Tìm cách xã hội hóa đào tạo âm nhạc

Hiền Mai 27/08/2016 09:15

Hiện nay, xu hướng xã hội hóa việc dạy và học âm nhạc đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung. Dẫu vậy việc dạy và học âm nhạc vẫn đang tự phát. Những nhận định này vừa được phân tích tại Hội thảo “Xã hội hóa đào tạo âm nhạc” do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP HCM phối hợp tổ chức.

Nghệ nhân truyền dạy âm nhạc truyền thống.

Tại đây, ông Phan Đình Tân - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) cho hay, hội thảo nhằm góp phần đánh giá thực trạng những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học âm nhạc hiên nay. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp điều chỉnh, bổ sung văn bản qui định về việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc phù hợp với tình hình thưc tế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký tổ chức dạy âm nhạc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tổ chức dạy âm nhạc nhằm phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

PGS.TS Nguyễn Phúc Linh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đánh giá: Xã hội hóa đào tạo âm nhạc là một vấn đề đáng quan tâm. TP HCM đã đi trước trong việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc. Gần đây, Hà Nội cũng đã phát triển xu hướng xã hội hóa đào tạo âm nhạc với tốc độ khá nhanh, qui mô mở rộng. Điều này xuất phát từ việc đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện nên công chúng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần.

Đồng tình quan điểm này PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm- Phó Giám đốc Nhạc viện TP HCM chia sẻ: Khoảng 10 năm gần đây, TP HCM, khó mà đếm xuể các cá nhân dạy nhạc, các “lò” dạy nhạc hay các trung tâm, các “trường” âm nhạc tư nhân được thành lập với qui mô từ vài chục, thậm chí có cả trăm học viên theo học. Có thể khẳng định xã hội hóa âm nhạc trở thành một xu hướng tất yếu.

NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng cho rằng trước kia việc học hát, học nhạc ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng chỉ có ở các nhà văn hóa thiếu nhi; các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp chỉ tuyển sinh thanh nhạc với đối tượng lớn tuổi, khi về căn bản các em đã định hình giọng thì nay nhu cầu ấy đã thay đổi. Thực tế, cho thấy không ít bạn trẻ đã trở thành ca sĩ, trở nên “hot” trên thị trường âm nhạc từ những cuộc thi hát trên truyền hình mà không cần qua trường lớp đào tạo bài bản...

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng: xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc là xu hướng đúng và tất yếu nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý, đào tạo âm nhạc. Nhiều ý kiến, kinh nghiệm cần thiết để xã hội hóa đào tạo âm nhạc đi đúng hướng, hạn chế bất cập và đem lại hiệu quả tích cực cho nền giáo dục…đã được chia sẻ. Rõ ràng không thể phủ nhận tính tích cực của các hoạt động xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc là nhằm thỏa mãn nhu cầu được tiếp cận với tinh hoa văn hóa của nhân loại, được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng để có một cuộc sống tinh thần phong phú... song hoạt động này vẫn đang tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Dẫu vậy, theo NSND Ngô Văn Thành- nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thực tế từ hàng chục năm nay không có cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng của các trung tâm đào tạo tư nhân này. Ở không ít trung tâm, giáo viên chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm âm nhạc để dạy trẻ em học nhạc. Vì thế mà hậu quả của sự lộn xộn trong dạy và học âm nhạc không chuyên không chỉ dừng lại ở sự lãng phí thời gian, tiền của...

Thực tế, việc xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc hiện nay vẫn đang mang tính chất tự phát, các cơ sở tự chủ tối đa từ giáo trình, giáo viên đến hình thức, phương pháp sư phạm… dẫn đến khó khăn trong đánh giá hiệu quả thực sự việc dạy âm nhạc trong cộng đồng. Ông Phan Đình Tân cho biết: Sau khi tiếp nhận ý kiến đánh giá thực trạng những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học âm nhạc, cơ quan chức năng sẽ đề ra các giải pháp điều chỉnh, bổ sung văn bản qui định về việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc phù hợp với tình hình thưc tế, nhằm khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tổ chức dạy âm nhạc nhằm phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách xã hội hóa đào tạo âm nhạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO