Tìm chỗ chơi cho trẻ

Lưu Nguyễn 11/06/2017 08:10

Hoạt động vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của trẻ em ở nông thôn còn thiếu được quan tâm, phát triển. Đến dịp hè, đây lại càng là lỗ hổng lớn, câu hỏi lớn đặt ra trước mặt các nhà quản lý, các nhà hoạt động chuyên môn.

Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Theo xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo trẻ em và các bậc phụ huynh, đồng thời có sự phát triển tích cực trong việc định hướng phong trào vui chơi, giải trí của trẻ, những năm qua tại nhiều đô thị đã xuất hiện nhiều địa chỉ văn hóa, trung tâm giải trí, không gian vui chơi dành cho trẻ.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những năm qua thu hút các em đến tham quan, tham dự các lễ hội, các chương trình khám phá di sản nghề truyền thống… Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thời gian qua cũng đang trở nên điểm đến hấp dẫn. Các vườn thú, các công viên cây xanh, các trung tâm vui chơi giải trí ở các khu đô thị lớn… đón trẻ em tham quan, khám phá thiên nhiên hoặc tham dự các trò chơi đa dạng, từ đơn giản như xích đu, đu quay, bập bênh, nhà bóng… đến trò chơi có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các trò chơi tập thể phát triển kỹ năng, trí tuệ...

Thêm vào đó, tại các rạp chiếu phim cũng đang xuất hiện nhiều hơn các bộ phim hoạt hình, phim dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Còn phải kể thêm đến sự mọc lên dày đặc của các sân bóng nhỏ, các bể bơi bên cạnh các hoạt động thể thao dành cho trẻ tại các trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi. Các địa điểm này cũng là “điểm đến” của đông đảo các em yêu thích thể thao, học tập ca múa và các môn nghệ thuật khác...

Tuy nhiên, điều thấy ngay là sự thiếu vắng, vắng bóng những không gian, địa điểm với chức năng tương tự ở vùng nông thôn nhằm phục vụ, định hướng, phát triển hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em các khu vực này. So sánh này gợi ra, không phải để mong ước về một sự tương đồng, tương đương, hay một viễn cảnh rằng ở thành phố có gì, thì ở nông thôn phải có cái đó, cho trẻ.

Bởi sự phát triển các hình thức vui chơi, giải trí cho thiếu nhi ở nông thôn còn bị cản trở bởi rất nhiều điều kiện khác nhau. Dễ thấy ở các đô thị, trẻ gặp nhiều thuận lợi hơn về điều kiện kinh tế, mức sống, điều kiện về giao thông, phương tiện đi lại. Cùng với đó, việc phát triển các địa điểm, loại hình vui chơi giải trí đối với các nhà đầu tư tư nhân còn phải căn cứ vào khả năng thu lợi nhuận.

Để kéo dài tình trạng thiếu không gian vui chơi, giải trí, tiếp cận các hoạt động thể thao, nghệ thuật cho trẻ em nông thôn, thiếu sự đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất cho các hoạt động này, thì rõ ràng, đây là một trong những nguyên cớ đẩy xa khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa, giải trí giữa nông thôn và thành thị.

Ở trung tâm các huyện cũng có các trung tâm văn hóa, thể thao, một số công viên còn sơ sài và điểm vui chơi nhỏ lẻ. Nhưng những điều kiện còn ít ỏi này thuận lợi hơn với nhu cầu tại chỗ, còn để đến vui chơi, rèn luyện qua một khoảng cách xa từ các thôn, xã vẫn là cản trở đối với các em nhỏ và phụ huynh.

Vấn đề rất cần thiết, không phải là đưa được các điểm vui chơi, hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim… như ở thành phố về với nông thôn để phục vụ và định hướng sự vui chơi, giải trí của trẻ. Mà căn cứ vào tình hình thực tế, vào các điều kiện sẵn có ở khu vực nông thôn để cải thiện tình hình.

Cũng như từng bước quan tâm phát triển hơn nữa hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho trẻ em vui chơi, giải trí, phát triển văn - thể - mĩ. Ví dụ, hệ thống trường lớp các cấp đã phát triển rộng khắp ở các cấp xã với điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc, bàn ghế đã khang trang hơn xưa nhiều. Cùng với đó là hệ thống nhà văn hóa thôn xã có trang bị đầy đủ về điện, nước, bàn, ghế…

Đây hoàn toàn có thể trở thành nơi phát triển các lớp bồi dưỡng văn hóa, nghệ thuật, thể thao vào mùa hè cho trẻ em các thôn xóm mà đứng ra phối hợp tổ chức là các nhà trường, chính quyền các xã và các trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, có sự đầu tư, định hướng của các sở văn hóa, thể thao và du lịch.

Mùa hè đến, qua các phương tiện thông tin, đại chúng, truyền thông, chúng ta thường xuyên đón những hình ảnh, thông tin phản ánh hoạt động vui chơi, giải trí, phong trào sinh hoạt hè của trẻ ở các thành thị. Tại đây, các trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể thao cả công lập lẫn tư nhân cũng thường xuyên tổ chức hoạt động, thông báo chiêu sinh, đón các em nhỏ từ các phố phường, các quận, thị xã… về rèn luyện.

Ngược lại, hướng góc nhìn về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những hình ảnh quen thuộc chắc vẫn là những nhóm em nhỏ bế ẵm nhau đội nắng tha thẩn ven những đường làng, bờ ao, hay những em bé vùng cao đứng ven đường nhìn theo những chiếc xe du lịch vọt qua…?

Ở một số vùng nông thôn có những lớp học văn hóa, văn nghệ trong chùa do các nhà sư tổ chức cho trẻ em trong làng. Có nơi có người nhiệt tình đứng ra dạy các em học bơi dưới mương thủy lợi. Có một số câu lạc bộ dạy hát dân ca có sự theo học của các em…

Những mô hình tích cực này, xuất phát từ các sáng kiến cá nhân, đều rất quý. Nhưng một mặt, nó lại càng phản ánh một thực trạng buồn, là ở nhiều nơi đang thiếu mối quan tâm, đầu tư của chính quyền, cơ quan chức năng ngành văn hóa, thể thao.

Trẻ em nông thôn rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện chu đáo hơn, phong phú hơn về chỗ chơi, nơi tăng cường hoạt động thể chất, thẩm mĩ. Mong rằng Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương, ngành văn hóa, thể thao từ cấp bộ đến các tỉnh, huyện, cùng với ngành giáo dục và chính quyền các địa phương… sẽ suy nghĩ thêm về điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm chỗ chơi cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO