Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần

Từ Khôi 07/09/2019 01:00

Ngày 5 và 6/9 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á”.

Ngoài các học giả Việt Nam, hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều học giả quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Myanmar… Bên cạnh những điểm chung của tục thờ Quan Âm, hội thảo cũng chỉ ra những điểm khác biệt ở mỗi quốc gia.

Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Phạm Thành Long.

Hội thảo do Trường Đại học KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) phối hợp với Trường Đại học Quốc lập Thành Công, Đại học Kim Môn (Đài Loan, Trung Quốc) tổ chức, gồm 3 phiên làm việc, được chia thành nhiều tiểu ban với ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng Trung. Hội thảo tập trung tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á dưới các góc độ chuyên ngành và liên ngành: văn học, sử học, văn hóa học, tôn giáo học, khu vực học… Các tham luận hướng vào các chủ đề chính, đó là: Các truyền thuyết về Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á; Lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á; Các di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á; Việc thực hành tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á.

Tín ngưỡng thờ Quan Âm (Quan Thế Âm, Quán Thế Âm, Quán Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Nam Hải… tên tiếng Phạn gọi là Avalokitesvara) xuất hiện khá sớm sau khi Phật giáo hình thành và phát triển. Nếu như ở Việt Nam, hình tượng Quan Âm được biết đến là một vị Bồ Tát với giới tính là nữ thì ở Mỹ và một số quốc gia khác, ban đầu hình tượng Quan Âm lại là nam. Bất ngờ này không chỉ với nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mà còn cả với GS Yu Chun Fang (Trung Quốc, Giáo sư danh dự Đại học Columbia). GS Yu Chun Fang cho biết: Khi ông giảng dạy tại Đại học Colombia (Mỹ), thì được biết được vị Bồ Tát này không phải là nữ giới. Còn ở Trung Quốc, thời kỳ đầu, Quan Âm là nam giới. Bằng chứng là quá trình chuyển đổi giới tính của đức Quan Âm dựa vào cách tạo hình. Tạo hình Quan Âm ở Vân Cương, Long Môn và Đôn Hoàng - bao gồm cả những hình vẽ trên bích họa và các cuộn kinh ở Đôn Hoàng đều là nam giới, ở một số bức họa còn vẽ cả râu. Tại Ấn Độ, Tây Tạng, Đông Nam Á, Sri Lanka, các nghệ sĩ luôn điêu khắc hoặc vẽ hình ảnh đức Quan Âm là một trang vương tử tuấn tú.

Ở Việt Nam, hình tượng Quan Âm không chỉ là nữ thần, cao siêu mà còn rất gần gũi. Câu chuyện về một người phụ nữ là Thị Kính chịu bao oan trái đã thành Phật Quan Âm được chèo truyền thống xây dựng thành tích kinh điển. Và không biết từ chèo hay từ tượng thờ trong chùa ra chèo, nhưng từ lâu lắm rồi, trong chùa Dâu (chùa Pháp Vân, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã thờ Phật Bà Quan Âm Thị Kính. Dân gian có câu ca: “Xem trong cõi nước Nam ta/ Chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”. Trong chùa có tượng Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII.

Để nghiên cứu về tín ngưỡng Quan Âm các nhà nghiên cứu đều không thể bỏ qua: Pháp Hoa kinh, Bát Nhã Tâm kinh, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni kinh và Lăng Nghiêm kinh.

Trong khi ở Trung Quốc và Việt Nam, Quan Âm là biểu hiện của sự bao dung, che chở cho hoạn nạn thì ở Sri Lanka, Campuchia, Tây Tạng, Indonesia… Quan Âm đều là biểu tượng của hoàng quyền, được tôn xưng là Người thống trị và “Chúa tể vũ trụ” vĩ đại. Ở các nước này, thời trung đại đều có tín ngưỡng thờ “Thần vương” (Devaraja), coi hoàng đế là hóa thân của thần thánh trong Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo. Đền Angkor Wat nổi tiếng thế giới được xây dựng vào thế kỉ 12-13 chính là sản phẩm kết hợp giữa thần trong Ấn Độ giáo, Phật giáo và đế vương được thần thánh hóa.

Hình tượng Quan Âm là nữ thần đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhưng hình tượng Quan Âm cầm cành dương liễu trên tay xua đi đau khổ xuất hiện thời điểm nào chưa rõ.

PGS.TS Trần Thị An (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Tại chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), tương truyền được xây dựng vào thế kỷ XIII, có thờ công chúa con thứ ba của vua Trang Vương tên là Diệu Thiện. Sau khi đắc đạo, bà thành Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt.

Quan Âm từ một vị Phật, Bồ Tát tới hình tượng nữ thần. TS. Trần Thanh Việt, Lê Phương Duy (Đại học Quốc gia) cho biết: Và qua thời gian, ở Việt Nam, Quan Âm Bồ Tát thường đứng hàng đầu trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng Tam – Tứ phủ. Điều này được thể hiện rõ trong hệ thống văn chầu, khoa nghi, sớ điệp - là những văn bản quan trọng được lưu hành, sử dụng trong tín ngưỡng thờ Tam – Tứ phủ từ xưa tới nay.

Xuất phát từ Phật giáo, Phật Quan Âm đã lan tỏa đi nhiều quốc gia. Tới Việt Nam, hình tượng Quan Âm hòa nhập với tín ngưỡng bản địa không chỉ thành nữ thần mà còn trở thành “Mẫu”. Và tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO