Thương nhớ người xưa

Dương Thanh Tùng 13/05/2016 09:00

Ai cũng có ngày xưa để thương nhớ. Ngày xưa, trong thế hệ chúng tôi là những đêm thắp đuốc, ôm ghế, vác chiếu đi bộ hàng chục cây số, ngồi trên bãi đất trống, ngơ ngác nghe tiếng máy chiếu rè rè quay, nhìn không dứt lên màn ảnh, say sưa xem những bộ phim “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”… sau này là “Chị Tư Hậu”, “Đến hẹn lại lên”... Những thước phim cứ nằm mãi trong ký ức về một thời rất khó khăn và cũng rất đỗi đẹp tươi, dung dị... 

Thương nhớ người xưa

Cảnh trong phim "Con chim vành khuyên" (Ảnh: TL).

Một lão thành miền Nam tập kết ra Bắc, sống gần trụ sở Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) từ những năm 60 của thế kỷ trước nhận xét, nơi làm việc của tập thể các thế hệ tên tuổi của điện ảnh Việt Nam giờ không khác xưa là mấy. Lá khô rơi rụng, màu rêu phong, cánh cửa gỗ “khép hờ kinh điển” cho thấy nơi này đã cũ từ lâu lắm.

Sự bền bỉ chống chọi với thời gian của hãng phim truyện không thể biến thành phế tích để gặm nhấm, chiêm nghiệm, không phải là món đồ cổ làm đẹp mặt người chơi, cũng không thể biến thành nguồn tài chính lớn lao giúp vực dậy nền điện ảnh đầy vinh quang và lận đận nên buộc phải chọn mặt gửi vàng, như người phụ nữ lỡ thì mơ tìm chồng qua 12 bến nước.

Ai đã sống qua ngày tháng cũ, chắc chắn không bao giờ quên những gương mặt làm làm nên sức sống của nền điện ảnh nước nhà. Đấy là NSND Trà Giang (phim “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”), NSND Trịnh Thịnh (trong bộ phim đầu tay của điện ảnh Việt Nam – “Chung một dòng sông”, và ông nội Bờm trong phim “Thằng Bờm”), NSND Thế Anh (phim “Em bé Hà Nội”, “Đường về quê mẹ”, “Mối tình đầu”), NSND Như Quỳnh (“Đến hẹn lại lên”, “Ngày lễ Thánh”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”…)…

Thế hệ diễn viên từng lấp lánh trong phim của Hãng phim Truyện Việt Nam, đã là người của ngày xưa từ lâu lắm rồi. Ít ai trong số họ còn chạm đến phim trường nhưng từ sâu thẳm tâm hồn những con người khắc tạc chân dung mình vào điện ảnh, chắc hẳn lại đang dậy sóng trước sự định đoạt đầy kịch tính: Chàng hoàng tử bước ra từ câu chuyện cổ tích, đánh thức người phụ nữ lỡ thì tìm chồng qua 12 bến nước lại là hãng vận tải thủy, cách xa vời vợi nghệ thuật thứ 7. Tổng công ty Vận tải thủy mua lại cổ phần của VFS, trở thành cổ đông chính, định đoạt, lèo lái con thuyền điện ảnh trong tương lai.

Liên hệ với nữ diễn viên mà mình từng ngưỡng mộ, tôi nghe bà chua chát đề nghị đừng nêu tên bà kẻo anh em họ đọc được, nghe được, thêm chạnh lòng. Anh em mà bà nhắc đến hẳn là những người đồng hành với bà, với nền điện ảnh cách mạng từ những năm tháng đất nước chia đôi cho đến khi xóa bỏ bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cổ phần hóa là tất yếu của kinh tế thị trường và VFS sau những năm tháng dài thua lỗ, trì trệ cũng đến lúc phải nhờ tay người khác định đoạt số phận của mình. Có người ví VFS về tay Tổng công ty Vận tải thủy như cuộc hôn phối đắng cay. “Cô dâu” VFS lên kiệu hoa về với chồng, nước mắt tuôn rơi, đẫm ướt hành trang 325 phim truyện nhựa, phim tài liệu, nghệ thuật sau 63 năm tồn tại – kể từ khi được thành lập vào năm 1953.

Thương nhớ ngày xưa nhưng không thể bắt ngày xưa sống lại. Hôn phối dù đắng cay thì cũng là cuộc se duyên đúng luật. Trong khi rất nhiều người chặc lưỡi tiếc đến quặn ruột của hồi môn của VFS gồm các lô đất không thể gọi là vàng mà là kim cương ở số 4 Thụy Khuê (5.443 m2), ngõ 51 Hoàng Hoa Thám (904,9m2), ở Đông Anh (6.382,8m2), ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1 TP HCM (1.208 m2), thì cũng có rất nhiều người khác tặc lưỡi cho rằng không nên tiếc.

Để cứu vãn nền điện ảnh trong cơ chế thị trường người ta có thể bằng mọi giá – kể cả việc phải trả giá rất đắt trong tương lai. Có ai đó trong số những tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam buột ra câu này, nhưng suy cho cùng - chỉ là cảm xúc của cá nhân. Cổ phần hóa VFS về tay Tổng công ty Vận tải thủy, đúng sai thế nào còn có tương lai định đoạt. Chỉ biết rằng cái giá phải trả cho sự trì trệ, thua lỗ triền miên của VFS ngày hôm nay là quá lớn, vượt quá khả năng tưởng tượng của bất cứ ai toàn tâm toàn ý với điện ảnh nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương nhớ người xưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO