tấu hài Sài Gòn những năm 80-90 thế kỷ trước. Nhiều đơn vị có chủ trương “né” những gai góc cuộc sống nóng hổi ngày hôm nay bằng cách “trốn” vào trong các đề tài truyền thuyết, dân gian. Mặc dù trong vở diễn quan chức to nhất đề cập là quan huyện thế mà vẫn cứ vắng khán giả. Bởi chính người xem không chấp nhận được sự cợt nhả quá đà của “đời cười”. Họ không thấy cuộc sống hôm nay với những nỗi lo thường trực về tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn, nạn tham nhũng và sự băng hoại đạo đức thời mở cửa.

Vậy là hành trình kéo khán giả mở hầu bao mua vé vào rạp xem đã khó lại càng khó thêm. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều nhà hát đã chủ động “chiều” khán giả bằng cách uốn éo vở diễn chạy theo thị hiếu nhưng lại bỏ quên đi sự bứt phá của nghệ thuật. Đặc biệt, là trong cách khai thác các vở diễn có đề tài hình sự, tâm linh, tình yêu tay ba đượm chất ngôn tình, những tội ác của lũ người biến thái thời hiện đại… Khán giả đi xem không thấy được tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ, các nhân vật trung tâm của sân khấu.
Ngày trước các cụ chỉ có mấy vở chèo cổ mà diễn hết năm này đến năm khác nhưng vẫn nườm nượp người xem. Bởi bên cạnh nội dung họ còn đến để xem các cô đào anh kép diễn. Họ muốn xem Xúy Vân, Thị Mầu, Lưu Bình, Cu Sứt… mùa này có khác cô đào năm trước. Còn cái tâm lý đi xem diễn viên biểu diễn thực tế chỉ còn có ở các sân khấu khấu xã hội hóa khi vở diễn có Thành Lộc, Hồng Vân, Hoài Linh… tham gia. Để có được những thành công này các đơn vị xã hội hóa đã coi việc gây dựng cho bằng được các ngôi sao ở mỗi sân khấu để kéo khán giả đến rạp.

Chú trọng xây dựng “ngôi sao”

Ngay tại trung tâm của thành phố NewYork (Mỹ), bất chấp các bộ phim bom tấn, các trò chơi trực tuyến trên truyền hình, cụm sân khấu Broadway gồm 39 nhà hát chuyên nghiệp ở đây vẫn có tiếng nói riêng. Các vở diễn luôn thu hút được đông đảo khán giả đến thưởng thức hết năm này đến năm khác. Thậm chí các vở diễn kinh điển như “Bóng ma trong nhà hát”, “Vua Sư tử”, “Romeo và Juliette”, “Hamlet”… còn là điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Và trong mùa biểu diễn 2016 – 2017 các nhà hát này đã thu hút được hơn 13 triệu lượt khán giả tới xem đạt doanh thu kỷ lục lên tới 1,45 tỷ USD. Ở đó, vai trò của nghệ sĩ biểu diễn được đưa lên hàng đầu khi manh nha kịch bản đã tạo đất diễn và sự trổ tài cho họ. Trong vở diễn các nghệ sĩ có thể nhào lộn như diễn viên xiết, đấu võ như các võ sĩ, hát như những ca sĩ thực thụ. Bên cạnh đó, không gian sân khấu trong các vở diễn được tận dụng tối đa khoa học kỹ thuật hiện đại, gây ra nhiều hiệu ứng sân khấu làm khán giả bất ngờ.

Từ đó có thể thấy việc “đo ni, đóng giầy” cho các nghệ sĩ đóng vai chính trong các vở diễn, tạo điều kiện cho họ trổ tài là điều cực kỳ quan trọng. Đây chính là điều mà các tác giả kịch bản và chỉ đạo nghệ thuật của mỗi đơn vị phải hết sức lưu tâm khi đơn vị đặt hàng tác giả. Có như vậy thì tài năng và thứ hạng của nghệ sĩ mới được đánh giá đúng mức. Thiết nghĩ, đó cũng là một cách làm kéo khán giả đến rạp vì khán giả mãi mãi là nguồn động lực nuôi sống nghệ thuật sân khấu, nuôi sống các nghệ sĩ, để họ chuyên tam với công viên của mình. Theo nghĩa đen là bỏ tiền ra mua vé và theo nghĩa bóng là “Tài năng sẽ chết nếu không có người hâm mộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài năng sẽ chết khi không có người hâm mộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO