Thư viện cơ sở: Ngổn ngang trăm mối

Minh Quân 16/06/2017 07:45

Đánh giá hoạt động thư viện cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2011-2016, ngày 15/6, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo “Thư viện cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam – Thực trạng hoạt động và mô hình quản lý”. Tại đây, một lần nữa những câu chuyện buồn của thư viện cơ sở được phân tích, đánh giá để tìm giải pháp khắc phục.

Thư viện huyện Mang Thít tỉnh Vĩnh Long.

Khó vực thư viện xã

Theo báo cáo, trong vòng 6 năm từ 2010 đến nay đã có thêm 38 thư viện cấp huyện được thành lập. Trong giai đoạn này thư viện cấp xã có sự phát triển vào năm 2011, 2013 nhưng sau đó liên tục có sự giảm sút về số lượng.

Đến năm 2016, tỉnh có nhiều thư viện xã nhất là Phú Thọ - 277 thư viện xã, còn lại bình quân các tỉnh thành có khoảng 20 thư viện xã. Bên cạnh đó, một số địa phương đã hình thành các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên địa bàn xã.

Hiện nay cả nước có khoảng 60 thư viện tư nhân. Nhưng thực tế, các thư viện này chưa được quan tâm đúng mức.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), mặc dù các thư viện đã có nhiều đổi mới và triển khai nhiều nội dung khác nhau nhưng hiệu quả còn chưa cao.

Các thư viện cấp huyện, cấp xã nhìn chung chưa thu hút được đông đảo người dân đến sử dụng. Môi trường đọc tại một số thư viện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo – nơi mà trình độ dân trí còn thấp.

Sách phục vụ cho đồng bào thuộc các dân tộc thiểu số, người khiếm thị chưa được quan tâm xuất bản nên việc đảm bảo cho người dân tộc thiếu số, cho người khiếm thị có nhiều sách để đọc tại thư viện còn hạn chế.

Việc phục vụ tại nhà thông qua hình thức thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu điện khi có yêu cầu đối với người cao tuổi, người tàn tật không có điều kiện đến thư viện, mặc dù đã được nêu ra trong Pháp lệnh Thư viện từ năm 2000 nhưng đến nay chưa thực hiện được vì chưa có văn bản quy định cụ thể.

Cũng theo bà Ngà, mô hình quản lý các thư viện cấp huyện, cấp xã tuy đã được trang bị máy tính nhưng chủ yếu vẫn vận hành theo mô hình thư viện truyền thống, mô hình quản lý thư viện hiện đại đã manh nha hình thành nhưng chưa hoàn thiện.

Số lượng tài liệu điện tử có trong các thư viện có trong các thư viện cấp huyện và cấp xã còn hết sức ít ỏi. Mô hình tổ chức của thư viện cấp huyện còn chưa thống nhất.

Mặc dù mô hình thư viện cấp huyện trực thuộc UBND là mô hình tối ưu nhưng không thể áp dụng thống nhất vì điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Thêm vào đó, năng lực, tính chuyên nghiệp và tâm huyết của nhân viên thư viện cấp huyện và cấp xã còn hạn chế, chế độ đãi ngộ dành cho người làm công tác thư viện còn nhiều bất cập.

Không có trụ sở riêng

Những trình bày tại hội thảo cho thấy, thực trạng hoạt động và mô hình quản lý của hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã hiện còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tại nhiều địa phương, trụ sở thư viện cấp xã còn ghép chung, chỉ rất ít thư viện cấp xã được cấp kinh phí từ chính quyền, cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động thư viện chưa cao, thời gian mở cửa phục vụ không ổn định.

Bên cạnh đó, cán bộ thường xuyên thay đổi do chuyển công tác, nhận nhiệm vụ khác hoặc nghỉ việc do chế độ tiền lương quá thấp. Thành phần bạn đọc đa số là nông dân phải làm việc đồng áng nên thời gian đến thư viện không nhiều.

Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, mạng lưới thư viện quận huyện cũng chưa được quan tâm. Ngoài một số thư viện hoạt động khá tốt thì nhiều thư viện chỉ hoạt động cầm chừng, cố gắng bám theo thang điểm thi đua của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố. Thống kê cho thấy chỉ có 9/24 thư viện có trụ sở riêng (trong đó 8 trụ sở là nhà cấp 4), 15/24 thư viện chỉ là một phòng đọc nằm trong khuôn viên trung tâm văn hóa không đủ các chức năng của 1 thư viện cấp huyện.

Về nhân sự, trung bình 2 người phụ trách/thư viện, trong đó có 9 thư viện chỉ có 1 người. Kinh phí hoạt động bình quân mỗi năm của thư viện quận huyện khoảng 70 triệu (có thư viện trên 400 triệu và có thư viện dưới 30 triệu/năm) bao gồm kinh phí bổ sung, kinh phí tổ chức các hoạt động phong trào.

Tổng lượng sách bổ sung hàng năm của 24 thư viện quận huyện khoảng 20 nghìn bản sách trong đó nguồn sách tặng từ các nhà tài trợ, nhà xuất bản, sách nhà nước chiếm khoảng 70% trong nguồn ngân sách bổ sung hàng năm.

Theo đánh giá đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, mạng lưới thư viện quận huyện hoạt động yếu, hiệu quả thấp chưa đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư viện cơ sở: Ngổn ngang trăm mối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO