Thêm cơ hội tiếp cận sách

Hoàng Minh 03/10/2019 08:00

Ngày 2/10, tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ TTTT đã tổ chức Lễ khai mạc Hội Sách Hà Nội lần thứ VI. Diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6/10, Hội Sách thu hút được nhiều đơn vị xuất bản uy tín trong và ngoài nước tham dự với khoảng 200 gian hàng gồm nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng: Sách thiếu nhi; sách văn học, văn hóa xã hội; sách kinh tế, khoa học kỹ thuật; sách ngoại văn; sách điện tử và thiết bị số…

Thêm cơ hội tiếp cận sách

Trưng bày tại Hội sách Hà Nội. ảnh: Thúy Tình.

Với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”, Hội Sách Hà Nội năm nay có sự tham gia của một số cơ quan ngoại giao tại Hà Nội như các Đại sứ quán Ấn Độ, Indonesia, Phap, Italia và Séc; Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á, Hiệp hội Xuất bản Philippin, Hiệp hội xuất bản Myanmar, Tổ chức Thành phố Sách Kota Buku (Malaysia) và 14 nhà xuất bản đến từ Nhật Bản, Malaixia, Indonexia và Singgapo.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TTTT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Đọc sách là một trong những cách thức quan trọng để giúp chúng ta nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, phát triển tư duy và giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính là động lực và công cụ chủ yếu để tiến tới xây dựng một xã hội học tập. Xác định vị trí, quan trọng của sách và đọc sách trong đời sống xã hội, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”.

Thực hiện Quyết định của Thủ ướng, 5 năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã nỗ lực phát triển phong trào đọc sách, tố chức nhiều sự kiện văn hóa đọc phong phú, đa dạng, hấp dẫn có sức lan tỏa không chỉ vào dịp 21/4 hàng năm mà còn diễn ra vào nhiều thời điểm, kết hợp với nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng khác. Hội Sách Hà Nội chính là một hoạt động như thế.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TTTT, Hội Sách Hà Nội đến nay đã qua 5 lần tổ chức. Qua mỗi lần tổ chức, Hội Sách đều mang một dấu ấn thành công riêng, thu hút được sự tham gia đông đảo của các đơn vị xuất bản, phát hành, truyền thông trong nước, quốc tế; sự hưởng ứng, đón nhận của bạn đọc không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn có sức hút với bạn đọc các địa phương trong khu vực khẳng định được thương hiệu của Hội Sách Hà Nội…

“Rất mong qua sự kiện này, TP Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước tiếp tục quan tâm một cách thiết thực đến văn hóa đọc, đầu tư tổ chức nhiều hơn nữa các Hội Sach, Phố Sách, Đường Sách… để nhân dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với sách; những người viết, những người tham gia công tác xuất bản, in và phát hành có cơ hội giao lưu, quảng bá và phát triển thương hiệu. Để văn hóa đoc trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội” - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị.

Tại Hội Sách bên cạnh các gian sách truyền thống BTC đã mang đến cho độc giả một không gian chuyên đề đặc biệt với chủ đề “Hà Nội - 20 năm Thành phố vì hòa bình”. Đây là nơi tập trung trưng bày, giới thiệu về sách, tư liệu về truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội, truyền thống Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình và sách của các cơ quan ngoai giao, các hiệp hội và nhà xuất bản nước ngoài, trưng bày tranh thiếu nhi quốc tế với chủ đề “Em yêu Hà Nội - Thành phố hòa bình”.

Trong khuôn khổ chương trình còn có các cuộc tọa đàm, giao lưu, giới thiệu sách. Như, tọa đàm về 2 tựa sách của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến) gồm “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ chợ - Đàng Ngoài (1672 - 1697)” và “Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ chợ - Đàng Ngoài (1637 - 1700)” của Nhà Xuất bản Hà Nội; Chương trình “Trò chuyện cùng nhà văn Chu Lai - một đời lính, một nghiệp văn”; Chương trình giao lưu “Sống không rác” của diễn giả TS. Nguyễn Mạnh Hùng; Tọa đàm “Nuôi dưỡng một người đọc tí hon”; Nhà Xuất bản Kim Đồng giới thiệu các chương trình giao lưu: nhóm ký họa đô thị Hà Nội, tác giả sách “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” (nhóm tác giả đã được trao Giải Việc làm - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019) và ra mắt sách tủ sách “Làm cha mẹ - Kinh nghiệm từ nước Nhật”; Tọa đàm “Thiên văn học trong tầm tay”, Chương trình “Hà Nội, một thời để nhớ” và ra mắt sách “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”...

Đặc biệt, các chương trình “Thông điệp về Sử thi Mahabharata đối với thế kỷ 21” với diễn giả là TS. G.B.Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức, Tọa đàm về sách Ý với chủ đề “Văn học Ý chuyển ngữ sang tiếng Việt: quá khứ, hiện tại và tầm nhìn tương lai” với diễn giả là bà Maria Benimeo, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Italia; Chương trình gặp gỡ, ký tặng sách của tác giả Marko Nikolic, một người nước ngoài yêu Hà Nội đã viết cuốn “Phố Nhà thờ” bằng tiếng Việt tại gian hàng Nhã Nam… sẽ là những cơ hội tuyệt vời để độc giả yêu sách được tìm hiểu tác giả, tác phẩm và giao lưu văn hóa các nước.

Ngoài ra, tại Hội Sách Hà Nội 2019 còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, giao lưu đặc sắc. Trong đó, đặc biệt, chương trình “Ký ức mùa thu” kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (với hoạt động trưng bày tư liệu theo chủ đề “Hà Nội mùa thu năm ấy”; chương trình “Lễ chào cờ lịch sử” tái hiện lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng; giao lưu nhân chứng lịch sử và ra mắt cuốn sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”) do Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng Thành - Thăng Long thực hiện sẽ giúp độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống Thủ đô anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm cơ hội tiếp cận sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO