Tô Hoài và bạn văn qua hồi ký

PGS.TS Tôn Phương Lan 19/07/2015 08:20

Hưởng dương hơn 90 năm, minh mẫn cho đến những ngày cuối cùng, lại cầm bút từ năm 17, 18 tuổi, với bút lực năng động và dồi dào, Tô Hoài đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ.

Tô Hoài và bạn văn qua hồi ký

Nhà văn Tô Hoài.

“Tô Hoài - Một đời văn”

Tưởng nhớ 1 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài, sáng qua (18/7), tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Tô Hoài - Một đời văn”. Sự kiện này quy tụ các nhà văn, nhà phê bình cả nước với những đánh giá hết sức tâm huyết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một cây đại thụ làng văn.

Nhân dịp này, Tủ sách Tô Hoài của Phương Nam Book bổ sung 9 tác phẩm tiêu biểu (gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký) như: “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm”, “Chiếc áo sườn xám màu hoa đào”, “Khách nợ”, “Ký ức Đông Dương”...

M.H.

Người đọc không thể quên Tô Hoài ở mảng truyện thiếu nhi mà “Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm còn mãi với thời gian, nổi tiếng không chỉ trong mà còn ngoài nước; cũng như không quên “Vợ chồng A Phủ” vốn rất quen thuộc với bao thế hệ học trò, tác phẩm tiêu biếu nhất trong các sách viết về đề tài miền núi của ông. Ông viết nhiều, viết khỏe. Đọc ông, có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống, về phong tục, tập quán của nhiều vùng đất trong đó nổi bật nhất là vùng đất ngoại ô Hà Nội quê ông.

Đặc biệt trong hơn thập niên cuối thế kỷ XX, bạn đọc bừng ngộ trước một đặc sắc mới của Tô Hoài khi ông cho ra đời “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều”. Nếu như trước đây qua tự truyện, người đọc nhận ra đằng sau một Tô Hoài ngỡ ngàng bước vào đời khi đất nước đang ở vào thời kỳ khó khăn và làng quê của ông lộ ra những tiêu điều xơ xác bởi cuộc mưu sinh chật vật, lầm lụi, nhọc nhằn mà nét đẹp văn hóa ngày một xuống cấp; bản thân ông trải qua một tuổi thơ mà cả vật chất và tinh thần đều buồn nhiều hơn vui, thì với hai cuốn hồi ký này, Tô Hoài đã làm sống lại một thời chưa xa với một số những gương mặt văn sĩ thân quen và về bản thân ông, cả phần dương bản và phần âm bản, qua đó là đời sống xã hội của một thời kỳ đầy biến động.

Đọc Tô Hoài viết về đồng nghiệp mà vẫn thấy hiện ra lồ lộ một Tô Hoài – nhà văn có trí nhớ tuyệt chiêu về những chuyện làng văn mà những ai yêu văn chương từng sống vào thời điểm đó, cầm cuốn sách lên là không thể dứt.

Tô Hoài và bạn văn qua hồi ký - 1

Tác phẩm hồi ký gây chú ý của nhà văn Tô Hoài.

Việc Tô Hoài chọn Nguyễn Tuân, người mà như GS Nguyễn Đăng Mạnh nhận định trong Lời giới thiệu cho cuốn “Tuyển tập Nguyễn Tuân” rằng: ông “là một hiện tượng phức tạp” (nhận định này được Nguyễn Tuân lúc sinh thời nghe ra rất tâm đắc), làm nhân vật trung tâm của hồi ký là một lựa chọn thấu tình đạt lý. Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi danh từ trước cách mạng, với văn cách độc đáo. Ông cũng là người quyết liệt trong việc lột xác để hòa mình với cách mạng, với cuộc sống mới nên qua mỗi thời kỳ ông đều có tác phẩm hay.

Là nhà văn từng giữ cương vị cao trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Nguyễn Tuân cũng là người có uy trong giới văn nghệ. Đặc biệt ông là người sống rất có cá tính mà nói như Nguyễn Sáng là thuộc diện không coi ai ra gì! Có nhiều người rất thích, rất quý văn tài của ông nhưng cũng lại rất sợ ở ông cái tính khủng khiểng, kiêu ngạo và không ít khi ác khẩu. Tô Hoài quen Nguyễn Tuân từ trước, hiểu và biết về ông nhiều, bao phen cùng sống, cùng làm việc, cùng đi thực tế với nhau tuy cá tính hai người chưa hẳn đã giống nhau. Chọn Nguyễn Tuân, như một tâm điểm cho hồi ký, Tô Hoài muốn thể hiện sự hợp nhất của những tính cách vốn rất khác nhau về hoàn cảnh, sở trường, lối sống cùng hoạt động dưới mái nhà văn nghệ cách mạng, về sức mạnh tiềm ẩn có trong mỗi con người để vược qua rào cản khách quan và chủ quan khi cùng hướng đến mục đích cao nhất.

Tôi cũng đã đọc đâu đó nhiều nơi nhiều lần về một Nguyên Hồng dễ ăn, dễ sống, một người chân tình, lao động “như một ông lão thợ đấu” (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu). Tôi biết ông đã từng khóc khi nhân vật Gái đen trong tiểu thuyết “Cửa biển” của ông chết. Và rồi gặp lại con người ấy trong những trang hồi ký của Tô Hoài. Tác giả của những thị dân, những người lao động nghèo đã khóc khi báo Văn do ông phụ trách bị cho là sai và đình bản. “Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản đêm hôm, tôi bỏ hết sáng tác cố làm cho kịp. Suốt tuần, tôi bận bịu vì nó, thế mà sao tôi lại có thể sai. Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng, tôi hết sức vì nó. Tôi không thể, tôi không thể…”. Tưởng không còn gì có thể chân thành hơn những lời gan ruột và những giọt nước mắt mắt đổ tràn, khi, ông, với một chồng báo Văn sau gác ba ga xe đạp chở đi để thanh minh với mọi người. Ông đưa cả nhà quay lại sống ở Nhã Nam luôn vì vào thời điểm bi phẫn đó, ông muốn tránh xa mọi hệ lụy. Con người ấy, trong hồi ký của Tô Hoài, hiện lên khiến người đọc trào nước mắt...

Xuân Diệu cũng là một chân dung được Tô Hoài phác thảo ở một góc nhìn mới. Có lẽ trước Tô Hoài chưa có nhà văn Việt nào viết về tình cảm của những người đồng tính một cách đàng hoàng như ông, nhất là khi bản thân ông cũng là người đồng thuận, tham dự những cuộc giao hoan đồng tính với Xuân Diệu thời kỳ ở Việt Bắc. Đây là một góc nhìn rất nhân văn, một thái độ dũng cảm của Tô Hoài bởi vào thời điểm “Cát bụi chân ai” ra đời, xã hội vẫn còn không chấp nhận và có cái nhìn kỳ thị… Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, một ông hoàng thơ tình trong sự ngưỡng mộ của bao độc giả. Nhưng từ khi ông còn sống đã có những đồn thổi nghi ngờ về giới tính.

Đến “Cát bụi chân ai”, Xuân Diệu hiện lên ngoài hình ảnh một người mạnh mẽ về bút lực, dồi dào trong cảm xúc, tằn tiện và tính toán trong sinh hoạt cá nhân, là một hình ảnh tội nghiệp, cô đơn khi những bí mật về giới tính của ông bị mở toang. Tô Hoài kể lại câu chuyện về những đêm Xuân Diệu “đến” với ông là với một thái độ hoàn toàn cảm thông, chia sẻ và tôn trọng. Khuyết tật về hình thể là mệnh trời, không ai muốn. Tô Hoài biết cảm hứng về những mối tình trai của Xuân Diệu đã góp vào sự nghiệp của nhà thơ này những bài thơ tình say đắm.

Ông cho rằng những người “yêu thơ Xuân Diệu, hiểu được thơ tình não nùng của Xuân Diệu, không phân biệt trai gái, phải thấu nỗi niềm và duyên nợ của nhà thơ, suốt đời nhớ thương và chờ đợi. Không bao giờ sầu não và thất vọng, không bao giờ già, mãi mãi ban đầu”.

Tô Hoài và bạn văn qua hồi ký - 2

Tác phẩm hồi ký gây chú ý của nhà văn Tô Hoài

Hồi ký Tô Hoài chỉ là một mảng nhỏ trong di sản của ông. Viết về bè bạn cũng lại chỉ là một phần trong hồi ký. Là một nhân chứng sống của nền văn nghệ cách mạng, Tô Hoài viết từ góc nhìn của người trong cuộc, cung cấp cho bạn đọc những tư liệu thú vị về con người một số nhà văn, cũng là những tư liệu quan trọng để người đọc có cơ sở mà nhìn kỹ, hiểu sâu về cơ chế và đời sống văn nghệ. Thời gian trôi đi, các nhà văn thuộc thế hệ trước cách mạng và kháng chiến chống Pháp lần lượt thành người thiên cổ và nếu ai còn thì sức sáng tạo chắc cũng không nhiều. Những tư liệu trong các hồi ký càng trở nên quý giá, nhất là với những người biết nhiều, hiểu kỹ như ông.

Tất nhiên, khi viết “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều” có những điều Tô Hoài vẫn chưa nói hết, chẳng hạn về Nhân văn - Giai phẩm. Phải chăng đây là điều mà ông gọi “đôi khi là một nửa sự thật” như trong trả lời phỏng vấn, và ông đã phải đấu tranh lắm mới viết được ra?

Tác phẩm văn chương là một cách nhìn về hiện thực và con người mang tính chủ quan nhưng Tô Hoài đã khách quan hóa cái chủ quan của mình trong cái nhìn về văn đàn và đồng nghiệp. Còn cái chủ quan in dấu ấn sâu đậm nhất còn lại trong tác phẩm chính là tình cảm của ông dưới cái nhìn nhân văn, sẻ chia của một bản lĩnh văn hóa. Thật tiếc khi có những điều mà ông chưa kịp hoặc chưa dám viết ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tô Hoài và bạn văn qua hồi ký

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO