Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Hạ Huyền 15/06/2017 08:35

Gần 1 năm qua, bên cạnh việc đưa các tác phẩm chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong đó có nghệ thuật truyền thống như tuồng chèo, cải lương... thì việc xây dựng những đề án đào tạo riêng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống của Bộ VHTTDL đã thể hiện quyết tâm bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian, hồn cốt tinh thần của người Việt.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát lớn Hà Nội.

1. Theo NSND Lê Tiến Thọ, những năm gần đây giới văn nghệ sĩ rất mừng khi nhiều đề án đã đặt ra trúng và đúng trong thời kỳ hiện nay như Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống, Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020, định hướng 2030, Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030”, “Đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”…

Đặc biệt là Bộ VHTTDL đã xây dựng Đề án đào tạo riêng cho các loại hình như tuồng, chèo, cải lương, dân ca, đề án đào tạo đội ngũ tác giả. Nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế đã được tổ chức thành công và tạo nhiều động lực cho đội ngũ sáng tạo nghệ thuật và hình thành nên những tác phẩm, chương trình, tiết mục chất lượng cao. Âm nhạc truyền thống đã được quan tâm tổ chức để động viên các nhạc công âm nhạc dân tộc. Tất cả những đề án, những công việc mà ngành VHTTDL đã làm được phần nào hướng tới việc giải quyết căn nguyên những vấn đề làm nền tảng của văn hóa hiện nay, đó là phát triển trên tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc.

Đáng kể trong đó, dấu ấn nổi bật là từ cuối tháng 8-2016, Bộ VHTTDL chủ trương đưa tác phẩm nghệ thuật, sân khấu chất lượng cao vào công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là chủ trương lớn, thiết thực của ngành văn hóa với sân khấu nước nhà trong giai đoạn hiện nay, không chỉ nâng tầm sân khấu truyền thống mà còn thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao của công chúng Thủ đô và du khách quốc tế. Quan trọng hơn cả là việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô Hà Nội.

2. Những nỗ lực, cố gắng để bảo tồn văn hóa truyền thống một lần nữa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vừa qua. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về sự mai một của văn hóa nghệ thuật truyền thống và trách nhiệm của Bộ trong việc bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, nghệ thuật truyền thống là di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bộ VHTTDL xác định trách nhiệm bảo tồn của Bộ đối với vấn đề này là rất lớn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ ra những khó khăn mà các loại hình nghệ thuật truyền thống đang phải đối mặt như: khán giả ít quan tâm. Vì vậy, nguồn thu từ bán vé, và nguồn thu khác với loại hình này hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ hiện khó khăn. Trước thực trạng này, Bộ VHTTDL đã có chủ trương làm thế nào để giới thiệu quảng bá loại hình này trên cả nước để đưa nghệ thuật truyền thống đến cả nước.

Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức đưa các vở diễn hay nhất của các loại hình nghệ thuật truyền thống ra Nhà hát lớn biểu diễn để phục vụ khán giả. Với mong muốn quảng bá, giới thiệu loại hình văn hóa truyền thống này đến nhân dân, để khán giả dần quan tâm trở lại và bước đầu khán giả đã đến rất đông, đây là điều rất mừng. Kết quả bước đầu mới như vậy và Bộ VHTTDL đang hết sức cố gắng làm từng bước để bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ, việc bảo tồn này cần có sự chung tay của các địa phương, vì mỗi tỉnh, thành đều có các nhà hát ở địa phương. Cách làm này cần được các địa phương ủng hộ.

Dẫu thế, nhiều người vẫn băn khoăn lo ngại trước sự mai một, không gìn giữ được văn hóa gốc của nghệ thuật truyền thống, trước sự tác động của yếu tố thị trường. Người đứng đầu ngành văn hóa cho hay, việc bảo tồn văn hóa truyền thống ở các địa phương cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, của các nghệ nhân - những người giữ lửa di sản. Vì thế để bảo tồn được nghệ thuật truyền thống, cần có sự vào cuộc tích cực của các địa phương và có sự đầu tư thích đáng cho văn hóa truyền thống dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO